Bội chi dưới 4% GDP, nợ công trong ngưỡng cho phép

Thứ Sáu, 08/01/2021, 19:07 [GMT+7]
In bài này
.

* Bà Rịa-Vũng Tàu thu ngân sách 78.745 tỷ đồng

Ngày 8/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan tham dự.

Sản xuất cáp thép tại Công ty CP Liên hợp Mêkông (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu). Ảnh: VÂN ANH
Sản xuất cáp thép tại Công ty CP Liên hợp Mêkông (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu). Ảnh: VÂN ANH

CƠ CẤU THU NGÂN SÁCH BỀN VỮNG HƠN 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2020, nền kinh tế chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 và bão lụt. Tuy vậy, toàn ngành đã bám sát thực tiễn, chủ động đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính - NSNN. Qua đó, ngành đã góp phần tích cực thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong bối cảnh tác động của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã ban hành 122 thông tư về lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách, tập trung vào các cơ chế, chính sách về thuế, cắt giảm phí, lệ phí hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, quản lý chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả, phát triển thị trường tài chính, dịch vụ kế toán, bảo hiểm, quản lý ngân quỹ nhà nước... Nhiều chính sách tài khóa linh hoạt như miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất được triển khai để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, hỗ trợ kịp thời cho DN, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Cụ thể, cả nước đã có khoảng 123,6 ngàn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn, giảm.

Dù vậy, thu NSNN cả năm 2020 vẫn đạt 98% dự toán, tăng 184 ngàn tỷ đồng so với dự kiến của Quốc hội vào tháng 10/2020. Đây là điểm tích cực trong điều kiện thu NSNN năm 2020 khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so với dự kiến. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Mặt khác, cơ cấu thu NSNN bền vững hơn: tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 85,5% năm 2020; tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 14,2% năm 2020. 

Điểm sáng trong hoạt động chi ngân sách năm 2020 là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so với năm trước. Năm 2020, chi đầu tư phát triển đạt 82,8% dự toán (năm 2019 đạt 62,9% kế hoạch); bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 248,5 ngàn tỷ đồng, dưới 4% GDP. Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,6% GDP. 

Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc phù hợp với khả năng ngân quỹ nhà nước, chủ yếu là huy động vốn trung và dài hạn (không phát hành kỳ hạn dưới 5 năm) và không vay thêm từ các tổ chức tài chính quốc tế, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP, trong phạm vi giới hạn cho phép.

BR-VT THU VƯỢT DỰ TOÁN

Năm 2020, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh BR-VT gần 78.745 tỷ đồng (đạt 103,6% so với dự toán năm). Trong đó, thu từ dầu thô 20.237 tỷ đồng (đạt 103,3%); thu xuất nhập khẩu 17.459 tỷ đồng, đạt 87,3%; thu nội địa 41.047 tỷ đồng, đạt 112,6%. 

Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2020, do tác động bởi dịch bệnh COVID-19 và do Trung ương ban hành các chính sách miễn, giảm thu ngân sách nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh nên trên địa bàn tỉnh có 5/18 khoản thu không đạt dự toán giao như: Thu từ khu vực DN nhà nước đạt 65,8% dự toán, thu thuế thu nhập cá nhân đạt 94,1% dự toán... Tuy nhiên, một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nội địa vẫn đạt và vượt như: thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ trọng 45,4% tổng thu nội địa) 19.370 tỷ đồng (đạt 117% dự toán); thu tiền sử dụng đất 2.793 tỷ đồng (đạt 399%); thu cho thuê đất, thuê mặt nước 1.902,2 tỷ đồng (đạt 172,9%). Tổng chi ngân sách địa phương hơn 18.194 tỷ đồng, đạt 76,6% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển gần 9.681 tỷ đồng, đạt 77,4%; chi thường xuyên hơn 8.488 tỷ đồng (đạt 79,2%).

Trong tham luận gửi đến hội nghị, tỉnh BR-VT khẳng định, BR-VT là một trong những địa phương có đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước (đứng thứ 3/63 tỉnh, thành, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội) và là tỉnh tự cân đối ngân sách. Ngày 15/10/2020, UBND tỉnh đã có Công văn số 11331/UBND-VP trình Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh được sử dụng nguồn cải cách tiền lương của tỉnh còn dôi dư đến năm 2020, với tổng số tiền gần 3.187 tỷ đồng để bảo đảm cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ cho phép BR-VT được sử dụng nguồn cải cách tiền lương của tỉnh còn dôi dư hàng năm để bảo đảm cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cam kết sẽ quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn lại đúng quy định, bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện chính sách an sinh xã hội cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị Trung ương hỗ trợ.   

Nhằm tạo điều kiện để địa phương có nguồn lực ngân sách tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch đã được Bộ Tài chính chấp thuận, tỉnh BR-VT cũng đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét bảo đảm định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2022 không thấp hơn năm 2021. Đồng thời giữ ổn định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đối với các khoản thu phân chia trong giai đoạn 2022-2025 không thấp hơn năm 2021.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC
Bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế thông suốt
Nhờ ngân sách không hụt thu quá lớn như dự toán ban đầu nên tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, bội chi bình quân khoảng 3,6% GDP, bảo đảm mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội.
Năm 2021, tình hình thế giới còn diễn biến rất phức tạp, không chỉ dịch bệnh mà cả cạnh tranh quốc tế, nguy cơ khủng hoảng tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu có thể xảy ra. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến ngành tài chính, cả về thu và chi NSNN, nợ công, thị trường tài chính mà trước hết thu NSNN ở những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp. 
Đề nghị ngành tài chính tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược theo hướng tài chính vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Ngành cần chủ động phối hợp hiệu quả với các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện ngày càng tốt hơn sứ mệnh đặc biệt quan trọng của mình, đó là bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế thông suốt, an toàn và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

PHAN HÀ

 

 
;
.