Phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh đô thị hóa

Chủ Nhật, 18/11/2018, 17:43 [GMT+7]
In bài này
.

Tại TP.Bà Rịa, quá trình công nghiệp, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã khiến diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Để phù hợp với tình hình thực tế, TP.Bà Rịa đã quy hoạch phát triển nông nghiệp đô thị, trong đó, tập trung vào các mô hình sử dụng ít đất, tận dụng lao động nhàn rỗi và đặc biệt là ít có nguy cơ ô nhiễm môi trường.

DIỆN TÍCH CANH TÁC NÔNG NGHIỆP GIẢM

Bà Nguyễn Thị Hồng Quyên, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hương, TP.Bà Rịa cho biết, trên địa bàn phường đang có khoảng 22ha diện tích trồng rau ăn lá các loại. Nghề trồng rau đem lại thu nhập ổn định, khoảng 400 triệu đồng/ha/năm cho gần 100 hộ dân của phường. Tuy nhiên, những năm gần đây tốc độ đô thị hóa của phường rất nhanh. Đất canh tác nông nghiệp có xu hướng giảm mạnh nên nhiều diện tích trồng rau phải chuyển đổi mục đích sử dụng, khiến nông dân khó khăn trong sản xuất, thu nhập giảm mạnh.

Các địa phương khác trên địa bàn TP.Bà Rịa cũng gặp tình trạng tương tự. Tại phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa, nghề trồng hoa không chỉ cung cấp sản phẩm ra thị trường mà còn thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến với địa phương này. Ông Nguyễn Văn Nam, (khu phố Kim Sơn, phường Kim Dinh) cho biết: “Trước đây, mỗi vụ hoa Tết tôi trồng khoảng 2.000 chậu cúc đại đóa các loại. Với giá trung bình 250-300 ngàn đồng/cặp, tôi thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, vụ Tết năm nay khu đất trồng hoa bị chủ đất lấy lại để xây dựng khiến tôi rất khó khăn trong việc tìm đất canh tác. Vì vậy vụ Tết năm nay tôi chỉ còn trồng được khoảng 1.000 chậu hoa, thu nhập sẽ giảm đi đáng kể”.

Theo Phòng Kinh tế TP.Bà Rịa, tỷ trọng của ngành nông nghiệp chỉ chiếm chưa tới 3% trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, đây vẫn là ngành sử dụng nhiều nguồn lực và liên quan đến đời sống kinh tế của nhiều người. Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Kinh tế TP.Bà Rịa cho biết, từ năm 2016 đến nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm. Theo dự báo, đến năm 2020, đất trồng cây nông nghiệp hàng năm của TP.Bà Rịa sẽ chỉ còn khoảng 1.397ha, giảm 691ha so với năm 2016. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều nông dân trên địa bàn thành phố.

THAY ĐỔI TƯ DUY CANH TÁC NÔNG NGHIỆP

Trước tình trạng diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhiều nông dân trên địa bàn TP.Bà Rịa đã mạnh dạn tìm những mô hình, phương thức nông nghiệp mới với công nghệ hiện đại, cần diện tích nhỏ, ít nhân công nhưng vẫn đem lại hiệu quả cao. Bà Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, phường Long Hương cho biết: “Để giải quyết tình trạng diện tích đất trồng rau có thể bị thu hẹp, HTX đã mạnh dạn đầu tư tham quan, khảo sát nhiều nơi và quyết định xây dựng hệ thống trồng rau thủy canh công nghệ cao với diện tích 5.000m2 và sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2018. Việc này sẽ giúp sản lượng rau tăng lên nhiều lần trên cùng một diện tích đất so với trước đây. Nếu thuận lợi, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích canh tác rau công nghệ cao lên khoảng 3ha”.

Quá trình đô thị hoá đang làm giảm diện tích đất canh tác nông nghiệp tại TP.Bà Rịa. Trong ảnh: Sản xuất rau an toàn tại HTX Quyết Thắng,  phường Long Hương, TP. Bà Rịa.
Quá trình đô thị hoá đang làm giảm diện tích đất canh tác nông nghiệp tại TP.Bà Rịa. Trong ảnh: Sản xuất rau an toàn tại HTX Quyết Thắng, phường Long Hương, TP. Bà Rịa.

Không chỉ đưa công nghệ cao hơn vào sản xuất các loại nông sản chủ lực, nhiều nông dân trên địa bàn TP.Bà Rịa còn tìm tòi, sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Bà Cao Thị Hồng Vân, (ấp Bắc 3, xã Hoà Long), đã bước đầu thành công với mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo công nghệ cao. Năm 2016, bà tiến hành xây dựng xưởng nuôi với diện tích 150m2 để nuôi 7.000 giá thể nấm. Hiện nay, mỗi tháng trại nấm của bà Vân sản xuất được 3kg đông trùng hạ thảo, tiêu thụ thị trường nội tỉnh và một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Công nhân tại trang trại nấm của bà CaoThị Hồng Vân, xã Hoà Long, TP.Bà Rịa kiểm tra sự phát triển của nấm đông trùng hạ thảo.
Công nhân tại trang trại nấm của bà CaoThị Hồng Vân, (xã Hoà Long, TP. Bà Rịa) kiểm tra sự phát triển của nấm đông trùng hạ thảo.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, hiện nay, TP. Bà Rịa đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị như trồng rau nhà lưới, nhà màng, thủy canh, trồng hoa lan, cây cảnh, trồng nấm, nuôi sinh vật cảnh, nuôi thuỷ sản… đem lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường. Tuy nhiên, các mô hình này vẫn mang tính tự phát, chưa khai thác hết tiềm năng. Để nông nghiệp đô thị của TP.Bà Rịa phát triển đúng hướng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao, thành phố đã xây dựng Quy hoạch phát triển nông nghiệp TP. Bà Rịa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của quy hoạch nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp TP. Bà Rịa trong giai đoạn mới để phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Cụ thể là chuyển đổi các mô hình canh tác nông nghiệp truyền thống sang các mô hình sử dụng tiết kiệm nguồn lực, ít đất, không đất, tận dụng lao động nhàn rỗi và đặc biệt là ít có nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.