.

Thúc đẩy xã hội hóa chợ truyền thống - Kỳ 2: Nơi hiệu quả, nơi không

Cập nhật: 22:20, 23/03/2020 (GMT+7)

Để phát huy vai trò của chợ truyền thống, tỉnh BR-VT đã kêu gọi, khuyến khích DN đầu tư, khai thác một số chợ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng chợ được đầu tư khang trang, hiện đại nhưng bỏ hoang. Việc rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ xã hội hóa (XHH) để tránh lãng phí trong đầu tư xây dựng là hết sức cần thiết.

CHỢ KHÔNG CÓ NGƯỜI HỌP

Sáng 23/3, có mặt tại chợ mới Phường 11 (số 1033, đường 30/4, TP. Vũng Tàu), khu nhà lồng chính cửa đóng then cài, không một bóng người. Chợ mới Phường 11 do Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Năm Linh đầu tư với tổng vốn 54 tỷ đồng; là chợ hạng 2, có tổng diện tích 8.347m2 với 369 lồng sạp. Chợ đi vào hoạt động từ ngày 13/9/2014. Theo đại diện BQL chợ mới Phường 11, đến nay hơn 5 năm đi vào hoạt động, chợ vẫn trong tình trạng “vườn không nhà trống”. Đối với số hộ đã đăng ký kinh doanh tại chợ mới Phường 11, BQL đã tạo điều kiện cho họ chuyển ra khu vực trước cổng chợ để buôn bán tạm. 

Chợ mới Phường 11 do tư nhân đầu tư 100% nhưng đến nay vẫn hoạt động không hiệu quả.
Chợ mới Phường 11 do tư nhân đầu tư 100% nhưng đến nay vẫn hoạt động không hiệu quả.

Ông Lã Phúc Lộc, Trưởng BQL chợ mới Phường 11 cho biết, BQL chợ và DN đã miễn phí thuê mặt bằng trong 1,5 năm, hoặc cho phép tiểu thương đóng tiền thuê mặt bằng theo tháng. Mặt khác, nhằm kêu gọi, tạo điều kiện thu hút bà con tiểu thương mới vào chợ kinh doanh, DN cũng như BQL chợ miễn tiền thuê ô sạp 1 năm, nhưng tiểu thương cũng không mặn mà. Vài tháng đầu mới khai trương chợ, có một số tiểu thương vào kinh doanh buôn bán, nhưng hiện nay không còn tiểu thương nào trụ lại trong chợ, chỉ có khoảng hơn chục hộ kinh doanh rau củ quả và thực phẩm tươi sống được BQL bố trí tạm phía trước cổng chợ thì vẫn duy trì hoạt động cho đến nay. “Mặc dù chợ không hoạt động, không có nguồn thu nhưng hàng tháng DN vẫn phải bù lỗ gần 19 triệu đồng/tháng chi phí cho bảo vệ, nhân công vệ sinh, điện nước… Nếu tình trạng này kéo dài mãi thì DN có nguy cơ đứng trước bờ vực phá sản. DN cố cầm cự hết năm 2020, nếu chợ vẫn trong tình trạng này, DN sẽ trình các cấp chính quyền cho phép chuyển đổi công năng”, ông Lã Phúc Lộc cho biết thêm.

Nhằm tạo điều kiện cho một số tiểu thương kinh doanh, BQL chợ đành bố trí cho tiểu thương họp chợ ngay trước cổng vào khu nhà lồng chính. Trong ảnh: Người dân mua trái cây tại cổng chợ mới Phường 11.
Nhằm tạo điều kiện cho một số tiểu thương kinh doanh, BQL chợ đành bố trí cho tiểu thương họp chợ ngay trước cổng vào khu nhà lồng chính. Trong ảnh: Người dân mua trái cây tại cổng chợ mới Phường 11.

Còn tại chợ Phường 8 (số 5, Đội Cấn, TP. Vũng Tàu), mới 7 giờ 30 phút nhưng không khí mua bán tại chợ khá đìu hiu, chỉ có 1 dãy quầy sạp chưa đến chục tiểu thương kinh doanh, chủ yếu là thực phẩm tươi sống và rau củ quả. Trong khi đó, dãy quầy sạp phía bên trong lồng chợ không một bóng người. Được biết, chợ Phường 8 do Công ty TNHH Hồng Vân làm chủ đầu tư. Chợ được xây dựng trên diện tích 2.000m2, tổng vốn 16 tỷ đồng, bao gồm 260 ô sạp, trong đó có 60 ô sạp nằm ở tầng 1, chuyên kinh doanh các mặt hàng vải, quần áo, hàng cao cấp... 200 ô sạp tầng trệt được quy hoạch để bán các loại thực phẩm tươi sống và rau củ quả... Tuy nhiên, sau 8 năm hoạt động, đến nay chợ không thu hút được tiểu thương khiến nhà đầu tư thua lỗ kéo dài.

Ngoài các chợ kể trên, trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều chợ nằm trong danh sách bỏ hoang, gây lãng phí, như các chợ: Đá Bạc, Bình Trung (huyện Châu Đức), Tam Phước (huyện Long Điền)... Những chợ này do không có người mua nên dần dần các tiểu thương đều bỏ chợ để tìm nơi khác kinh doanh.

KHAI THÁC HIỆU QUẢ BẰNG CÁCH NÀO?

Trên thực tế, không phải chợ XHH nào cũng bỏ hoang như các chợ nêu trên. Trong khi nhiều chợ không thu hút người mua người bán thì vẫn có những chợ hoạt động khá hiệu quả. Chợ Kim Long (huyện Châu Đức) là một ví dụ.

Có mặt tại chợ Kim Long một ngày trung tuần tháng 3, các tiểu thương trong chợ không chỉ bán hàng cho khách lẻ mà còn chuẩn bị nguồn hàng để bỏ mối cho các chợ khác trên địa bàn huyện và vùng lân cận. Ông Phan Thiên Khiêm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tân Thành - chủ đầu tư chợ Kim Long cho biết, chợ Kim Long được đầu tư từ năm 2011, với tổng vốn 32,2 tỷ đồng. Chợ có diện tích 12.000m2 là chợ loại 1 với đầy đủ các ngành nghề kinh doanh. Đây là chợ đầu tiên được đầu tư bằng hình thức XHH trên địa bàn huyện Châu Đức với 100% vốn tư nhân. Đến nay, sau 9 năm đi vào hoạt động, chợ có 450 tiểu thương kinh doanh ổn định. Hàng năm, sau khi trừ hết chi phí, chủ đầu tư có lãi trên dưới 200 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Vân (ấp Thạch Long, xã Kim Long) cho biết, từ ngày chợ Kim Long được xây mới đến nay, việc mua sắm của người dân thuận tiện hơn. Vì chợ sạch sẽ, hàng hóa cũng được bố trí khoa học theo từng khu nên người dân đi chợ vài lần là biết khi cần mua hàng gì thì đến khu vực nào.

Còn các chợ: Phường 9, Chí Linh, Năm Tầng (TP. Vũng Tàu)… cũng đã phát huy được hiệu quả sau khi được đầu tư từ nguồn vốn XHH. Việc mua bán của tiểu thương cũng ổn định và đáp ứng được nhu cầu của người dân trong các khu vực lân cận chợ. Trong đó, chợ Năm Tầng là chợ đầu tiên thực hiện đầu tư theo hình thức XHH trên địa bàn tỉnh (năm 1998) do Công ty TNHH Liên Minh quản lý. Đến nay chợ vẫn duy trì hoạt động của 200 quầy sạp với 110 hộ kinh doanh thường xuyên, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân không chỉ trên địa bàn phường 7 mà còn là của các phường lân cận.

Chợ Năm Tầng là một trong số những chợ đầu tư từ nguồn XHH phát huy được hiệu quả. Trong ảnh: Người dân mua hàng tươi sống tại chợ Năm Tầng.
Chợ Năm Tầng là một trong số những chợ đầu tư từ nguồn XHH phát huy được hiệu quả.
Trong ảnh: Người dân mua hàng tươi sống tại chợ Năm Tầng.

Không chỉ XHH bằng hình thức DN đầu tư 100% vốn, hiện nay tỉnh cũng đang triển khai mô hình XHH bằng việc chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh chợ. Theo báo cáo của Sở Công thương, trong 5 chợ thực hiện thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ giai đoạn 2018-2020, hiện chợ Ngãi Giao (hay Trung tâm thương mại huyện Châu Đức) đã thực hiện xong việc chuyển đổi. 

Ông Phan Thiên Khiêm, Trưởng BQL chợ Ngãi Giao cho biết, từ cuối năm 2018, sau khi nhận bàn giao từ UBND huyện Châu Đức, Công ty đã chủ động sắp xếp các vị trí kinh doanh các ngành hàng cho phù hợp với thực tế. Những hạng mục, trang thiết bị xuống cấp cũng được sửa chữa hoặc nâng cấp khang trang, tạo điều kiện cho tiểu thương và người dân có nơi kinh doanh, mua bán ổn định. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ cũng không gây xáo trộn việc kinh doanh, buôn bán của tiểu thương nên đa số tiểu thương đều chấp hành nghiêm quy định BQL chợ đưa ra.

Trên địa bàn tỉnh có 12 chợ đã thực hiện XHH do các DN kinh doanh và quản lý. Thời gian qua, thực hiện mô hình XHH chợ, một số DN đầu tư xây dựng chợ, cho thấy, các chợ do DN đầu tư có cơ sở hạ tầng khá tốt, hệ thống thoát nước và PCCC bảo đảm yêu cầu. Việc đầu tư chợ theo hình thức XHH đã góp phần giúp bộ mặt chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh ngày càng khang trang hơn, giúp giảm bớt gánh nặng đầu tư từ ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, ngoài một số chợ hoạt động hiệu quả, vẫn còn nhiều chợ XHH bị bỏ không, gây lãng phí. 

Những chợ XXH không thành công qua khảo sát và đánh giá cho thấy, nguyên nhân chính là do hầu hết giá thuê quầy sạp của những chợ được XHH cao hơn nhiều so với các chợ xây dựng bằng ngân sách Nhà nước nên không thu hút được nhiều tiểu thương vào kinh doanh. Mặt khác, một số chợ XHH nằm ở vị trí không thuận tiện, các chợ tự phát quanh khu vực chợ xây mới vẫn chưa được xử lý triệt để khiến việc kinh doanh của tiểu thương ế ẩm

ÔNG LÊ HOÀNG MÃNH,
TRƯỞNG PHÒNG QUẢN LÝ THƯƠNG MẠI, SỞ CÔNG THƯƠNG

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ


Thúc đẩy xã hội hóa chợ truyền thống - Kỳ 1: Chợ truyền thống trước sức ép cạnh tranh

Thúc đẩy xã hội hóa chợ truyền thống - Kỳ 2: Nơi hiệu quả, nơi không

Thúc đẩy xã hội hóa chợ truyền thống - Kỳ 3: Thu hút DN đầu tư chợ khang trang, hiện đại

.
.
.