Quản lý chặt hoạt động nuôi động vật hoang dã, quý hiếm

Chủ Nhật, 07/07/2019, 20:02 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, các trang trại nuôi các loài động vật hoang dã, quý hiếm đã dần trở nên phổ biến trên địa bàn tỉnh và đem lại thu nhập ổn định cho một số hộ gia đình. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều biện pháp để quản lý chặt chẽ loại hình chăn nuôi đặc thù này. 

Chuồng trại nuôi các loại động vật hoang dã phải đảm bảo các yếu tố về an toàn, môi trường. Trong ảnh: Nuôi cá sấu tại trại của chị Đinh Thị Ánh, khu phố 5, thị trấn Ngãi Giao.
Chuồng trại nuôi các loại động vật hoang dã phải đảm bảo các yếu tố về an toàn, môi trường. Trong ảnh: Nuôi cá sấu tại trại của chị Đinh Thị Ánh, khu phố 5, thị trấn Ngãi Giao.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, trên địa bàn tỉnh hiện có 144 trại nuôi động vật hoang dã. Trong đó, có 47 trại nuôi các động vật trong nhóm động vật nguy cấp, quý, hiếm được xếp vào các nhóm IB và IIB trong danh mục theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP như gấu, cá sấu, trăn, rắn với khoảng 5.700 cá thể và gần 100 trại nuôi các loài động vật hoang dã như nhím, trĩ đỏ, heo rừng lai, nai... Ngoài 4 cơ sở nuôi 6 cá thể gấu ngựa thuộc danh mục cấm mua bán, đa số các trại nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh đều có mục đích thương mại. Qua đó, mỗi năm, các trang trại cung cấp hàng chục tấn thịt và một số loại sản phẩm khác ra thị trường. Có thể nói, các cơ sở gây nuôi, sinh sản động vật hoang dã là một trong những biện pháp nhằm bảo tồn nguồn gen, giúp mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận người dân nông thôn. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù nên nếu quản lý không chặt chẽ loại hình chăn nuôi này sẽ dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng để mua bán, vận chuyển, kinh doanh trái pháp luật; đưa động vật hoang dã khai thác trái phép ngoài tự nhiên vào nhập chuồng để hợp thức hóa và đặc biệt có thể gây nguy hiểm cho con người đối với một số loài động vật như gấu, cá sấu...

Do đó, ông Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ. Trước hết là việc cấp mã số trại chăn nuôi. Công tác này được phân cấp rất rõ ràng. Đối với các loại động vật trong nhóm I (các loài bị đe dọa tuyệt chủng và có thể bị ảnh hưởng do thương mại) thuộc công ước Cites (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) ví dụ như gấu, cá sấu..., các trại muốn nuôi phải được cơ quan quản lý Công ước này tại Việt Nam cấp mã số trại nuôi. Các loại động vật thuộc nhóm III Cites như trăn đất, rắn ráo, rắn hổ mang thường... sẽ được Chi cục Kiểm lâm cấp giấy phép chăn nuôi. Các hộ muốn nuôi các loài hoang dã thông thường còn lại như nai, nhím, heo rừng lai cần khai báo với đơn vị kiểm lâm sở tại để được nuôi. “Mỗi loại vật nuôi sẽ có từng điều kiện cụ thể để được nuôi. Các trang trại muốn được cấp phép cần đảm bảo một số yếu tố như chứng minh được nguồn gốc của động vật hoang dã, chuồng trại đảm bảo an toàn theo quy định. Việc chăn nuôi không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh…” - ông Bảo thông tin.

Còn theo ông Đào Văn Điền, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vũng Tàu - Phú Mỹ cho biết, sau khi cấp phép, việc kiểm soát các trại chăn nuôi động vật hoang dã tiếp tục được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ. Theo đó, đối với loài gấu ngựa, việc quản lý được tiến hành thông qua việc gắn chíp điện tử. Đây giống như một “chứng minh thư”, ghi lại các yếu tố về giới tính, chiều cao, cân nặng và tình trạng sức khỏe của loài gấu. Nhờ gắn chip, tình trạng nuôi nhốt, khai thác mật gấu trên địa bàn tỉnh hầu như không còn diễn ra. Số cá thể gấu nuôi nhốt cũng giảm nhiều. Đây là xu hướng tốt bởi điều kiện chăn nuôi trong chuồng trại khó đảm bảo được điều kiện sống tốt nhất cho loài động vật quý hiếm này.

Đối với các loại động vật khác, việc kiểm tra cũng được tiến hành định kỳ, thường xuyên. Ông Điền cho biết, vừa qua, luật đã quy định các hộ nuôi động vật hoang dã đều phải có sổ và tiến hành ghi chép khi tăng, giảm đàn, mỗi lần xuất bán đều phải báo với lực lượng kiểm lâm địa phương, nếu không sẽ bị phạt nặng. Điều này giúp đơn vị chức năng thuận lợi trong việc nắm được sự biến động trong tổng đàn nuôi của các trang trại. “Thời gian tới, lực lượng kiểm lâm sẽ phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành để phát hiện các trường hợp vi phạm về gây nuôi, săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép, tàng trữ động vật hoang dã không rõ nguồn gốc; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn thể nhân dân, nhất là các trại nuôi không đưa các loại động vật hoang dã không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào nhập đàn. Bên cạnh đó, việc tiến hành kiểm tra các nhà hàng, quán ăn sử dụng thịt động vật hoang dã cũng sẽ được tiến hành thường xuyên để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp thu mua, tàng trữ, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép.

QUANG VINH

 
;
.