Sáng tạo, nhạy bén trong sản xuất kinh doanh

Thứ Sáu, 02/10/2020, 19:30 [GMT+7]
In bài này
.

Không chỉ đảm đang, lo toan, chu toàn cho gia đình, mà nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh còn năng nổ, sáng tạo, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh. Có chị còn tạo việc làm, giúp đỡ chị em khác phát triển kinh tế gia đình.

Bà Võ Thị Xoan (tổ 6, thôn Quảng Giao, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) chăm sóc đàn dê của gia đình.
Bà Võ Thị Xoan (tổ 6, thôn Quảng Giao, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) chăm sóc đàn dê của gia đình.

Chị Phùng Thị Thanh Xuân (ấp 4, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) từng làm công nhân cho các công ty, xí nghiệp may gia công tại địa phương. Hiểu được những khó khăn của chị em khi vừa nuôi con nhỏ vừa phải chăm lo cho gia đình, vì vậy năm 2017, được Hội LHPN xã hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH và hỗ trợ 1 máy may gia công (trị giá hơn 4 triệu đồng); cùng với số tiền tích góp, vay mượn của người thân, chị Xuân đã tạo lập cơ sở may gia công ba lô, túi xách rộng hơn 60m2 tại nhà. 

Xưởng may của chị đã tạo việc làm ổn định cho 15 chị em nghèo tại địa phương với mức lương từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Với những chị em nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi, chị tạo điều kiện cho mượn máy về gia công tại nhà để chị em vừa có thêm thu nhập vừa chăm lo cho gia đình, con nhỏ. Nhờ chủ động tìm kiếm nguồn đặt hàng, chủ yếu là ba lô, túi xách nên cơ sở chị Xuân hoạt động ổn định, bảo đảm thu nhập cho các chị em.

Tương tự, bà Đoàn Thị Kim Liên (ấp Liên Hiệp 2, xã Xà Bang) đã mạnh dạn chuyển hướng phát triển kinh tế theo hướng trồng trọt, chăn nuôi. Theo đó, trước tình trạng heo chết do dịch bệnh và tiêu, điều rớt giá, năm 2015, bà Liên đã chặt bỏ 1,5ha đất trồng tiêu chuyển sang trồng cây cao su, sửa chữa chuồng heo và xây mới diện tích hơn 1.000m2 làm sàn, giăng lưới để nuôi 2.000 con vịt. 

Nhờ ham học hỏi và tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bà Liên có nhiều kinh nghiệm chăm sóc đàn vịt. Ngoài ra, nhận thấy gà thả vườn đang được thị trường ưa chuộng, bà nhập 10.000 gà giống Bình Định về nuôi. Chuồng gà, vịt nằm giữa rừng cao su, trên có mái che, chung quanh được quây bằng lưới; được xịt rửa, phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột xung quanh ngăn vi khuẩn phát triển nên hầu như không có mùi hôi. Đều đặn 4 tháng, bà Liên cho xuất chuồng 1 lứa gà; 50 ngày xuất bán 1 lứa vịt. Mỗi năm, bà thu lãi từ 200-300 triệu đồng từ đàn gà, đàn vịt. 

Bà Liên bày tỏ: “Nhờ thu nhập ổn định, những năm qua tôi có tiền chăm lo con cái ăn học đầy đủ. Gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo bền vững”. Mấy năm qua, ngoài phát triển kinh tế, bà Liên còn phối hợp với Hội LHPN xã Xà Bang tặng 15 suất quà, mỗi suất hơn 300 ngàn đồng cho các gia đình nghèo, hội viên phụ nữ khó khăn. 

9 tháng đầu năm, các cấp Hội LHPN trên toàn tỉnh đã huy động hơn 1.108 tỷ đồng giúp 69.078 lượt chị em phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế; phối hợp, giới thiệu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 2.495 chị; phối hợp với Sở LĐTBXH tỉnh tổ chức 3 lớp tập huấn công tác tư vấn, hướng nghiệp cho 500 người; giúp đỡ 120 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; duy trì hoạt động 6 CLB nữ DN với 139 thành viên, 75 tổ tiểu thương với 1.467 thành viên; tổ chức tập huấn kiến thức về quản lý sử dụng vốn, an toàn vệ sinh thực phẩm cho 1.378 chị là chủ các DN… Hoạt động của Hội đã khuyến khích, giúp đỡ chị em vươn lên phát triển kinh tế.

Còn bà Võ Thị Xoan (tổ 6, thôn Quảng Giao, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) hiện là chủ trang trại nuôi dê thịt với tổng đàn gần 100 con. Bà cho biết, năm 1983, bà vào BR-VT làm thuê, làm mướn tại xã Xuân Sơn. Năm 1988, bà lập gia đình với ông Bùi Văn Chân (SN 1959). Với sự chăm chỉ và chịu thương, chịu khó, năm 2010, vợ chồng bà Xoan được Hội LHPN xã Xuân Sơn cho vay vốn 30 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. 

Nhận thấy chăn nuôi dê sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, bà Xoan cùng chồng mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư chuồng trại, phát triển chăn nuôi dê. Đến nay, đàn dê của gia đình bà Xoan có gần 100 con, trong đó 30 con dê mẹ sắp sinh sản, 70 con dê thịt. Đều đặn mỗi năm, bà thu lãi hơn 200 triệu đồng từ bán dê. Kinh tế khá giả, vì vậy hàng năm vào dịp cuối năm, bà Xoan thường trao tặng 30 phần quà với số tiền 9 triệu đồng cho các gia đình hội viên khó khăn; tặng học bổng cho các em HS nghèo hiếu học với số tiền 7,5 triệu đồng.

“Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi dê cho hội viên nghèo và bà con trong thôn xóm. Tôi đã thoát nghèo từ nuôi dê và rất mong các chị em hội viên, bà con nghèo sẽ vượt khó, vươn lên trong cuộc sống”, bà Xoan nói. 

Bài, ảnh: MAI NGỌC

;
.