Trong hàng chục năm qua, từ sự lơi lỏng trong công tác quản lý đất đai tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, nhiều diện tích đất công trên địa bàn xã đã bị người dân bao chiếm, lên đến hơn 130 ha. Gần đây, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương đã thực hiện các giải pháp ngăn chặn, đề xuất hướng xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn.
Nhiều bảng thông báo nghiêm cấm hành vi lấn, chiếm, mua bán, sang nhượng đất trái pháp luật đã được UBND xã Bình Châu lắp đặt tại nhiều khu vực đất công do Nhà nước quản lý trên địa bàn xã. Trong ảnh: Một bảng thông báo được lắp đặt tại khu du lịch – dân cư Láng Hàng. |
ĐẤT CÔNG BỊ LẤN, BAO CHIẾM DO ĐÂU?
Như thông tin trong các số báo kỳ trước đã nêu, ấp Bình Trung là “điểm nóng” về bao chiếm đất công tại xã Bình Châu. Ngày 2/12, chúng tôi trở lại khu vực Dốc Lết – chùa Cây Da ở ấp Bình Trung, nhận thấy các công trình xây dựng trái phép trên đất công bị các hộ dân bao chiếm nơi đây đã ngưng thi công. Nhưng các loại vật liệu xây dựng còn để lại ngổn ngang trên hiện trường công trình xây dựng. Thực trạng này cho thấy, nếu xã Bình Châu không triển khai các giải pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ, nhiều khả năng các công trình xây dựng trái phép có thể sẽ được người dân tiếp tục thực hiện. “Đảng ủy xã đã yêu cầu UBND xã tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra các khu vực có sai phạm về đất đai trên địa bàn, trong đó có ấp Bình Trung để ngăn chặn hành vi tái chiếm đất, tái xây dựng trái phép”, ông Hồ Thành Nhân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu cho hay.
Được biết, từ năm 1997 đến nay, có hơn 130ha đất công trên địa bàn xã Bình Châu bị các hộ gia đình, cá nhân lấn chiếm, bao chiếm sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình trái phép trên đất. Vì sao các vi phạm trong quản lý đất đai kéo dài hơn 20 năm qua không được xử lý triệt để? Theo ông Đinh Xuân Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, do địa bàn xã có nhiều diện tích đất công nằm rải rác trong khu dân cư nên việc phát hiện và xử lý hành vi lấn, chiếm đất gặp nhiều khó khăn. Công tác tham mưu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của công chức địa chính trong suốt thời gian qua còn nhiều hạn chế. Hiện tại, UBND xã Bình Châu chỉ có 3 công chức địa chính, trong đó 1 công chức phải trực tại bộ phận 1 cửa để hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đất đai của công dân; 1 công chức đang trong thời gian tập sự, nên trình độ tham mưu xử lý vi phạm chưa đầy đủ và kịp thời.
Trong khi đó, quy trình xử lý vi phạm hành chính về đất đai khá phức tạp, phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục nên để xử lý 1 vụ việc vi phạm mất nhiều thời gian, công sức. Do không xử lý kịp thời, triệt để các trường hợp vi phạm, nên người dân có tâm lý xem thường pháp luật, tiếp tục lấn chiếm đất công và sử dụng trái phép. “Điều đáng lưu ý, các đối tượng lấn, chiếm đất công ngày càng manh động. Nhiều trường hợp khi bị xử lý ngăn chặn thì chống đối, hù dọa người thi hành công vụ, gây áp lực tâm lý khiến cho cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết vụ việc không cương quyết thực hiện, làm chậm trễ quá trình xử lý vi phạm!”, ông Đinh Xuân Dậu nhận định.
KHẮC PHỤC HẬU QUẢ RA SAO?
Trong những ngày đi thực tế tại xã Bình Châu vừa qua, chúng tôi ghi nhận chính quyền địa phương đã có những động thái tích cực nhằm ngăn chặn không để phát sinh vụ việc mới, xử lý một số trường hợp vi phạm. Cụ thể, tại ấp Bình Trung, UBND xã đã tổ chức lực lượng nhổ bỏ khoảng 250 trụ bê tông, 1ha cây tràm nhỏ do người dân trồng để bao chiếm trên diện tích 5,8ha đất công; UBND xã phối hợp với Phòng TN-MT huyện lập biên bản vi phạm đối với 5 trường hợp, chuyển hồ sơ đề nghị UBND huyện Xuyên Mộc ban hành quyết định xử phạt. Còn tại nhiều khu vực khác trên địa bàn xã như Láng Găng, Láng Hàng, Dốc Lết, Bàu Bàng, Bình Tiến… có đất công bị bao chiếm nhưng chưa xử lý, UBND xã đã lắp đặt bảng thông báo có nội dung: “Khu vực đất công – Nhà nước quản lý. Nghiêm cấm lấn, chiếm, mua bán, sang nhượng trái với các quy định”.
Ông Đinh Xuân Dậu cho biết, để thực hiện tốt công tác quản lý đất công trên địa bàn xã Bình Châu, UBND xã đã có văn bản đề nghị UBND huyện cho phép thực hiện đo đạc lại toàn bộ diện tích đất công, trên cơ sở đo đạc lại hiện trạng diện tích đất công (bao gồm cả diện tích bị lấn chiếm và chưa lấn chiếm) từ đó xác định tổng diện tích đất công, phần diện tích đất công bị lấn chiếm để phân loại, xử lý. Đối với khu vực chưa bị lấn chiếm, tổ chức cắm mốc để quản lý. Kiến nghị UBND huyện tổ chức cưỡng chế 6 trường hợp đã lập biên bản vi phạm hành chính tại ấp Bình Trung ngày 16/11 vừa qua.
Đồng thời, lực lượng chức năng của xã sẽ phối hợp với Ban nhân dân các ấp trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất phát sinh mới. Thường xuyên thông báo trên đài phát thanh của xã để cảnh báo, nâng cao nhận thức người dân những quy định pháp luật về đất đai; không thực hiện hành vi lấn, chiếm, mua bán, sang nhượng trái phép. “Kiến nghị UBND huyện thành lập Tổ công tác chuyên đề để giải quyết dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất công từ trước tới nay. Qua đó, giúp cho địa phương quản lý, sử dụng tốt đất công trên địa bàn trong thời gian tới”, ông Đinh Xuân Dậu đề xuất.
NÊU CAO TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
Được biết, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai tại các “điểm nóng” như xã Bình Châu, xã Phước Thuận… và trên phạm vi toàn huyện, UBND huyện Xuyên Mộc vừa có văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn khẩn trương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tuyên truyền, vận động, khuyến cáo nhân dân không lấn, chiếm, mua bán, sang nhượng đất công. UBND các xã, thị trấn thành lập tổ, đội, thường xuyên tổ chức kiểm tra, theo dõi toàn bộ diện tích đất công trên địa bàn quản lý. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm, mua bán, sang nhượng đất công trên địa bàn quản lý.
Đồng thời, UBND huyện cũng yêu cầu Công an huyện chủ trì, phối hợp với UBND các xã, thị trấn theo dõi, nắm bắt tình hình, xác minh, củng cố hồ sơ của các đối tượng có hành vi lấn, chiếm đất công và đề xuất biện pháp xử lý; trong trường hợp qua điều tra, xét thấy có dấu hiệu phạm tội thì truy cứu, xử lý theo quy định pháp luật hình sự. “Việc xử lý tình trạng đất công bị lấn, chiếm, xây dựng công trình trái phép trong thời gian qua đã và đang được Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo triển khai quyết liệt. Theo đó, UBND huyện đã thành lập tổ công tác đặc biệt để xử lý các vụ việc vi phạm đến cùng, bảo đảm kỷ cương pháp luật đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Đối với những trường hợp xử lý vi phạm gặp vướng mắc, hoặc vượt thẩm quyền thì báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ giải quyết”, bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho hay.
Ngày 19/11 vừa qua, tại buổi thảo luận tổ của BCH Đảng bộ tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, chuẩn bị cho Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 34, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu ý kiến: Vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng gia tăng làm ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội cũng như bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, làm thất thoát tài sản Nhà nước, gây ra khiếu nại tố cáo kéo dài. Đơn cử như, tại huyện Xuyên Mộc có gần 300ha đất công bị lấn, chiếm. Đây là “điểm nóng” cần phải chấn chỉnh, xử lý rốt ráo. “Ngoài việc rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương để siết chặt quản lý, chấn chỉnh tình trạng lấn, chiếm đất công trên địa bàn tỉnh. Địa phương nào để xảy ra sai phạm, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật về đất đai”, ông Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: GIA BẢO – THÀNH HUY
--------------
Kỳ 1: 130 ha đất công bị bao chiếm, sử dụng trái phép
Kỳ 2: Mua bán đất công bằng giấy biên nhận đo đạc