ÔNG NÔNG DÂN NUÔI BÒ SỮA

"Bắt" trúng nhu cầu thị trường để tăng thu nhập

Thứ Sáu, 15/11/2019, 20:03 [GMT+7]
In bài này
.

Vài năm trở lại đây, thay vì nuôi bò để lấy sữa bán như trước đây, ông Nguyễn Văn Nhiệm (tổ 1, ấp Tân Lễ A, xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ) đã xây dựng mô hình sản xuất sữa chua dẻo, tạo đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho gia đình.

Sản phẩm sữa chua gói của gia đình ông Nguyễn Văn Nhiệm được sản xuất 100% từ bò sữa.
Sản phẩm sữa chua gói của gia đình ông Nguyễn Văn Nhiệm được sản xuất 100% từ bò sữa.

Năm 2003, ông Nguyễn Văn Nhiệm là 1 trong 13 hộ thuộc dự án được hỗ trợ để phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa tại xã Châu Pha. Ông cũng là hộ duy nhất của xã duy trì đàn bò sữa đông nhất, với 60 con; trong đó, 30 con đang cho sữa.

Theo ông Nhiệm, thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi và nguồn thức ăn chưa đảm bảo nên sản lượng sữa không cao. Do vậy, ông đã đăng ký tham gia lớp học nghề chăn nuôi bò sữa do Hội Nông dân tổ chức, đồng thời “khăn gói” đến tỉnh Đồng Nai để học hỏi kinh nghiệm.Từ đó ông Nhiệm nhận thấy, để có nguồn sữa dồi dào, đạt chất lượng tốt thì thức ăn chính là điểm mấu chốt. Một trong những tiêu chí đầu tiên là các loại thức ăn cho bò phải được kiểm soát chặt chẽ, không sử dụng cám công nghiệp, không có hormone tăng trưởng, không dùng thức ăn biến đổi gen, không chất bảo quản, hương liệu, không sử dụng thuốc diệt cỏ trong quá trình canh tác. Ngoài ra, ông còn sử dụng hèm bia, lúa mạch, bột mì làm thức ăn cho bò sữa. Đây là một trong những loại thức ăn quan trọng giúp kích thích khả năng tiết sữa của bò. Nhờ nguồn thức ăn đảm bảo, đàn bò của gia đình ông phát triển tốt, lượng sữa cũng vì thế mà tăng lên gấp đôi.

Năm 2016, khi kiểm soát được quy trình chăn nuôi và thu được nguồn sữa bò đạt chất lượng, ông Nhiệm cũng như nhiều gia đình nuôi bò khác lại lao đao vì bị thương lái ép giá hoặc không thu mua sữa. Đầu ra không ổn định, không có máy móc bảo quản, nhiều lúc sữa hỏng phải đổ đi. Tiếc của, để tiêu thụ số sữa thu về trong ngày, ông đã nghĩ ra cách ủ sữa lên men làm sữa chua dẻo, sau đó chào hàng và bỏ sỉ cho các cửa hàng, tạp hóa nhỏ lẻ tại địa phương. Điều đặc biệt là sản phẩm sữa chua dẻo của ông lại rất được người tiêu dùng ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, giá cả hợp lý. Hiện nay, một ngày gia đình ông làm khoảng 2.000 bịch sữa chua dẻo, tương đương khoảng 160 lít sữa bò, với giá bán 2.000 đồng/bịch. Với cách làm trên, hiện gia đình ông đang có một lượng khách tiêu thụ ổn định cho sản phẩm này.

Khi được thị trường đón nhận, ông Nhiệm nhận thấy, hiện có hàng trăm DN đang sản xuất sữa chua, đã có thương hiệu nên nếu làm qua loa thì không thể cạnh tranh được. Đầu năm 2017, ông quyết định chuyển đổi mô hình nuôi bò truyền thống sang nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư 2 tỷ đồng mua sắm máy móc, thiết bị trong các khâu sản xuất như máy nấu, máy ủ, máy làm lạnh, kho chứa, bồn chứa… Từ đó, sản phẩm sữa chua dẻo đã được cấp chứng nhận VietGAP, mã vạch, và chứng nhận an toàn thực phẩm. Hiện cơ sở của ông Nhiệm thu lãi gần 600 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm cho 15 nhân công địa phương với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Dương Văn Trăm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Pha cho biết, hiện nay toàn xã có 13 hộ đang chăn nuôi bò sữa với gần 240 con. Với mô hình của ông Nhiệm, xã cũng đang tính toán đến việc hỗ trợ, liên kết các hộ chăn nuôi bò sữa để sản xuất theo chuỗi hàng hóa, tạo đầu ra bền vững cho nghề chăn nuôi bò sữa trên địa bàn.

Bài, ảnh: KIM HỒNG

;
.