.

Sản phẩm công nghiệp nông thôn BR-VT: Nỗ lực chinh phục thị trường

Cập nhật: 17:24, 13/07/2018 (GMT+7)

Nhờ chất lượng tốt, giá cả hợp lý, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh đã có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng trong nước và quốc tế đón nhận. Để “tiếp sức” cho các sản phẩm CNNT, cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục triển khai nhiều chương trình, hoạt động trong thời gian tới. 

 NHIỀU SẢN PHẨM CNNT “XUẤT NGOẠI”

Các vị khách đến từ TP.Sanjo (Nhật Bản) mua các sản phẩm công nghiệp nông thôn sản xuất tại BR-VT.
Các vị khách đến từ TP.Sanjo (Nhật Bản) mua các sản phẩm công nghiệp nông thôn sản xuất tại BR-VT.

Ông Hồ Sĩ Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Amazon (phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ) cho biết, cuối tháng 6-2018, công ty đã xuất khẩu 8 tấn hạt ca cao bapula sang Nhật Bản. Đây là lô hàng thứ 2 xuất qua thị trường Nhật Bản của công ty. Như vậy, đến nay, công ty đã xuất khẩu được 20 tấn ca cao hạt sang thị trường Nhật Bản. Tuy mới là sản phẩm hạt ca cao thô nhưng đây là bước đi quan trọng để công ty hướng tới xuất khẩu sô-cô-la thành phẩm. Thời điểm này, Công ty TNHH Thực phẩm Amazon đang chuẩn bị đưa sản phẩm sô-cô-la do DN sản xuất sang Đài Loan tham gia cuộc thi sô-cô-la khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2018 (ICA) được tổ chức từ ngày 8 đến 12-9-2018 tại TP.Đài Bắc.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết Dự án “Phát triển nguồn nhân lực cho các định chế hỗ trợ DN nhỏ và vừa tỉnh BR-VT - Bài học thực tiễn cho DN Việt Nam từ phương pháp quản trị Nhật Bản” do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 4-7, nhiều sản phẩm CNNT của BR-VT trưng bày tại hội nghị như: Cà phê bột pha phin (của Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu Nón Lá); Đông trùng hạ thảo sấy (Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long); Mật ong đóng chai và sữa ong chúa viên nang (Công ty TNHH  Sản xuất và Thương mại dịch vụ Hạnh Phúc)… được nhiều đại biểu đến từ Nhật Bản thích thú mua về làm quà. Ông Fumio Kimura, Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp - Thương mại TP.Sanjo (Nhật Bản) cho hay: “Tôi đặc biệt ấn tượng với sản phẩm cà phê bột pha phin và mật ong đóng chai. Đây là những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, giá cả lại hợp lý. Vì vậy, tôi đã mua một số sản phẩm này mang về Nhật sử dụng”.

Ông Đinh Trọng Cường, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết, cuối tháng 6-2018, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018 cho 30 sản phẩm. Các sản phẩm này có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả phù hợp, được người tiêu dùng đón nhận. Trong đó, một số sản phẩm như: Cà phê Nón Lá, nấm mối sấy, cá đục khô tẩm gia vị, ca cao bột… đã được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản…   

ĐỂ SẢN PHẨM KHÔNG “VÔ DANH” TRÊN THỊ TRƯỜNG

Mặc dù gặt hái được một số thành công nhất định, nhưng theo đánh giá của Sở Công thương, một số DN CNNT vẫn đang gặp nhiều khó khăn, trong đó thị trường tiêu thụ là trở ngại lớn nhất. Từ năm 2013 đến nay, đã có hơn 100 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận và cấp giấy chứng nhận “Sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh”. Tuy nhiên, đến nay, một số sản phẩm vẫn “vô danh” trên thị trường như nước mắm, mắm ruốc, giỏ lục bình... Nguyên nhân là do DN CNNT vẫn sản xuất theo lối truyền thống, sử dụng vật liệu cũ, ít chú trọng cho khâu nghiên cứu thị trường, mẫu mã sản phẩm, dẫn đến tình trạng sản phẩm của các DN na ná nhau, không tạo được sự khác biệt.

 Trước những khó khăn trên, ngành công thương đã và đang tăng cường hỗ trợ, triển khai các hoạt động phát triển thị trường cho các sản phẩm CNNT. Riêng năm 2018, tỉnh dành hơn 5 tỷ đồng cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh để triển khai thực hiện 26 đề án, chương trình khuyến công như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất; Tổ chức cho các DN CNNT tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ giao thương, kết nối cung cầu tại Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh; Tổ chức Hội chợ hàng Việt tại Côn Đảo... Các chương trình xúc tiến thương mại này nhằm hỗ trợ các cơ sở, DN sản xuất CNNT giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. 

Theo các chuyên gia kinh tế, để sản phẩm CNNT tiêu biểu tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn, công nghệ, xúc tiến thương mại, DN cần chú trọng công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, quan tâm nhiều hơn khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm để tạo sự khác biệt.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

30 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu

Khay lục bình (Công ty TNHH Sản xuất thương mại Khang Việt Tiến); Giỏ xách thời trang (Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại Hiệp Hòa); Bàn ghế học sinh, bàn ghế hội trường (Công ty TNHH Chu Lai); Tủ trang trí phòng khách (Công ty TNHH Thương mại sản xuất lâm sản Duy Chương); Muối tiêu xanh Bầu Mây, nước chấm Bầu Mây (HTX Nông nghiệp-thương mại-dịch vụ Bầu Mây); Thịt thân ghẹ sạch cao cấp, cồi sò điệp sạch (Công ty Chế biến thủy sản Đức Danh); Cà phê bột pha phin (Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu Nón Lá); Cá đục khô tẩm gia vị (Công ty CP Sản xuất dịch vụ và thương mại Thuận Huệ); Cà phê Hùng Thắng (Cơ sở sản xuất cà phê Hùng Thắng); Ca cao bột (Công ty TNHH Thực phẩm Amazon); Đông trùng hạ thảo, nấm mối sấy (Công ty TNHH nuôi trồng nấm Hòa Long); Mắm ruốc (Công ty TNHH Sản xuất và thương mại mắm Bà Rịa); Đông trùng hạ thảo Côn Đảo (DNTN Thu Tâm); Sữa ong chúa viên nang (Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dịch vụ Hạnh Phúc); Ngũ cốc nguyên chất (Cơ sở sản xuất thực phẩm Uyên Nguyên); Bánh bông lan phô mai (Cơ sở bánh Ngọc Hải); Cà phê bột (Cơ sở chế biến cà phê  KPU-Phúc Uyên-Phúc Việt); Giò thủ (Cơ sở sản xuất giò chả Vũ Minh Hiệp); Chả lụa (Cơ sở sản xuất giò chả Thành Công); Muối xay tinh chế và muối sấy tinh chế (DNTN muối i-ốt Ngọc Mỹ); Tinh bột nghệ thuần dương (Cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Thuần Dương); Gạch không nung (Công ty CP Đại Hồng Sơn); Bộ béc tưới bù áp Asop (Công ty TNHH công nghệ tưới Asop); Bàn làm Nail cao cấp (Công ty TNHH Tiến Dũng).  

 

.
.
.