Thực hiện đề án giảm nghèo bền vững - nhiều vấn đề đặt ra - Bài 1: Sử dụng vốn vay không đạt hiệu quả

Chủ Nhật, 18/11/2018, 17:43 [GMT+7]
In bài này
.

Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 21.407 hộ nghèo (tỷ lệ 8,20%), đến đầu năm 2018 đã giảm được 10.014 hộ, còn 11.393 hộ nghèo (tỷ lệ 4,30%) vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra (đến năm 2018 là 5,06%). Tuy nhiên để đạt mục tiêu đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5% so với tổng số hộ dân, trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh cần khắc phục những khó khăn, hạn chế về định hướng chăn nuôi, trồng trọt, đào tạo nghề, công tác rà soát hộ nghèo, công tác thanh, kiểm tra… và quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, động viên hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo.

Theo quy định của Nhà nước, các hộ nghèo được vay vốn với chế độ ưu đãi từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đầu tư phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Song thực tế, có không ít hộ nghèo đã đầu tư thực hiện các mô hình kinh tế không hiệu quả hoặc sai mục đích dẫn đến thua lỗ, khó trả được nợ, không thể thoát nghèo. 

LÀM ĂN THUA LỖ

Bà Vòng A Mùi (tổ 11, khu phố Hải Bình, TT. Long Hải, huyện Long Điền) là một trong số nhiều hộ nghèo chuẩn tỉnh giai đoạn 2016-2020 được vay vốn với chế độ ưu đãi của NHCSXH. Năm 2017, bà vay 30 triệu đồng của Chi nhánh NHCSXH huyện Long Điền để đầu tư nuôi gà thả vườn. Thế nhưng, gà mới nuôi chưa được bao lâu thì cả đàn gà chết sạch vì bị dịch bệnh. Toàn bộ số tiền vay để đầu tư vào đàn gà của bà mất trắng. Đến nay, bà vẫn chưa trả được một đồng nợ nào. Khi được hỏi nguyên nhân, bà Mùi thở dài và cho biết: “Tôi thấy nhiều người chăn nuôi gà đều có lời nên tôi làm theo. Nhưng thú thật, khi đầu tư nuôi gà, tôi không có kiến thức về chăm sóc và không biết cách nhận diện dấu hiệu dịch bệnh, phòng và điều trị bệnh cho gà. Giờ số tiền vay không trả được, tôi lo lắm”.

Bà Vòng A Mùi (bên phải), ở tổ 11, khu phố Hải Bình, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) thất bại trong việc sử dụng vốn được vay làm kinh tế. Nay cuộc sống của bà phụ thuộc vào người con gái.
Bà Vòng A Mùi (bìa phải, ở tổ 11, khu phố Hải Bình, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) thất bại trong việc sử dụng vốn được vay làm kinh tế. Nay cuộc sống của bà phụ thuộc vào người con gái.

Tương tự như bà Mùi, năm 2017, bà Dương Tường Vy (ở thôn Quảng Giao, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) vay Chi nhánh NHCSXH huyện Châu Đức 30 triệu đồng để mua 7 con dê sinh sản về nuôi. Bà Vy hy vọng đàn dê sẽ mang lại thu nhập, cải thiện cuộc sống cho gia đình. Nhưng nào ngờ, gia đình bà nuôi mãi mà đàn dê chỉ đẻ được một lứa rồi tịt hẳn, không đẻ nữa. Do vậy, bà đành phải bán cả đàn dê cho thương lái và thu về gần 25 riệu đồng; so với số tiền đầu tư ban đầu, gia đình bà lỗ hơn 5 triệu đồng. Bà Vy cho hay: “Tôi thấy người ta nuôi dê có lời nên tôi xin vay vốn để nuôi dê chứ chẳng có ai tư vấn cho tôi nên nuôi con gì để phát triển kinh tế. Giờ bị thất bại trong nuôi dê, nợ của ngân hàng cũng chưa trả được nên tôi rất lo. Hiện, tôi đang đi làm thuê, thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng và còn phải nuôi mẹ già, nên chẳng biết khi nào gia đình tôi thoát nghèo và trả hết nợ”.

Bà Dương Tường Vy (ngoài cùng bên trái), ở thôn Quảng Giao, xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức) chăn nuôi dê thất bại do không có kiến thức chăn nuôi.
Bà Dương Tường Vy (ngoài cùng bìa trái), ở thôn Quảng Giao, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) chăn nuôi dê thất bại do không có kiến thức chăn nuôi.

Qua thăm dò khảo sát các hộ nghèo đầu tư làm kinh tế nhưng thất bại, phóng viên Báo BR-VT nhận thấy, hầu hết các hộ nghèo chưa được trang bị các kiến thức liên quan đến lĩnh vực mà họ đầu tư. Mặt khác, chính quyền ở các địa phương cũng chưa thực sự quan tâm trong việc tư vấn, hướng dẫn cho các hộ nghèo nên đầu tư phát triển kinh tế theo hướng nào. Các hộ nghèo chỉ biết nuôi gà, nuôi bò, nuôi dê… theo kiểu “thấy người khác làm gì, nuôi gì có lời” thì làm theo nên thất bại. 

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát việc sử dụng nguồn vốn được vay từ NHCSXH tại gia đình bà Nguyễn Thị Trung,  thôn Tân Lập, xã Sơn Bình (huyện Châu Đức). Ảnh: HỒNG PHƯƠNG
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát việc sử dụng nguồn vốn được vay từ NHCSXH tại gia đình bà Nguyễn Thị Trung, thôn Tân Lập, xã Sơn Bình (huyện Châu Đức). Ảnh: HỒNG PHƯƠNG

SỬ DỤNG NGUỒN VỐN SAI MỤC ĐÍCH

Bên cạnh những hộ nghèo sử dụng nguồn vốn được vay từ NHCSXH không đạt hiệu quả, thì có nhiều hộ nghèo sử dụng vốn vay sai mục đích như cam kết khi vay. Việc cố tình sử dụng vốn vay sai mục đích đã dẫn đến hậu quả tiền vay mất hết và các hộ nghèo này trở thành những hộ nghèo “bền vững”. Qua sự việc này cũng cho thấy, công tác quản lý, giám sát hộ nghèo sử dụng nguồn vốn ở các địa phương còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ. 

Cụ thể, năm 2017, gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Sương (ở thôn Quảng Hà, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) vay 52 triệu đồng (30 triệu đồng từ Chi nhánh NHCSXH huyện và 22 triệu từ Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT huyện). Nhưng gia đình bà Sương chỉ chi một nửa số tiền vay để đầu tư nuôi dê, phần tiền còn lại để tiêu xài, mua sắm. Ngoài ra, dù là hộ nghèo nhưng gia đình bà vẫn “mạnh tay” mua một chiếc xe máy trị giá hơn 30 triệu đồng theo hình thức trả góp, mỗi tháng phải trả 2,6 triệu đồng. Việc tiêu xài hoang phí so với khả năng thực tế của gia đình cộng thêm thất bại trong việc nuôi dê khiến gia đình bà Sương nợ một số tiền lớn. Hiện cuộc sống của 4 người trong gia đình bà Sương phụ thuộc vào thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng từ nghề làm phụ hồ của chồng. Gia đình bà đang lâm vào cảnh vừa mang nợ vừa khó thoát nghèo.

Một trường hợp sử dụng vốn vay sai mục đích nữa là gia đình ông Nguyễn Văn Hai (ấp Trang Nghiêm, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc). Cách đây 4 năm, gia đình ông được hỗ trợ vay 10 triệu đồng từ Chi nhánh NHCSXH huyện. Mục đích vay của gia đình ông là để mua bò sinh sản về nuôi. Tuy nhiên, số tiền được vay không đủ mua bò, bản thân ông Hai cũng không biết tính toán làm ăn, nên đem tiêu xài và chi cho việc ăn uống hàng ngày của gia đình. Hậu quả là đến nay ông Hai vẫn chưa trả được nợ. Gia đình ông Hai vẫn nằm trong diện hộ nghèo chuẩn tỉnh. 

 

Tính đến tháng 6-2018, tổng nguồn vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay phát triển sản xuất tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh là hơn 779 tỷ đồng. Dư nợ cho vay từ các đối tượng này là gần 752 tỷ đồng/27.411 hộ vay. Từ năm 2016 đến nay đã xét duyệt cho 33.885 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được giải quyết vay vốn ưu đãi hộ nghèo, với số tiền hơn 890 tỷ đồng. Hiện mức cho vay tối đa đối với các đối tượng nêu trên là 50 triệu đồng/hộ. Lãi suất áp dụng cho các đối tượng như sau: Đối với hộ nghèo là 0,55/tháng (6,6%/năm); hộ cận nghèo là 0,66%/tháng (7,92%/năm); hộ mới thoát nghèo là 0,6875%/tháng (8,25%/năm). Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG - TƯỜNG NGÂN

--------------------------------------------------

Bài 2: Khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ

;
.