Những năm qua, tỉnh BR-VT luôn xác định nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là 1 trong 5 mũi nhọn cần tập trung để phát triển kinh tế, tạo ra nguồn thực phẩm chất lượng cung cấp cho thị trường, cũng như từng bước nâng cao đời sống của nông dân. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ phát triển NNCNC, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là việc tạo nguồn lực về đất đai, vốn, lao động.
Công nhân điều khiển hệ thống tưới nước, bón phân tự động tại trang trại dưa lưới của Công ty UDEC, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức. |
BR-VT đã xác định rất rõ tầm nhìn cho NNCNC thông qua hệ thống chính sách liên quan đến lĩnh vực này. Trong đó, điểm nổi bật là phấn đấu sớm hình thành 7 vùng sản xuất NNCNC với diện tích 5.000ha. Tuy nhiên, mục tiêu này so ra vẫn còn quá xa.
NNCNC LÀ MỘT TRONG 5 MŨI NHỌN KINH TẾ
Đột phá đầu tiên của tỉnh có thể kể đến việc ban hành Đề án số 04-ĐA/TU ngày 28-7-2017 về phát triển NNCNC đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng, đưa vào hoạt động 7 vùng NNCNC trên diện tích hơn 5.000ha tại các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức và TX. Phú Mỹ. Đề án phấn đấu đến năm 2020, nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, với mức tăng trưởng hàng năm là 4,5%; giá trị sản xuất và thu nhập trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp tăng gấp 1,3 lần hiện nay; sản phẩm NNCNC chiếm 30% giá trị sản xuất nông nghiệp; đến năm 2025 chiếm 40% giá trị sản xuất nông nghiệp…
Theo đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 1 triệu dân, cộng thêm lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng thì nhu cầu cho lương thực thực phẩm vào khoảng 100.000 - 120.000 tấn/năm. Do đó, tỉnh muốn kêu gọi các DN đầu tư vào NNCNC để tạo ra những sản phẩm bảo đảm an toàn và chất lượng, trước là để đáp ứng nhu cầu của tỉnh, tiếp theo là hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, các DN phải áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra chuỗi sản xuất khép kín từ khâu sản xuất đến đầu ra sản phẩm. Sau khi các DN làm thành công sẽ hướng dẫn cho nông dân của tỉnh mở rộng mô hình sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Để thực hiện hiệu quả đề án của Tỉnh ủy, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp. Nhiều đoàn lãnh đạo, chuyên gia của tỉnh đã có những chuyến tham quan các quốc gia như Ấn Độ, Isarel… để học hỏi kinh nghiệm phát triển NNCNC. Các cơ quan chuyên môn đã, đang tham mưu UBND tỉnh lập quy hoạch, xây dựng các dự án đầu tư các vùng NNCNC, ưu tiên cho các sản phẩm đặc sản, có sức cạnh tranh cao của tỉnh như: hồ tiêu, nhãn xuồng, mãng cầu ta, bưởi da xanh, rau, quả, hoa cây cảnh, bắp, chăn nuôi gà, heo, tôm, cua, ghẹ, hào…; tổ chức khảo sát để xác định thống nhất quy hoạch vị trí xây dựng đề án thành lập, quy chế tổ chức hoạt động khu NNCNC của tỉnh; đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực đủ khả năng tiếp thu, vận hành tốt những công nghệ mới được chuyển giao...; tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm NNCNC của tỉnh.
Chăm sóc rau tại trang trại rau công nghệ thủy canh lưu hồi tại Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sao Mai, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ. |
Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, bên cạnh đó, thời gian qua từ Trung ương đến tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển NNCNC. Ngoài Đề án 04 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 2678/QĐ-UBND ngày 25-9-2018 về quy định trong việc phối hợp thực hiện các dự án đầu tư NNCNC có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Về Trung ương, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 19-4-2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, các DN đầu tư NNCNC; Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó có các DN NNCNC… Như vậy, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án số 04 của Tỉnh ủy và các quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển NNCNC đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, hiện đã có 48 DN xin chủ trương đầu tư các dự án NNCNC. Trên thực tế, hiện các dự án này vẫn còn “nằm trên giấy” do còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. (Báo BR-VT sẽ đề cập ở số ra ngày 1-3).
SỐ DỰ ÁN LỚN CHƯA NHIỀU
Mặc dù trên địa bàn tỉnh đã có 44 tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án NNCNC vào lĩnh vực trồng trọt; 87 trang trại chăn nuôi heo, gia cầm và 15 cơ sở nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống đã ứng dụng công nghệ, tuy nhiên những dự án này chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ, chưa có tính hệ thống và chưa có tính liên kết. Có thể kể đến trang trại sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao của Công ty Vương Huy triển khai vào tháng 9-2018 tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức. Ông Trần Vinh, Giám đốc Công ty Vương Huy cho biết, công ty đã đầu tư khoảng 5 tỷ đồng cho trang trại trồng rau bằng công nghệ thủy canh lưu hồi trong nhà màn trên diện tích 1ha. Hiện nay, mỗi ngày trang trại của ông Vinh cung cấp cho thị trường khoảng 200kg rau, củ, quả, trừ chi phí, ông thu lãi trên 30 triệu đồng/tháng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Công ty TNHH Trang Linh, ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc là một trong những DN thành công với công nghệ nuôi heo trên đệm lót sinh học trong phòng lạnh. Ông Vũ Ngọc Bích, Giám đốc công ty cho biết, ông đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống trại lạnh. Dù số tiền đầu tư ban đầu để nuôi heo công nghệ cao khá lớn. Tuy nhiên, khi đã ổn định, chi phí chăn nuôi giảm đến 30% so với thông thường. Nguyên nhân là heo nuôi đệm lót không cần tắm rửa nên tiết kiệm chi phí nước, nhân công. Tỷ lệ heo mắc bệnh gần như không có. Hiện nay, trang trại nuôi heo của công ty Trang Linh có diện tích gần 60ha, trong đó có 20ha diện tích chuồng trại. DN này cũng đang xin giấy phép xây dựng nhà máy giết mổ heo, hướng tới xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản, Hàn Quốc để tăng giá trị thịt heo, tránh phụ thuộc vào thị trường bấp bênh như Trung Quốc.
Trên thực tế, số trang trại đầu tư hệ thống chuồng trại theo mô hình khép kín như Trang Linh chưa nhiều và chủ yếu là tự phát. Đến nay vẫn chưa có một DN nào triển khai dự án tại các vùng NNCNC đã được quy hoạch. Như vậy, cho đến thời điểm này, việc xây dựng vùng NNCNC trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng kế hoạch đã đề ra. Nguyên nhân là do công tác triển khai xây dựng vùng NNCNC bị kéo dài do những chậm trễ liên quan đến công tác quy hoạch, khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đầu tư.
Bài, ảnh: QUANG VINH
Tháo điểm nghẽn cho nông nghiệp công nghệ cao - Bài 1: Chỉ mới đặt được những viên gạch đầu tiên
Tháo điểm nghẽn cho nông nghiệp công nghệ cao - Bài 2: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Tháo điểm nghẽn cho nông nghiệp công nghệ cao - Bài 3: Gỡ bỏ rào cản để tạo lực đẩy mới