Loạt dự án giao thông trọng điểm được "kích hoạt"

Thứ Ba, 06/08/2019, 18:38 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 6/8, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm. Theo đánh giá, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ quyết liệt, nhờ đó, tiến độ thực hiện cuả một số dự án đã được đẩy nhanh.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 37 dự án đầu tư trọng điểm, trong đó có 16 dự án đầu tư công và 21 dự án kêu gọi đầu tư và các nguồn vốn khác. Các dự án này chủ yếu thuộc các lĩnh vực: cơ sở hạ tầng, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường, giáo dục, y tế…Thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ của các dự án, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đã đạt được một số hiệu quả, nhất là một số dự án hạ tầng giao thông.

XÚC TIẾN PHƯƠNG ÁN ĐẦU TƯ CAO TỐC BIÊN HÒA - VŨNG TÀU

Về các dự án thuộc lĩnh vực giao thông, ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, đến thời điểm này dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục để kịp khởi công đúng thời hạn. Vừa qua, Bộ GT-VT đã làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh BR-VT và Đồng Nai về việc tìm phương án phù hợp để triển khai tuyến cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu. Theo đó, Bộ GT-VT đã đồng ý với đề xuất của 2 tỉnh là tiến hành đầu tư giai đoạn 1 của dự án, từ nút thắt cao tốc TP.Hồ Chí Minh-Long Thành- Dầu Giây đến Quốc lộ 55 (gồm cả nhánh vào Cảng Cái Mép - Thị Vải). Đồng thời, giao tỉnh Đồng Nai là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đoạn từ Biên Hòa đến cao tốc Long Thành - Dầu Giây (16,8km); giao tỉnh BR-VT là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện đoạn từ cao tốc Long Thành - Dầu Giây đến Phú Mỹ - Cái Mép (30km). Theo đó, trong tháng 8 này, 2 tỉnh BR-VT và Đồng Nai sẽ có cuộc họp bàn để đi đến thống nhất phương án đầu tư, sau đó, Sở GT-VT sẽ tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh báo cáo Bộ GT-VT phương án đầu tư trong tháng 9/2019, để dự án dự kiến khởi công trong giai đoạn 2020-2021.

Thi công cầu Mỏ Nhát (thuộc dự án đường 991B).
Thi công cầu Mỏ Nhát (thuộc dự án đường 991B).

CẦU PHƯỚC AN (GẦN 5.000 TỶ ĐỒNG) SẼ KHỞI CÔNG TRONG NĂM 2020

Dự án cầu Phước An cũng đã có những chuyển động tích cực, tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn từ Trung ương là 2.000 tỷ đồng, để thực hiện dự án, phần còn lại 2.879 tỷ đồng, tỉnh sẽ cân đối ngân sách để bố trí thực hiện công trình giai đoạn 2020-2025. Theo kế hoạch, trong năm 2019, tỉnh sẽ bố trí 1,5 tỷ đồng để chuẩn bị các bước đầu tư như ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong năm 2020.

Sân bay Cỏ Ống (Côn Đảo) dự kiến sẽ khởi công trong năm 2020.
Sân bay Cỏ Ống (Côn Đảo) dự kiến sẽ khởi công trong năm 2020.

CẦN 11.700 TỶ ĐỒNG NÂNG CẤP SÂN BAY CỎ ỐNG

Về dự án sân bay Cỏ Ống (Côn Đảo), vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ GT-VT phương án quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo khai thác được máy bay thương mại Airbus A321. Theo đó, để nâng cấp sân bay này, dự kiến cần tổng kinh phí khoảng 11.700 tỷ đồng. Hiện nay, Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không đang nghiên cứu phương án kéo dài đường cất - hạ cánh để bảo đảm khai thác tất cả các loại tàu bay A320, A321 thay vì chỉ có thể khai thác máy bay ATR72 như hiện nay.

ÔNG NGUYỄN HỒNG LĨNH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG,
BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH
Tìm đúng “điểm nghẽn” để tháo gỡ cho các dự án
Tiến độ của nhiều dự án trọng điểm trong thời gian qua được đẩy nhanh, có tiến triển tích cực so với trước. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện các dự trọng điểm, thúc đẩy phát triển xã hội. Cụ thể, đối với các dự án đầu tư công, mấu chốt để có thể nhanh chóng thi công dự án là thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Các huyện, thành phố cần rà soát, lập kế hoạch triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tập trung giải quyết khiếu nại (nếu có) để tạo quỹ đất sạch. Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng các khu tái định cư cho người dân trong vùng quy hoạch, giúp họ ổn định cuộc sống. UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương phải bám sát việc thực hiện các dự án để tìm đúng “điểm nghẽn” từ đó đề xuất phương án tháo gỡ hiệu quả, kịp thời.

Về các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay, tỉnh cũng đang đẩy nhanh việc thu hồi đất để cung cấp cho nhà đầu tư. Đối với 1.900ha đất lâm nghiệp, tỉnh đang chờ sự chấp thuận của Quốc hội. Còn lại 1.000ha của Tập đoàn Cao su Việt Nam, UBND tỉnh đã nhiều lần làm việc với tập đoàn cao su và các DN để thống nhất giá bồi thường. Tuy nhiên, vẫn còn điểm chưa đồng thuận khi Tập đoàn Cao su muốn mức bồi thường là 600 triệu đồng/ha nhưng các DN đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đồng ý với giá khoảng 400 triệu đồng/ha (tỉnh hỗ trợ 160 triệu đồng/ha theo quy định). Do đó, UBND tỉnh đang tiếp tục việc đàm phán, thống nhất để nhanh chóng có đất sạch giao cho các nhà đầu tư.

Bài, ảnh: QUANG VINH - THANH NGA

;
.