Làm giàu từ mô hình nuôi cá lóc bông

Thứ Năm, 21/11/2019, 19:15 [GMT+7]
In bài này
.

Xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ vốn có truyền thống nuôi các loại cá nước ngọt như chép, trôi, rô phi đơn tính… nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Từ 2010 đến nay, một số nông dân lặn lội xuống các tỉnh miền Tây học hỏi kinh nghiệm và chuyển sang mô hình nuôi cá lóc bông. Nhiều hộ đã thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm từ mô hình này.

Chị Trần Thị Hòa cân cá lóc bông để bán cho thương lái.
Chị Trần Thị Hòa cân cá lóc bông để bán cho thương lái.

Cá lóc bông là loại cá có sức đề kháng cao, tỷ lệ nuôi sống từ lúc thả giống đến khi thu hoạch đạt tới 95% và da vảy cá lóc bông cũng có khả năng chống chịu tốt hơn so với các loại cá lóc thường, ít bị bệnh, nhờ những ưu điểm này người nuôi ít gặp rủi ro hơn. Tuy xuất hiện sau các loài cá nước ngọt khác, nhưng cá lóc bông rất phù hợp với điều kiện nguồn nước ở xã Láng Dài.

Trên ao cá đang thu hoạch vừa được mùa vừa được giá, chị Trần Thị Hòa (ấp Gò Sầm) cho biết, gia đình chị có tất cả 4 ao nuôi, tổng diện tích khoảng 1,6ha. Ao nuôi chị đang thu hoạch có diện tích mặt nước khoảng 3.500m2, chị thả 55.000 con cá giống, sau hơn 8 tháng nuôi, kích thước cá đạt khoảng 1,2kg đến 2kg, sản lượng khoảng 60 tấn cá thịt. Hiện giá bán tại ao cho thương lái là 60.000 đồng/kg.

Chị Hòa cho biết thêm, để nuôi được sản lượng cá thịt từ 150-200 tấn/ha, thì ao nuôi có diện tích mặt nước tối thiểu từ 2.000m2, độ sâu trung bình từ 3,5-4m. Ao trước khi thả giống được vệ sinh tẩy trùng kỹ. Con giống chọn mua đúng nguồn gốc, đảm bảo chất lượng từ huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang. Nguồn thức ăn là cá tạp còn tươi đánh bắt từ biển. Từ khi thả nuôi đến dưới 2 tháng tuổi cho cá ăn thức ăn xay nhuyễn, mỗi ngày cho ăn 2 lần. Khi cá lớn dần thì cho ăn nguyên con, ngày cho ăn một lần. Nhờ vị trí ao nuôi có nguồn nước sạch được lấy từ đập Lồ Ồ nên việc cấp và thay cho ao nuôi được thực hiện thường xuyên, do đó môi trường ao nuôi luôn được đảm bảo. Tuy nhiên cá lóc bông sử dụng thức ăn là cá tươi nên đôi khi cũng xảy ra một số bệnh như vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng ký sinh trên mang cá. Để phòng bệnh, định kỳ chị dùng men vi sinh xử lý đáy ao và môi trường nước nuôi, sử dụng các loại men tiêu hóa, khoáng chất và vitamin C để phòng bệnh đường ruột và tăng sức đề kháng cho cá nuôi. “Với ao cá đang thu hoạch thì đầu tư cho con giống, vật tư và thức ăn không dưới 2 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận cũng đáng đồng tiền bỏ ra. Với sản lượng và giá bán cao như trên thì với ao này gia đình chị có lãi trên dưới 1 tỷ đồng/năm”, chị Hòa nói.

Trước đây, ông Hoàng Thanh Lâm (xã Láng Dài) nuôi các loại cá nước ngọt như: Cá trắm, cá mè, cá chép … nhưng hiệu quả không cao. Qua sự hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, ông Lâm quyết định chọn nuôi cá lóc bông, vì loại cá này phù hợp với thổ nhưỡng, vùng nước của địa phương. Ông Lâm mạnh dạn đầu tư hơn 5 tỷ đồng đào 4 ao với tổng diện tích mặt nước hơn 3.000m2 để nuôi cá lóc bông. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, hiện nay, 4 ao cá của ông Lâm cho thu hoạch 200 tấn/năm, chủ yếu bán cho các thương lái ở TP.Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Campuchia. Sau khi trừ chi phí, ông Lâm thu lãi 600-700 triệu đồng/năm. Ngoài ông Lâm, hiện nay, mô hình nuôi cá lóc bông tại xã Láng Dài đã được nhân rộng, với gần 20 hộ nuôi trên tổng diện tích ao hơn 22ha

Theo Hội Nông dân Đất Đỏ, mô hình nuôi cá lóc bông tại xã khá phù hợp với điều kiện về chi phí đầu tư cũng như về điều kiện tự nhiên mặt nước ao, nguồn thức ăn là cá biển sẵn có tại địa phương. Hiện nay rất nhiều hộ nông dân trong vùng đã chuyển đổi từ nuôi các loại cá truyền thống sang nuôi cá lóc bông, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Đây thực sự đang là một mô hình mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi cá nước ngọt không chỉ ở Láng Dài mà cho nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: TRỌNG HOÀNG - MAI LAN

;
.