.

Những gam màu tươi sáng ngành dầu khí

Cập nhật: 22:29, 12/11/2023 (GMT+7)

Khó khăn của nền kinh tế đã tác động mạnh đến các DN. Tuy nhiên, với sự nỗ lực vượt bậc, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tích cực, góp những gam màu tươi sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế.

Người lao động PV GAS thực hiện bảo dưỡng sửa chữa đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn.
Người lao động PV GAS thực hiện bảo dưỡng sửa chữa đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn.

Lợi nhuận tăng cao

Một trong những DN đạt mức lợi nhuận “khủng” trong 10 tháng qua phải kể đến Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS). Ông Phạm Văn Phong - Tổng Giám đốc PV GAS cho biết, 10 tháng qua, PV GAS đã cung cấp trên 6,1 tỷ m3 khí khô, góp phần giải quyết nhu cầu khí cho sản xuất điện; đáp ứng đáng kể nhu cầu điện giai đoạn cao điểm mùa khô. Bên cạnh đó, PV GAS đã sản xuất và cung cấp hơn 71 ngàn tấn condensate, vượt 12% kế hoạch 10 tháng; sản xuất và kinh doanh trên 2 triệu tấn LPG, vượt 38% và về đích trước kế hoạch năm 3 tháng.

Tính đến hết tháng 10/2023, doanh thu toàn Tổng Công ty đạt hơn 95 ngàn tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch 10 tháng; doanh thu hợp nhất đạt trên 77 ngàn tỷ đồng, vượt 21%; lợi nhuận trước thuế hơn 12 ngàn tỷ đồng, vượt 78% kế hoạch 10 tháng.

Năm 2023, PV GAS đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 76.441 tỷ đồng, lãi trước thuế 8.171 tỷ đồng. Như vậy, sau 10 tháng, Tổng Công ty đã hoàn thành kế hoạch doanh thu và vượt 47% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Từ đầu năm đến nay, kết quả hoạt động sản xuất của Công ty CTCP Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cũng đạt kết quả khả quan. Trong báo cáo tài chính vừa được PTSC công bố, chỉ tính riêng quý III/2023, doanh thu thuần của công ty hơn 4.175 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng năm 2023, công ty có doanh thu thuần 12.591 tỷ đồng, tăng gần 14%. Công ty lãi sau thuế 606 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ.

Năm 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 13.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 560 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty đã hoàn thành đến 95% mục tiêu doanh thu và vượt hơn 8% mục tiêu lợi nhuận năm.

Ngoài hai DN trên, nhiều DN dầu khí đạt kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tích cực, lọt vào Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam đã được Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo Vietnamnet công bố vào giữa tháng 9 vừa qua.

Hoàn thành nộp ngân sách trước nửa năm

Theo đánh giá của Petrovietnam, từ đầu năm đến nay dù gặp nhiều khó khăn nhưng tập đoàn đã bám sát diễn biến thị trường. Đồng thời, tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, công việc thường xuyên, từng bước giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài và những vấn đề mới phát sinh. Qua đó, kết quả sản xuất và các chỉ tiêu tài chính của tập đoàn đều vượt cao so với kế hoạch được giao. Trong đó, tập đoàn đã nộp ngân sách 105,7 ngàn tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch năm 2023 (đã hoàn thành kế hoạch cả năm 78,3 ngàn tỷ đồng trước 5 tháng).

Một số đơn vị thành viên của Petrovietnam cũng hoàn thành nộp ngân sách trước nửa năm. Chẳng hạn, PV GAS đã nộp 5.000 tỷ đồng trong 10 tháng, vượt 62% kế hoạch 10 tháng (về đích trước 6 tháng). Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) nộp ngân sách Nhà nước 13.133 tỷ đồng trong 9 tháng, hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách Nhà nước năm 2023 từ cuối tháng 8.

Tại cuộc họp giao ban thường kỳ với các đơn vị thành viên mới đây, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhận định, tình hình thị trường những tháng còn lại sẽ gặp nhiều khó khăn.  Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến giá dầu và thị trường các sản phẩm xăng dầu bắt diễn biến phức tạp, không thuận lợi.

Tổng Giám đốc Petrovietnam đề nghị tập đoàn và các đơn vị tập trung công tác sản xuất, bảo đảm an toàn, nâng cao sản lượng khai thác để bù đắp phần bị suy giảm, thiếu hụt. Bên cạnh đó, tích cực công tác phát triển mỏ, sớm đưa các công trình vào khai thác, gia tăng trữ lượng; tích cực đầu tư, đổi mới mô hình kinh doanh, tận dụng các cơ hội thị trường tăng doanh thu; điều chỉnh cơ cấu các sản phẩm xăng dầu phù hợp với nhu cầu thị trường.

Ông Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị các đơn vị thúc đẩy mở rộng thị phần phân phối sản phẩm trong khâu hạ nguồn; tăng cường quản lý vốn, dòng tiền, phân tích, đánh giá chất lượng doanh thu, lợi nhuận và kiểm soát rủi ro tài chính, đặc biệt là biến động tỷ giá; tập trung thúc đẩy giải quyết, hoàn thiện các cơ chế chính sách tạo điều kiện, cũng như hạn chế các rủi ro trong sản xuất kinh doanh và đầu tư…

Bài, ảnh: PHAN HÀ

.
.
.