Tiếp sức cho doanh nghiệp xuất khẩu

Thứ Năm, 14/03/2019, 17:20 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục đưa ra nhiều gói tín dụng chuyên biệt để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đặc biệt là các DN xuất-nhập khẩu. Theo các DN, gói tín dụng ưu đã tạo điều kiện cho họ nâng cao năng lực sản xuất, chủ động nguồn vốn  thu mua nguyên liệu, qua đó giúp DN hoạt động ổn định và có điều kiện phát triển.  

Khách hàng giao dịch tại SHB Vũng Tàu.
Khách hàng giao dịch tại SHB Vũng Tàu.

TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DN VAY VỐN

Cuối tháng 1, NHTM CP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tung ra sản phẩm chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu. Với sản phẩm này, ngân hàng sẽ nắm giữ bộ chứng từ xuất khẩu và thực hiện thu tiền từ bên thứ 3. Theo SHB, đây cũng là một hình thức cấp tín dụng, bởi ngân hàng sẽ ứng tiền trước cho DN xuất khẩu thông qua việc mua lại bộ chứng từ xuất khẩu chưa đến hạn thanh toán của DN. Việc áp dụng tỷ lệ thanh toán 98% giá trị trên chứng từ và thời gian chiết khấu kéo dài 6 tháng giúp DN xuất khẩu bổ sung vốn lưu động và tăng vòng quay vốn.

Ngoài ra, SHB còn có các gói ưu đãi lãi suất dành cho DN nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Đài Loan, xuất khẩu sang thị trường Nga… Ông Lê Hùng, Trưởng phòng Doanh nghiệp SHB Chi nhánh Vũng Tàu cho biết: Với gói vay này, DN được ưu đãi lãi suất thấp hơn các gói vay thông thường 1%, ở mức 4-4,5%/năm, đồng thời được giảm 50% phí chuyển tiền. 

Ngoài SHB, các ngân hàng khác như: TPBank, VPBank… cũng đang áp dụng hình thức tài trợ DN xuất khẩu thông qua sản phẩm cho vay chiết khấu bộ chứng từ. Tại TPBank, các DN xuất khẩu được thế chấp lô hàng hình thành từ phương án mở L/C (thư cam kết của ngân hàng về việc trả tiền người xuất khẩu) với tỷ lệ 95%. Bên cạnh đó, DN được ngân hàng hỗ trợ phát hành tất cả các loại L/C với tỷ lệ ký quỹ từ 0% - 15%. Bên cạnh đó, các DN chế biến hàng xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu còn được hỗ trợ thông qua giải pháp thư tín dụng trả chậm có thể thanh toán ngay (L/C UPAS) mà TPBank đang triển khai. Giải pháp này giúp DN thanh toán trước cho người thụ hưởng bằng ngoại tệ với lãi suất thấp mà vẫn được hưởng thời gian trả chậm tối đa lên tới 360 ngày, đồng thời giảm bớt sức ép về ngoại tệ và tiết kiệm chi phí cho DN.

Riêng với DN thu mua nguyên liệu trong nước, TPBank đang có gói tín dụng trị giá 1.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn ưu đãi lãi suất. Theo đó, các DN có thể vay vốn thấp hơn 1% so với mức lãi suất thông thường để thu mua hàng hóa chế biến xuất khẩu.

TỶ GIÁ TIẾP TỤC CÓ LỢI CHO XUẤT KHẨU

Nhìn chung, các DN xuất khẩu nhóm hàng chủ lực như dệt may, da giày và nông thủy sản tỏ ra lạc quan với kế hoạch kinh doanh trong năm 2019. Ông Đào Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tứ Hải (TP. Vũng Tàu) cho biết, ngoài nguồn vốn tự thân, năm nào DN cũng phải vay thêm từ ngân hàng để đầu tư hạ tầng, máy móc và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu. Mỗi năm, nguồn vốn vay khoảng 50-60 tỷ đồng từ các ngân hàng đã tạo điều kiện để DN đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất cũng như thu mua nguyên liệu, qua đó giúp DN hoạt động ổn định và có điều kiện phát triển.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) nhận định trong năm 2019, nhiều khả năng tỷ giá sẽ giảm nhẹ khi nền kinh tế Mỹ đã tạo đỉnh tăng trưởng trong 2018 (với dự báo tăng trưởng GDP 2019 là 2,3%) khiến FED sẽ phải giảm bớt cường độ tăng lãi suất. Điều này khiến sức ép lên VND không quá mạnh và do đó, tỷ giá VND/USD trong năm 2019 chỉ tăng nhẹ khoảng 1,5-2%. 
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, tỷ giá trung tâm VND sẽ giảm không quá 3% trong năm nay. Với biến động tỷ giá dự báo khoảng 2%, trong năm 2019 các DN đang có nhiều nợ vay bằng USD cũng như những DN nhập khẩu ròng sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực. Ngược lại, việc này sẽ có lợi cho những DN xuất khẩu ròng và không có hoặc có ít nợ vay bằng USD.

Ở lĩnh vực dệt may, diễn biến cũng đang khá thuận lợi. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tháng 1-2019 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may đã đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Do chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, hầu như không có DN nào chịu thiệt khi phải chịu hoán đổi chênh lệch tiền tệ. Theo các DN dệt may, lãi suất vay USD ngắn hạn ở mức 2,8% - 4,7%/năm, dài hạn ở mức 4,5% - 6%/năm. Đây là mức chấp nhận được. Nhất là hiện nay các NHTM vẫn đang cho vay ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên liệu (với các DN có đủ nguồn ngoại tệ thu về từ đơn hàng xuất khẩu để trả nợ).

Nhiều DN nhận định, nếu từ nay đến cuối năm tỷ giá VND/USD không biến động lớn, các DN không phải quá lo lắng về chi phí lãi vay mà chỉ cần tập trung tranh thủ các đơn hàng là có thể đảm bảo kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận.

Bài, ảnh: PHAN HÀ-VÂN ANH

;
.