Nhiều bất cập trong đánh giá tác động môi trường

Thứ Sáu, 13/12/2019, 19:16 [GMT+7]
In bài này
.

Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là công cụ pháp lý và kỹ thuật quan trọng để xem xét, dự báo tác động môi trường của các dự án. Đây là yêu cầu không thể thiếu nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành và DN trong quá trình quyết định đầu tư và phê duyệt dự án. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện báo cáo ĐTM tại BR-VT vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém và còn nặng tính hình thức.

ĐTM của Công ty TNHH Kbec Vina được Bộ TN-MT cho phép dùng 30% nước thải sau xử lý đạt cột B để tưới cây. Việc này khiến các cơ quan chức năng tại BR-VT băn khoăn liệu lượng nước tưới cây có bảo đảm môi trường hay không.
ĐTM của Công ty TNHH Kbec Vina được Bộ TN-MT cho phép dùng 30% nước thải sau xử lý đạt cột B để tưới cây. Việc này khiến các cơ quan chức năng tại BR-VT băn khoăn liệu lượng nước tưới cây có bảo đảm môi trường hay không.

BẤT CẬP VÀ YẾU KÉM

Trang trại chăn nuôi heo Hòa Hội II (xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) được Sở TN-MT cấp giấy phép ĐTM từ năm 2008 với quy mô chăn nuôi 3.000 con heo thịt. Theo quy định, các trang trại chăn nuôi heo quy mô từ 1.000 con trở lên phải có ĐTM, trong đó đáp ứng được các yêu cầu như: Chuồng trại hợp vệ sinh; có hệ thống thu gom và xử lý nước thải biogas; nước thải trước khi thải ra môi trường phải đạt cột B theo Quy chuẩn Việt Nam… Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, hệ thống biogas của trang trại này liên tục bị hư hỏng nên nước thải không qua xử lý chảy tràn ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đáng nói là tình trạng này kéo dài từ nhiều năm qua, đe dọa nguy cơ ô nhiễm nguồn nước hồ sông Hỏa nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Theo phản ánh của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, tình trạng không thực hiện đúng ĐTM đã được phê duyệt hiện còn diễn ra phổ biến đối với rất nhiều trang trại chăn nuôi heo, bò quy mô lớn hàng ngàn con trên địa bàn huyện Châu Đức và Xuyên Mộc. Theo kết quả kiểm tra, tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 1.161 trang trại, cơ sở, hộ chăn nuôi heo quy mô từ 50 con trở lên, trong đó có 105 trang trại nằm ngoài quy hoạch; có 84 cơ sở, trang trại chăn nuôi đang gây ô nhiễm môi trường, trong đó, phần lớn các trang trại đều vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường như: không có ĐTM, không đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có đầu tư nhưng không xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường… Còn các cơ sở chế biến hải sản nằm trong khu dân cư hầu hết không có ĐTM. Do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường vì vậy ngày càng diễn biến phức tạp.

Bên cạnh việc các DN, cơ sở sản xuất không chấp hành ĐTM thì hiện nay cơ quan chức năng còn gặp khó khăn vì các DN thường do Bộ TN-MT cấp phép ĐTM, trong khi đó việc kiểm tra, giám sát xả thải lại thuộc về nhiệm vụ của các cơ quan chức năng tại địa phương. Chẳng hạn tại Công ty TNHH Kbec Vina mỗi ngày tiếp nhận khoảng 850-900 tấn rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh để xử lý. Công ty đã đầu tư nhà máy xử lý nước thải khoảng 400m3/ngày đêm và được Bộ TN-MT cấp phép ĐTM trong đó đồng ý để công ty dùng 30% nước thải sau xử lý để tưới cây. Ông Phan Quang Tuấn, Giám đốc trung tâm quản lý các khu xử lý chất thải tập trung lo ngại lượng nước để tưới cây này sẽ khó kiểm soát được mức tiêu chuẩn có đạt hay không, mức độ ngấm vào tầng đất như thế nào và họ có thật sự tưới cây hay thải ra môi trường… “Nếu việc cấp phép ĐTM của dự án này thuộc thẩm quyền của BR-VT thì chúng tôi kiến nghị không được dùng nước sau xử lý để tưới cây”, ông Tuấn nói.

Thời gian tới, Sở TN-MT sẽ tăng cường quan trắc tự động để giám sát  hoạt động xả thải của các DN sau khi phê duyệt ĐTM.
Thời gian tới, Sở TN-MT sẽ tăng cường quan trắc tự động để giám sát hoạt động xả thải của các DN sau khi phê duyệt ĐTM.

SẼ KIỂM TRA, GIÁM SÁT ĐTM

Theo thông lệ quốc tế, chi phí để lập một báo cáo ĐTM thường chiếm từ 1 - 3% so với tổng kinh phí của một dự án. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ở Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng có những dự án đầu tư trị giá đến hàng chục tỷ đồng, nhưng chi phí thực hiện ĐTM thậm chí chỉ vài chục triệu đồng. Với mức chi như vậy khó có thể đáp ứng một loạt các yêu cầu khảo sát và đo đạc một cách nghiêm túc và cập nhật các chỉ tiêu môi trường ở các khu vực dự án cụ thể. Nhiều dự án xây dựng ĐTM chỉ mang tính hình thức, thủ tục hỗ trợ DN và chủ đầu tư để được phê duyệt dự án.

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, năm 2019, Sở TN-MT tỉnh đã thẩm định ĐTM cho 152 dự án sản xuất, chăn nuôi nhưng đến nay các cơ quan chức năng mới kiểm tra 48 dự án và có quyết định xử phạt 20 cơ sở chủ yếu là không tuân thủ ĐTM đã được phê duyệt. Ông Linh thừa nhận, thời gian qua, Sở TN-MT chưa có quá trình kiểm tra bài bản trong việc kiểm tra, giám sát và thực hiện công tác hậu kiểm ĐTM nên dẫn đến tình trạng nhiều DN có ĐTM nhưng vẫn vi phạm.

Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định, đối tượng phải thực hiện ĐTM gồm: các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự án có sử dụng đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển; các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu thương mại, làng nghề và các khu sản xuất kinh doanh tập trung khác; dự án xây dựng cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế khác có quy mô từ 50 giường trở lên; dự án xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng; dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân; dự án khai thác, chế biến khoáng sản rắn có sử dụng hóa chất độc hại hoặc vật liệu nổ công nghiệp; dự án chế biến, tinh chế kim loại màu...

Trước những bất cập trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh trong việc tổ chức triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về ĐTM; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường cho các cơ sở, chủ dự án nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý môi trường bên ngoài KCN. Trong đó, quy chế quy định cụ thể đầu mối, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc theo dõi, giám sát, kiểm tra ĐTM đã được phê duyệt; việc theo dõi, rà soát các cơ sở, dự án phải lập ĐTM nhưng chưa lập. “Trong năm 2020, chúng tôi sẽ xử lý dứt điểm các cơ sở, dự án trước đây đã đi vào hoạt động chưa có báo cáo ĐTM theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, tổ chức quản lý, vận hành Trung tâm tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động có hiệu quả, kịp thời cung cấp các thông tin về quan trắc phục vụ cho việc giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh”, ông Lê Ngọc Linh cho biết thêm.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.