Cá lồng bè ở Long Sơn lại chết hàng loạt

Thứ Sáu, 12/04/2019, 17:05 [GMT+7]
In bài này
.

Từ cuối tháng 3 đến nay, cá nuôi lồng bè của một số hộ dân ở thôn 2, xã Long Sơn chết hàng loạt, đỉnh điểm có ngày chết cả tấn cá. Tổng thiệt hại của các hộ dân lên tới khoảng 4 tỷ đồng. Nguyên nhân cá chết theo nhận định ban đầu là do thiếu oxy cục bộ và thời tiết nắng nóng kéo dài.

Sáng 12-4, có mặt tại làng bè nuôi cá trên sông Rạng (thôn 2, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu), chúng tôi ghi nhận, nhiều lồng bè tiếp tục có hiện tượng cá chết. Tại khu vực bè của ông Nguyễn Xuân Nhạc, cả chục lồng bè trắng xóa xác những con cá bớp nặng từ 3 đến 5kg. Từ sáng sớm, 2 nhân công đã phải liên tục vớt cá đưa vào bờ tiêu hủy. Trong lồng bè, ngoài xác cá đang được vớt ra, còn rất nhiều con cá biểu hiện bỏ ăn, đuối sức, dạt vào lưới lồng.

Cá bớp chết nổi trắng bè nuôi của gia đình ông Nguyễn Xuân Nhạc (thôn 2, xã Long Sơn).
Cá bớp chết nổi trắng bè nuôi của gia đình ông Nguyễn Xuân Nhạc (thôn 2, xã Long Sơn).

Vẻ mặt mệt mỏi, anh Nhạc cho biết, cá nuôi ở lồng bè nhà anh bắt đầu chết từ 28-3. Đỉnh điểm vào các ngày 8, 9, 10-4 chết hàng loạt. Trong 3 ngày này, mỗi ngày có khoảng 2 tấn cá bớp đến ngày thu hoạch chết. “Tổng lượng cá chết vào khoảng 9 tấn, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng”, ông Nhạc rầu rĩ nói.

Gia đình ông Lương Văn Hải là một trong những gia đình có số lượng cá chết nhiều nhất trong đợt này. Ông Hải có tới 48 lồng nuôi cá bớp đã đến thời điểm thu hoạch (trọng lượng từ 4 đến 5kg), nhưng chưa kịp bán thì cá đã chết gần hết, thiệt hại khoảng 10 tấn. Ông Hải cho biết: “Cá bắt đầu chết từ ngày 31-3. Ban đầu chỉ vài chục con chết. Sau đó thì chết hàng loạt. Đỉnh điểm có ngày, cá chết cả ngàn con. Cả tỷ đồng tiêu theo mây khói. Tôi nuôi cá 10 năm nay, chưa năm nào bị thiệt hại nặng như thế này”. 

Theo thống kê ban đầu, ở khu vực nuôi sông Rạng, có 4 hộ nuôi cá lồng bè gánh chịu thiệt hại do cá chết. Tổng lượng cá chết ước khoảng 40 tấn (khoảng 10.000 con). Hộ có số cá chết ít nhất là 30% đàn, nhiều nhất là hơn 80% đàn. Trước tình trạng này, ngày 8-4, cán bộ Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản và UBND xã Long Sơn đã xuống các bè nuôi khảo sát thực tế, lấy mẫu cá, mẫu nước xét nghiệm tìm nguyên nhân, đồng thời thống kê số lượng cá chết và mức độ thiệt hại của các hộ nuôi.

Kết quả phân tích cho thấy có sự hiện diện của ký sinh trùng quả dưa mật độ cao trên mẫu cá bệnh. Các cơ quan chức năng nhận định, loại ký sinh trùng này đeo bám trên mang và thân cá, làm hạn chế quá trình hô hấp, dẫn đến cá bỏ ăn và chết. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là do thời điểm giao mùa, nhiệt độ ban ngày cao, con nước chảy yếu, dẫn đến hiện tượng thiếu oxy cục bộ.

Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi nên thu hoạch sớm cá đạt kích cỡ thương phẩm để ngăn ngừa cá chết hàng loạt mà không kịp thu hoạch. Các hộ nuôi cũng chú ý đến việc giãn thưa lồng, giảm mật độ nuôi; đồng thời, vệ sinh dưới lồng sạch sẽ, bổ sung vitamin C và khoáng chất nhằm tăng cường đề kháng cho cá. Khi xuất hiện những cá thể cá có biểu hiện sắp chết, cần cho tách ra khỏi đàn nuôi… Song song đó, người nuôi cá lồng bè cần chú ý theo dõi lịch thủy triều, thường xuyên đo hàm lượng oxy, đặc biệt là ở những thời điểm ban đêm và sáng sớm để kịp thời sục khí cung cấp oxy khi hàm lượng oxy trong nước xuống thấp.

Về phía chính quyền địa phương, UBND xã Long Sơn đã nhanh chóng cùng các cơ quan chức năng xuống bè nuôi thống kê thiệt hại của người dân. “UBND xã Long Sơn nhắc nhở người nuôi thu gom xác cá chết và xử lý theo quy trình, không vứt xác cá trôi nổi trên sông, tránh ảnh hưởng các hộ nuôi cá chung quanh và gây ô nhiễm môi trường. UBND xã Long Sơn cũng đã có kiến nghị về việc hỗ trợ người nuôi bị thiệt hại”, ông Lê Xuân Tú, Chủ tịch UBND xã Long Sơn nói.

Ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, để bảo vệ môi trường người nuôi phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và thú y mang cá chết đưa về khu vực quy hoạch ở thôn 9, xã Long Sơn chôn lấp hợp quy trình để bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: THÀNH HUY

;
.