.

Điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển sát quy mô đầu tư

Cập nhật: 14:21, 21/09/2023 (GMT+7)

Ngày 21/9, tại TP.Vũng Tàu đã diễn ra hội nghị thường niên Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) do Cảng Đồng Nai đăng cai tổ chức.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Theo Báo cáo của VPA, sau dịch COVID-19 cho thấy sức đề kháng của nền kinh tế nói chung và khối DN cảng biển nói riêng chưa được hồi phục hoàn toàn. 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Triển vọng phát triển cho cả năm 2023 không như dự kiến ban đầu, sản lượng container năm 2023 có thể còn giảm khoảng 8% so với năm 2022.   

Tỷ lệ sản lượng hàng hóa thông qua các nhóm cảng biển Việt Nam như sau: nhóm cảng số 4 là 60% (trong đó khu vực TP.Hồ Chí Minh chiếm 39%, Cái Mép - Thị Vải 22%); kế đến là nhóm cảng số 1 tại Hải Phòng 27%, nhóm 2 và 3 khu vực miền Trung 14%; nhóm 5 vùng Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ có 2%.

Về hàng container, tại nhóm cảng biển số 4 tiêu biểu cho cả nước, trong năm 2022, hàng container thông qua vào khoảng 14 triệu TEU chiếm 73% của cả nước; trong đó khoảng 8,4 triệu TEU thông qua khu vực TP.Hồ Chí Minh chiếm 44% thị phần, tăng nhẹ 1% so với năm 2021. Cụm cảng CM-TV đạt 5,6 triệu TEU thông qua, chiếm 29%. Tổng sản lượng thông qua container của năm 2023 dự kiến giảm gần 5-8% so với năm 2022.

Tàu trọng tải lớn cập Cảng TCIT
Tàu trọng tải lớn cập cảng TCIT.

Tại hội nghị, thay mặt các cảng thành viên, VPA đã kiến nghị tới nhà nước và ngành hàng hải một số nội dung như: điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển cho sát hợp với quy mô đầu tư và nhu cầu phát triển của từng loại cảng biển; giảm nhanh mức độ bao cấp cho vận tải nội địa và quốc tế; tiệm cận nhanh với mức giá bình quân của khu vực, hiện còn quá chênh lệch bất lợi cho tiềm năng phát triển để cạnh tranh của toàn khối cảng biển Việt Nam và cũng là điều kiện thiết yếu để thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng biển.

Bên cạnh đó, khắc phục nhanh tình trạng khó khăn hiện có, tạo điều kiện thuận lợi cho cảng biển nạo vét, duy tu độ sâu trước bến theo nhu cầu bảo đảm an toàn hàng hải của hệ thống cảng biển quốc gia. Xem xét nhu cầu nạo vét duy tu độ sâu trước bến cảng. Ưu tiên đầu tư cho luồng lạch, giao thông kết nối cảng biển, kể cả đường sắt, đường sông. Nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết cho các nhóm cảng biển; có đủ cơ chế đổi mới phát triển cảng biển quy mô vùng miền, có tổ chức đầu mối chịu trách nhiệm về hiệu quả tổng thể, điều tiết thị trường có yếu tố nước ngoài cạnh tranh minh bạch, lành mạnh hơn để tổ chức thực hiện thành công quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo mục tiêu đề ra trong quy hoạch đến năm 2030.

Tin, ảnh: TRÀ NGÂN

 

 
.
.
.