.

TÔN VINH NHỮNG DOANH NGHIỆP LÀM ĂN HIỆU QUẢ

Cập nhật: 17:29, 22/04/2004 (GMT+7)

10 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa được Thời báo kinh tế Sài Gòn phối hợp với sở Kế hoạch - Đầu tư các tỉnh vùng tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam  bầu chọn trong danh sách 40 nhà đầu tư nước ngoài tiêu biểu (Top 40 FDI Award) tại khu vực này  (gồm TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai). Đây là sự kiện có ý nghĩa tôn vinh và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

OSCAT/AEA VIỆT NAM - NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH TIN CẬY CỦA CÁC HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ, DU LỊCH

OSCAT/AEA Việt Nam là liên doanh giữa OSC Việt Nam và Tập đoàn International SOS (chuyên hoạt động trên lĩnh vực hỗ trợ y tế nổi tiếng thế giới có trụ sở chính tại Singapore). Đây cũng là đơn vị duy nhất hoạt động trên lĩnh vực y tế hỗ trợ phát triển đầu tư được bình chọn lần này. Kết quả đó góp phần khẳng định Công ty luôn luôn phát huy vai trò và hiệu quả trên lĩnh vực y tế hỗ trợ phát triển đầu tư và du lịch ở vùng kinh tế động lực Đông Nam bộ trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu, và cả nước nói chung.

Thành tích của OSCAT/AEA Việt Nam trong năm 2003 là tiếp tục mở rộng các cơ sở y tế, hỗ trợ đầu tư phát triển đến những vùng sâu, vùng xa và du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái phát triển theo xu hướng du lịch thế giới như Sa Pa, Lai Châu, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Phú Quốc, đồng bằng sông Cửu Long. Công ty đã khám, chữa bệnh cho hơn 45.000 bệnh nhân, hàng trăm ca di chuyển cấp cứu ra nước ngoài an toàn, và hàng trăm ngàn xét nghiệm y tế, khám sức khỏe cho hàng ngàn lượt người nước ngoài làm việc tại các dự án; huấn luyện sơ cứu, an toàn lao động cho gần 1.000 lượt nhân viên an toàn lao động tại các dự án, tiếp tục cử hàng ngàn lượt bác sĩ, nhân viên y tế ra phục vụ tại các giàn khoan.

Năm 2003, Công ty đưa vào thực hiện chương trình "Hỗ trợ người Việt Nam ra nước ngoài khám, chữa bệnh, cấp cứu". Đây là chương trình được nghiên cứu và hình thành từ thực tế, điều kiện sống của người Việt Nam ngày càng được nâng cao, ngày càng có nhiều người Việt Nam ra nước ngoài công tác, học tập. Chương trình mới đưa vào thực hiện, và được hoan nghênh vì quan tâm đến nhu cầu về hỗ trợ y tế của người Việt Nam.

Năm 2003 Công ty thực hiện vượt các chỉ tiêu kinh tế, so với năm 1999, doanh số đạt 157%, mức tăng bình quân 11,4% năm; nộp ngân sách Nhà nước đạt 203%, lợi nhuận đạt 135%, thu hhập của người lao động tăng bình quân 6,5% năm.

Đối với Bà Rịa - Vũng Tàu, OSCAT/AEA Việt Nam đã xác định việc đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh,  không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm. Những đóng góp của OSCAT/AEA Việt Nam đối với Bà Rịa-Vũng Tàu từ ngày thành lập đến nay chủ yếu trên lĩnh vực hỗ trợ y tế tạo điều kiện thu hút đầu tư  và du lịch, đặc biệt là hỗ trợ công nghiệp thăm dò, khai thác dầu khí.

BARIA SERECE - KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ TRONG LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG CẢNG

10 DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ TẠI BÀ RỊA - VŨNG TÀU

STT TÊN CÔNG TY TỔNG VỐN ĐẦU TƯ (USD)
1 Nhựa hóa chất Phú Mỹ 70.000.000
2 Thép Vina Kyoei 69.594.000
3 Interflour Vietnam 41.000.000
4 Công ty C.P.K Bentham 21.450.000
5 Cảng Baria - Serece 19.000.000
6 Công ty TNHH Rạng Đông  Orange Court 10.300.000
7 Công ty liên doanh OSCAT/AEA Việt Nam 3.112.415
8 Best Food 1.000.000
9 Công ty liên doanh dung dịch khoan MI Việt Nam 939.106
10 HĐHTKD chế biến hải sản XK Havico - Avi 900.000
(Nguồn: Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Cảng Baria Serece là Liên doanh giữa SCPA-SIVEX International (Pháp) và Norsk Hydro (Nauy) cùng 3 đối tác Việt Nam khác. Trong bối cảnh chưa có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực hoạt động cảng ở Việt Nam (hiện mới chỉ có 3 cảng có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam), Baria Serece đang dần khẳng định vị trí của mình trong  lĩnh vực đang được tỉnh ưu tiên này.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ. Cùng với sự phát triển về quy mô của khu công nghiệp như hiện nay, vị thế của cảng Baria Serece cũng được tăng cường. Lượng hàng hoá qua cảng tăng từ 950.000 tấn năm 2001 lên 1,4 triệu tấn năm 2003. Số vốn đầu tư ban đầu tăng từ 6 triệu USD lên khoảng 25 triệu USD hiện nay.

Theo lãnh đạo của Baria Serece, thành công của cảng ngày nay là sự kết hợp của kinh nghiệm kinh doanh của các đối tác nước ngoài và sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành của địa phương.

NHÀ MÁY NHỰA HOÁ CHẤT PHÚ MỸ - QUYẾT TÂM MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG

Nhà máy Nhựa Hoá chất Phú Mỹ chính thức đi vào hoạt động là tháng 10-2002, với số vốn là 70 triệu USD. Đây là liên doanh của Petronas (Malaysia), Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và Tramatsuco (Bà Rịa - Vũng Tàu), với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hoá dầu Việt Nam. Sản phẩm của nhà máy đang dần thay thế hàng nhập khẩu.

Cho đến nay, thành công của nhà máy có thể kể đến việc tổng vốn đầu tư không bị vượt quá dự kiến, thời hạn thực hiện các hợp đồng đúng tiến độ, các hoạt động sản xuất an toàn. Đặc biệt, nhà máy có một đội ngũ cán bộ công nhân viên được đào tạo bài bản và lành nghề.

Lãnh đạo nhà máy đặt quyết tâm đưa sản phẩm bột nhựa PVC chiếm lĩnh thị trường trong nước. Hiện tại, sản phẩm của công ty đáp ứng đủ ½ nhu cầu trong nước (70% cho thị trường phía Nam và 30% cho thị trường phía Bắc). Bên cạnh đó, công ty cũng đã xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Malaysia. Nhà máy cũng đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các chính sách bảo trợ về thuế và phụ thu đối với ngành này chưa được thoả đáng. Tuy nhiên, với thiết bị sản xuất hiện đại, tọa lạc ở khu Công nghiệp Cái Mép, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hoá, Nhà máy Nhựa Hoá chất  Phú Mỹ đang có những lợi thế để hy vọng vào sự thành công của nhà máy trong tương lai.

 

.
.
.