Từng bước di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm

Thứ Sáu, 30/11/2018, 16:02 [GMT+7]
In bài này
.

Từ năm 2019, BR-VT sẽ triển khai thực hiện đề án “Di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh”. Theo đề án này, dự kiến đến năm 2025, tỉnh sẽ chấm dứt hoạt động 100% trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm nằm ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường.

Việc di dời, chấm dứt các cơ sở, trang trại chăn nuôi sẽ được thực hiện từng bước để bảo đảm hiệu quả.  Trong ảnh: Chăn nuôi heo tại một trang trại trên địa bàn huyện Châu Đức.
Việc di dời, chấm dứt các cơ sở, trang trại chăn nuôi sẽ được thực hiện từng bước để bảo đảm hiệu quả. Trong ảnh: Chăn nuôi heo tại một trang trại trên địa bàn huyện Châu Đức.

Theo thống kê của ngành chăn nuôi, hiện toàn tỉnh có 207 trang trại chăn nuôi, trong đó có 118 trang trại heo, 85 trang trại gà và 4 trang trại bò. Kết quả thanh tra các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn của Sở TN-MT cho thấy, tính đến tháng 8-2018, có đến 86/207 trang trại chăn nuôi đang gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn các cơ sở đều vi phạm các quy định về môi trường, không đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có đầu tư nhưng không xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường, đặc biệt là các trang trại chăn nuôi heo.

Nóng nhất về ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi heo phải kể đến huyện Xuyên Mộc. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc có 54 trang trại chăn nuôi tập trung theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp. Qua giám sát của HĐND các cấp cho thấy, hệ thống xử lý nước thải của một số trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đã quá tải, tràn ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Văn Thanh Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc, để không gây ô nhiễm môi trường, các trang trại chăn nuôi phải đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm đạt chuẩn. Tuy nhiên, việc này rất khó do đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm hoàn chỉnh rất tốn kém, bên cạnh đó, nhiều trang trại chăn nuôi có mặt bằng chật hẹp, không đủ diện tích để đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn…

Theo đó để giải tỏa và di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp quy hoạch, nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước, thuộc nội thành, nội thị, xen lẫn khu dân cư tập trung, nằm trong lưu vực các hồ cấp nước sinh hoạt, UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT xây dựng đề án “Di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh”.  Theo đề án, việc di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi sẽ được chia thành từng giai đoạn, triển khai thực hiện từ nay đến năm 2025. Việc di dời, chấm dứt hoạt động các trang trại chăn nuôi được thực hiện theo trình tự: các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, gây ô nhiễm, nằm trong hoặc gần khu dân cư, khu công nghiệp sẽ giải tỏa, di dời trước. Các trang trại chăn nuôi heo sẽ giải tỏa, di dời trước, kế đến là trang trại chăn nuôi gia cầm, sau cùng là trang trại chăn nuôi đại gia súc. Các trang trại không có giấy phép của cơ quan chức năng, không tuân thủ pháp luật vệ sinh thú y, tiêu chuẩn môi trường và không có điều kiện khắc phục… bắt buộc di dời, chấm dứt hoạt động trước, những trang trại khác sẽ được gia hạn, di dời sau.  “Việc chia ra nhiều giai đoạn dễ dàng cho việc di dời các trang trại, hạn chế được việc phải chấm dứt hoạt động các trang trại chăn nuôi, đặc biệt là các trang trại nhỏ và chăn nuôi là ngành nghề chính của người dân, dễ dàng quản lý và kiểm soát quá trình di dời cũng như chấm dứt hoạt động các trang trại. Phân bố thời gian cũng như việc hỗ trợ cho việc di dời hoặc chấm dứt hoạt động các trang trại theo các mốc thời gian đã được quy định” - ông Nguyễn Lương Trai, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết.

Mới đây, ngày 27-11, tại cuộc họp nghe Phân viện quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (đơn vị tư vấn) báo cáo đề án di dời chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường đến năm 2025, đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong điều kiện chăn nuôi đang là sinh kế quan trọng của người dân, vấn đề đặt ra là phải làm sao để “vẹn cả đôi đường”, vừa phát triển được chăn nuôi, vừa  bảo đảm môi trường. Vì vậy, việc di dời các cơ sở trang trại chăn nuôi phải có lộ trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế, theo đề án ngành nông nghiệp đang xây dựng là phù hợp. Trước tiên cần di dời các cơ sở, trang trại gây ô nhiễm nặng, nguy hại đến đời sống người dân, đến nguồn nước sinh hoạt. Với các trang trại lâu năm, có quy mô lớn chưa gây nhiều tác động đến môi trường, các cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ các trang trại khắc phục triệt để các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường để kéo dài thời gian hoạt động trong khi chờ di dời vào vùng quy hoạch.

Bài, ảnh: NGÔ THANH

 
;
.