.

Nhiều giải pháp tăng hiệu quả khai thác cảng biển

Cập nhật: 19:29, 21/09/2023 (GMT+7)

Đó là nội dung chính được các chuyên gia, DN cảng biển bàn luận tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) do cảng Đồng Nai đăng cai tổ chức vào ngày 21/9 tại TP.Vũng Tàu.

Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) là một trong những cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC.
Xếp dỡ hàng container tại Cảng CMIT.

Điều chỉnh tăng giá dịch vụ cảng biển

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Công Minh, Chủ tịch VPA cho biết, giá dịch vụ bốc xếp container tại cảng biển nói chung được quy định theo khung giá sàn tối thiểu, tối đa áp dụng cho một số dịch vụ bốc xếp chính chọn lọc, không có thống nhất biểu giá dịch vụ chi tiết như các nước. Dưới sức ép của hãng tàu container nước ngoài mức giá sàn này đang được hầu hết các cảng biển áp dụng trong hơn 5 năm qua, kể cả các cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải (CM-TV). Cụ thể, mức giá mà các DN cảng biển tại CM-TV đang thu của các hãng tàu là 52 USD/container 20 feet (có hàng) và 77 USD/container 40 feet (có hàng), bằng 60% so với các cảng trong khu vực ASEAN, dù mức độ đầu tư cảng gần như tương đương.

 Ngoài ra, giá dịch vụ khai thác container của cảng biển VN cao nhất chỉ bằng 47% so với phí THC (phụ phí xếp dỡ tại cảng) của hãng tàu. Giá làm hàng container vận chuyển nội địa chỉ bằng 13% THC. Từ đó, có thể hình dung năng lực tích lũy để phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển của Việt Nam chậm hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực trong nhiều năm qua.

Các hãng tàu nước ngoài đang thu từ khách hàng xuất nhập khẩu Việt Nam nhiều khoản phụ thu, trong đó giá THC rất cao, là 114 - 173 USD/container (tùy loại 20 feet hay 40 feet), bằng các nước trong khu vực. Tuy nhiên, các cảng biển Việt Nam chỉ thu được giá bốc dỡ container rất thấp, với 33 USD/TEU (20 feet) tại khu vực Đình Vũ, 52 USD/TEU tại khu vực CM-TV và 41 USD/TEU tại khu vực TP. Hồ Chí Minh.

“Do đó, VPA kiến nghị nhà nước và ngành hàng hải cho phép điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển cho sát hợp với quy mô đầu tư và nhu cầu phát triển của từng loại cảng biển, giảm nhanh mức độ bao cấp cho vận tải nội địa và quốc tế, tiệm cận nhanh với mức giá bình quân của khu vực, hiện còn quá chênh lệch bất lợi cho tiềm năng phát triển để cạnh tranh của toàn khối cảng biển Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là điều kiện thiết yếu để thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng biển”, ông Lê Công Minh đề xuất.

Nhanh chóng số hóa và chuyển đổi xanh

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Khánh Hoàng, Phó Chủ tịch VPA cho biết, cảng container là mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng vài trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Phát triển hạ tầng cảng biển chất lượng cao, khai thác hệ thống cảng biển hiệu quả được xem là điều kiện tiên quyết để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế thành công, đặc biệt là đối với các quốc gia mạnh về xuất khẩu.

Ông Trần Khánh Hoàng cho rằng, các cảng biển Việt Nam cần nhanh chóng “số hóa” cảng biển và xây dựng cảng xanh để đáp ứng yêu cầu hiện tại và tương lai. Hiện nay, nhiều DN công nghệ thông tin trong nước có thể cung cấp các giải pháp số về quản lý và điều hành, thanh toán trực tuyến, xây dựng các hệ sinh thái logistics. Công tác số hóa cảng biển tại Việt Nam đã được đẩy mạnh trong thời gian qua với những thành tựu đáng kể nhưng vẫn còn nhiều thử thách phía trước.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Phạm Thị Thúy Vân, Phó Giám đốc marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) cho biết, với vị thế là nhà khai thác cảng hàng đầu tại Việt Nam, SNP đã và đang triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại 16 cơ sở cảng trải dài ở các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam cùng hệ thống 7 ICD hỗ trợ kết nối. Trong đó, Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) là một trong những cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Trong năm 2023, SNP cũng đã vinh dự đón nhận giải thưởng Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam - giải thưởng vinh danh các DN tiêu biểu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số hướng đến phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Triển vọng phát triển cho cả năm 2023 không như dự kiến ban đầu, sản lượng container năm 2023 có thể còn giảm khoảng 8% so với năm 2022.

Tỷ lệ sản lượng hàng hóa thông qua các nhóm cảng biển Việt Nam như sau: nhóm cảng số 4 là 60% (trong đó khu vực TP.Hồ Chí Minh chiếm 39%, Cái Mép - Thị Vải 22%); kế đến là nhóm cảng số 1 tại Hải Phòng 27%, nhóm 2 và 3 khu vực miền Trung 14%; nhóm 5 vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2%.

Về hàng container, tại nhóm cảng biển số 4 tiêu biểu cho cả nước, trong năm 2022, hàng container thông qua vào khoảng 14 triệu TEU, chiếm 73% cả nước; trong đó khoảng 8,4 triệu TEU thông qua khu vực TP.Hồ Chí Minh chiếm 44% thị phần, tăng 1% so với năm 2021. Cụm cảng CM-TV đạt 5,6 triệu TEU thông qua, chiếm 29%. Tổng sản lượng thông qua container của năm 2023 dự kiến giảm 5-8% so với năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Ban, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đồng Nai cho hay, phát triển kinh doanh đồng hành bảo vệ môi trường, tháng 10/2020, DN đã vận hành thương mại hệ thống điện mặt trời mái nhà với 15.000m2 tấm pin mặt trời, tổng công suất 1MWp. Hệ thống này đã giúp Cảng Đồng Nai phát lên hệ thống điện lưới quốc gia hơn 150.000 KWh/tháng. Quyết định đầu tư vào nguồn năng lượng sạch này là minh chứng tiêu biểu cho định hướng xây dựng thương hiệu “xanh” của công ty. Điều này cũng góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng hình ảnh đến đối tác khách hàng quốc tế bên cạnh các lợi ích kinh tế thiết thực của xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo.

Cảng Đồng Nai đã phê duyệt đề án ứng dụng công nghệ trong vận hành, khai thác triển khai phần mềm cảng điện tử (ePort - electronic Port) và chuyển đổi số (triển khai lệnh giao hàng điện tử, thông quan hải quan điện tử, áp dụng hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt…). Từ đó hướng đến mục tiêu các nghiệp vụ cảng biển được làm hoàn toàn online, không cần tiếp xúc với khách hàng giúp nhiều công đoạn được tự động hoàn toàn; nâng cao năng suất, tăng hiệu quả công việc và giảm thiểu sai sót do thao tác thủ công.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.