Hệ lụy từ lơi lỏng quản lý đất đai tại xã Bình Châu (huyện xuyên mộc) - Kỳ 2: Mua bán đất công bằng giấy biên nhận đo đạc

Thứ Ba, 03/12/2019, 19:12 [GMT+7]
In bài này
.

Trong nhiều năm qua, đất công ở xã Bình Châu không chỉ bị lấn chiếm, mà các hộ gia đình, cá nhân lấn chiếm đất công rồi bán giấy viết tay qua nhiều người, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Đặc biệt, gần đây nhất, khi Trung tâm Kỹ thuật và Môi trường thuộc Sở TN-MT thực hiện việc đo giải thửa đất trên địa bàn xã Bình Châu và cấp giấy biên nhận cho người dân, thì họ dùng giấy biên nhận này làm cơ sở cho việc mua bán đất sang tay.

Khu vực Dốc Lết - chùa Cây Da ở ấp Bình Trung, xã Bình Châu là điểm “nóng” về bao chiếm đất công, xây dựng trái phép.
Khu vực Dốc Lết - chùa Cây Da ở ấp Bình Trung, xã Bình Châu là điểm “nóng” về bao chiếm đất công, xây dựng trái phép.

ĐO BAO ĐẤT CÔNG, ĐO LUÔN THỬA ĐẤT CHO HỘ DÂN!?

Như bài viết kỳ trước đã nêu, tại ấp Bình Trung, xã Bình Châu, diện tích đất công đã bị các hộ gia đình, cá nhân bao chiếm trái phép 28ha/335 thửa đất. Thế nhưng, trong đợt đo đạc đất đai trên địa bàn xã Bình Châu theo hợp đồng giữa UBND huyện Xuyên Mộc với Trung tâm Kỹ thuật và Môi trường tỉnh BR-VT, chỉ thực hiện đo bao đất công, không đo thửa đất cho người dân. Tuy nhiên, diễn biến đo đạc thực tế tại ấp Bình Trung không đúng như thỏa thuận giữa hai bên.

Đưa cho chúng tôi xem 1 tờ giấy biên nhận đo đạc đất do Trung tâm Kỹ thuật và Môi trường tỉnh BR-VT cấp cho hộ dân ở ấp Bình Trung, xã Bình Châu, ông Hồ Thành Nhân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu, cho biết: Người dân có tờ biên nhận đo đạc đất có ghi số tờ bản đồ, số thửa đất nên cho rằng đất đã được cơ quan Nhà nước đo đạc hợp pháp. Thậm chí, nhiều người nghĩ rằng đây là cơ sở để làm thủ tục xin cấp giấy CNQSD đất, nên có thể dùng giấy này để sang tay mua bán đất đã bao chiếm trước đây. Ghi nhận bước đầu cho thấy đã có nhiều trường hợp thực hiện giao dịch mua bán đất bằng giấy biên nhận này tại ấp Bình Trung. “Lúc đầu, khi thực hiện đo đạc, UBND xã Bình Châu thống nhất với Trung tâm Kỹ thuật và Môi trường tỉnh chỉ đo bao đất công để quản lý, nhưng khi thực hiện việc đo đạc tại thực địa, Trung tâm lại đo thửa theo yêu cầu của người dân và cấp giấy biên nhận đo đạc cho họ”.

Giấy biên nhận đo đạc đất do Trung tâm Kỹ thuật và Môi trường tỉnh cấp cho các hộ dân ấp Bình Trung, xã Bình Châu.
Giấy biên nhận đo đạc đất do Trung tâm Kỹ thuật và Môi trường tỉnh cấp cho các hộ dân ấp Bình Trung, xã Bình Châu.

Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, quá trình tổ chức triển khai việc đo đạc bản đồ của huyện, UBND huyện Xuyên Mộc đã mời Trung tâm Kỹ thuật và Môi trường tỉnh làm việc, thống nhất và đề nghị đơn vị chỉ đo bao đối với các thửa đất công, không đo đạc giải thửa. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra để làm cơ sở nghiệm thu bản đồ, UBND huyện phát hiện đơn vị đo đạc đã đo giải thửa đất công do UBND các xã quản lý. Đặc biệt, tại xã Bình Châu, đơn vị đã đo cả diện tích đất đã bị cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý hành chính do có hành vi lấn chiếm. Đồng thời, Trung tâm Kỹ thuật và Môi trường tỉnh còn cấp giấy Biên nhận đo đạc (thể hiện tên chủ sử dụng, số tờ, số thửa, diện tích) cho người dân.

Từ diễn biến trên, làm phát sinh tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất bằng giấy biên nhận đo đạc giữa các hộ dân, rồi lấn chiếm cắm cọc phân lô, xây dựng nhà ở trên đất công, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất tại Tòa án… do người dân cho rằng đã được đo đạc và cấp giấy biên nhận là hợp pháp. “UBND huyện Xuyên Mộc đã có văn bản kiến nghị Sở TN-MT xem xét, có ý kiến chỉ đạo Trung tâm Kỹ thuật và Môi trường tỉnh về vấn đề trên để bảo đảm việc quản lý đất công trên địa bàn huyện được chặt chẽ, đúng quy định, ngăn chặn các hành vi vi phạm”, ông Nguyễn Quốc Khanh, cho hay.

KHÔNG XÁC LẬP QSDĐ BẰNG BIÊN NHẬN ĐO ĐẠC

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu về vấn đề trên, ông Phan Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, việc đo đạc đất đai là thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính toàn tỉnh, được triển khai từ năm 2018 và giao Trung tâm Kỹ thuật và Môi trường tỉnh thực hiện, trong đó có việc đo đạc đất đai trên địa bàn huyện Xuyên Mộc.

Tuy nhiên, khi triển khai đo đạc trên thực địa tại xã Bình Châu, do hiện trạng sử dụng đất biến động, không thể xác định ranh giới đất công ngoài thực địa. Vì vậy, Trung tâm Kỹ thuật và Môi trường tỉnh đã có biên bản thống nhất với UBND xã Bình Châu, Phòng TN-MT huyện Xuyên Mộc là đo đạc hiện trạng thực tế để quản lý. Theo đó, tiến hành đo đạc theo chỉ ranh của người dân và UBND xã Bình Châu. Sau khi có kết quả đo đạc, quá trình biên tập bản đồ sẽ lồng ghép ranh giới đất công (theo bản đồ địa chính cũ) lên sản phẩm đo đạc bản đồ mới để xác định phần đất nào là đất công bị người dân lấn chiếm sử dụng. “Vì vậy, việc Trung tâm Kỹ thuật và Môi trường tỉnh đo giải thửa đất công do UBND xã Bình Châu quản lý và đất người dân sử dụng là có sự thống nhất giữa Trung tâm và UBND xã Bình Châu, Phòng TN-MT huyện Xuyên Mộc và có lập biên bản trong tháng 6 và tháng 7/2019”, ông Phan Văn Mạnh cho hay.

Nói về tờ biên nhận đo đạc thửa đất cấp cho người dân ở ấp Bình Trung, xã Bình Châu, ông Phan Văn Mạnh khẳng định giấy biên nhận đo đạc không có giá trị về xác lập quyền sử dụng đất; các chỉ số về số tờ bản đồ, số thửa, diện tích chỉ ghi nhận hiện trạng đất. Đây chỉ là giấy biên nhận đã nhận tài liệu chứ không phải là tờ xác nhận tính hợp pháp của thửa đất. Người dân đăng ký đo đạc thì Trung tâm Kỹ thuật và Môi trường tỉnh nhận hồ sơ. Hiện đã nhận 85 trường hợp, trong đó chỉ có 1 trường hợp có giấy CNQSD đất do UBND huyện Xuyên Mộc cấp năm 2005, còn 84 hồ sơ còn lại không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất. “Việc cấp giấy biên nhận đo đạc cho người dân là đúng theo quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, để tránh phát sinh vấn đề phức tạp, Sở TN-MT chỉ đạo Trung tâm Kỹ thuật và Môi trường tỉnh chuyển hồ sơ của 85 trường hợp trên về UBND xã Bình Châu lập hồ sơ xử lý”, ông Phan Văn Mạnh cho biết.

Ông Phan Văn Mạnh cũng đưa ra giải pháp xử lý 85 trường hợp đã cấp giấy biên nhận đo đạc nêu trên như sau: Nếu xác định hộ dân lấn chiếm đất công, đối với các trường hợp hết thời hiệu xử phạt thì không xử phạt mà áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu. Đối với các trường hợp còn thời hiệu xử phạt, thì thực hiện quy trình xử phạt vi phạm hành chính về đất đai, buộc khắc phục hậu quả trả lại hiện trạng ban đầu. Riêng 1 trường hợp mà UBND huyện Xuyên Mộc đã cấp giấy CNQSD đất, thì chuyển hồ sơ cho UBND huyện Xuyên Mộc để chỉ đạo Thanh tra huyện xem xét, kết luận.

Bài, ảnh: GIA BẢO - THÀNH HUY

--------------

Kỳ 1: 130 ha đất công bị bao chiếm, sử dụng trái phép

Kỳ 3: Quyết liệt ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm

 

 
 
;
.