Hiệu quả kinh tế cao nhờ cơ giới hóa nông nghiệp

Thứ Ba, 09/04/2019, 17:17 [GMT+7]
In bài này
.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, tỉ lệ cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh hiện nay ước đạt khoảng 75%. Việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã giúp nông dân giải phóng sức lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.

Từ năm 2014, HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền) đã sử dụng máy san phẳng đồng ruộng bằng tia laser. “Việc san phẳng mặt ruộng đã giảm được lượng lúa giống, tiết kiệm nước, giảm phân bón, dễ kiểm soát cỏ do khống chế được mực nước, lúa cứng cây, ít đổ ngã, năng suất cũng tăng từ 0,5 - 1,5 tấn/ha, chi phí sản xuất bình quân giảm từ 2-2,5 triệu đồng/ha/vụ” - ông Huỳnh Trung Thành, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt cho hay.

Xã An Nhứt có 425ha trồng lúa, hiện nay đã được cơ giới hóa 100%. Các khâu làm đất, bơm tưới, sấy, bảo quản sau thu hoạch đã giảm được 70% thời gian; giảm 50% chi phí thu hoạch; tỉ lệ thất thoát trong quá trình thu hoạch giảm còn 1% và khắc phục được tình trạng thiếu nhân công. 

Anh Lê Quang Hùng (ấp An Lạc, xã An Nhứt), thành viên HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt chia sẻ, với 1,5ha trồng lúa, trước đây, nếu thu hoạch bằng phương pháp thủ công, anh phải thuê 10 người trong 8 ngày cho các công đoạn: Gặt, tuốt và phơi, với tiền công 200 ngàn đồng/người/ngày. Từ ngày có máy gặt đập liên hợp, máy sấy, chỉ trong 3 ngày, anh đã hoàn tất mọi công đoạn, chi phí theo đó cũng giảm còn phân nửa. “Hiện nay, công đoạn gieo sạ đã có máy cày, máy lồng làm đất, khi thu hoạch lại có máy gặt đập liên hợp phục vụ tận nơi nên công việc nhẹ nhàng hơn. Không chỉ giải phóng đáng kể sức lao động cho nông dân, máy móc còn đáp ứng tính khẩn trương của thời vụ, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng nông sản và giảm tổn thất sau thu hoạch”, anh Hùng nói.

Nhiều nông dân sản xuất rau màu và cây ăn trái cũng đỡ vất vả hơn nhờ có máy móc làm đất và áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt và tưới phun tự động. Gia đình ông Đoàn Văn Vĩnh (thôn Láng Cát, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) đang trồng 2ha rau các loại theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi được tập huấn và tìm hiểu về việc trồng rau sạch, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư 70 triệu đồng cho hệ thống tưới phun sương tự động. Ưu điểm của hệ thống này là không làm rách, gãy lá rau, tiết kiệm nước, nhân công… Sản phẩm khi thu hoạch đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, ông còn giảm được 8-10 triệu đồng mỗi tháng chi phí thuê nhân công.

Còn bà Dương Thị Thông (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) thì cho biết, trước đây, để tưới nước, bón phân cho hơn 2ha hồ tiêu, gia đình phải cần 3-5 người làm trong khoảng 8-10 giờ/ngày mới hoàn thành. Quá trình bón phân, tưới nước cũng lãng phí do không được phân bổ đều. Từ ngày áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, bà chỉ cần 2 người đổ phân vào thùng đựng, máy sẽ tự động hút, hòa tan và tưới đều cho các gốc cây. Nhờ vậy, bà tiết kiệm được 70-80 triệu đồng chi phí mỗi vụ.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, tỉnh BR-VT hiện có hơn 3.000 máy làm đất các loại và 1 máy san phẳng ruộng điều khiển bằng tia laser trong sản xuất lúa. Tỷ lệ cơ giới hóa đạt 100% diện tích ở khâu làm đất; 90% diện tích sản xuất được bơm tưới chủ động bằng máy; diện tích phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ, khâu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt 98%. Về hồ tiêu và cà phê, tỷ lệ này tương ứng trong khâu làm đất là 60%, khâu tưới đạt 70%, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 75%. Đối với cây ăn trái và rau, khâu làm đất và phun thuốc bảo vệ thực vật cũng đạt trên 80%. Lĩnh vực chăn nuôi áp dụng dây chuyền thức ăn, nước uống đạt 60%. 

Tuy nhiên, ở một số khâu như gieo cấy lúa, bón phân, phun thuốc… việc áp dụng máy móc còn hạn chế. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch vẫn còn thấp, dẫn đến tỷ lệ hao hụt lớn, chất lượng nông sản thấp. Ngoài ra, do sản xuất nông nghiệp vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, ít có vùng chuyên canh nên việc áp dụng cơ giới hóa còn khó khăn, chưa đồng bộ. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp cần tiếp tục quan tâm phối hợp các cơ quan chức năng để nghiên cứu, khuyến khích phát triển các công nghệ, máy móc mới phù hợp điều kiện sản xuất tại địa phương.

Bài, ảnh: KIM HỒNG

;
.