Trên thảo nguyên Mông Cổ

Thứ Bảy, 04/11/2023, 09:47 [GMT+7]
In bài này
.

Tạp chí du lịch Lonely Planet vừa công bố 50 điểm đến hàng đầu cho năm 2024, trong đó Mông Cổ đứng đầu top danh sách quốc gia đáng đến. Vì sao tạp chí du lịch nổi tiếng này đưa Mông Cổ vào vị trí top đầu?

Ngựa là gia súc quan trọng của người du lịch Mông Cổ.
Ngựa là gia súc quan trọng của người du lịch Mông Cổ.

Mông Cổ mang vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã, những nét truyền thống văn hóa được lưu giữ hàng ngàn năm đến nay vẫn còn đậm nét, đặc biệt là những trải nghiệm vô cùng thú vị như: Cưỡi ngựa trên thảo nguyên rộng lớn, cưỡi lạc đà vượt sa mạc, trải nghiệm cuộc sống của dân du mục…

Kỳ bí đời sống du mục

Mông Cổ có hơn 3,3 triệu dân, trong đó phần lớn sinh sống tại thủ đô  Ulan Bator và các đô thị. Tuy vậy, những ngôi làng trong những vùng đất thuận lợi cho canh tác, trên thảo nguyên vẫn còn tập tục du cư của những tộc người gắn liền với công việc chăn thả gia súc đã tồn tại qua hàng ngàn năm. Người du mục đã làm nên nét độc đáo của Mông Cổ. Họ di cư theo mùa và theo nhu cầu của đàn gia súc để tránh thời tiết khắc nghiệt theo mùa trong năm.

Mỗi năm, những người du mục “chuyển nhà” từ 7 tới 8 lần. Mỗi lần ra đi, họ lại mang theo khung lều cùng đàn gia súc, chủ yếu là ngựa, cừu, bò và lạc đà. Ở những vùng đất lạnh giá còn là đàn tuần lộc. Ngựa là gia súc quan trọng nhất của người du mục, cung cấp sữa, thịt và phương tiện vận chuyển chính.

Ngoài ngựa, đại bàng cũng là trợ thủ đắc lực cho người du mục. Hình ảnh đàn ông Mông Cổ phi ngựa, mang cung tên, trên vai có một chú chim đại bàng dũng mãnh trong những chuyến đi săn luôn cuốn hút không chỉ du khách mà trong cộng đồng người Mông Cổ vì đây vừa là thú vui giải trí, thể hiện kế thừa truyền thống săn bắn của tổ tiên và tài năng từ sự rèn luyện thường xuyên.

Ngày nay, người du mục Mông Cổ vẫn sống trong những túp lều tròn như tổ tiên họ hàng trăm năm trước. Tài sản lớn nhất của mỗi gia đình là đàn gia súc, tuy rằng tới nay họ đã sắm cho mình tivi, máy giặt, xe đạp, xe máy. Thắp sáng bằng pin mặt trời. 

Mở cửa du lịch

Mông Cổ nằm ở vùng Trung Á giáp với Nga và Trung Quốc - khu vực hẻo lánh nhất tại châu Á. Phần lớn đất đai là thảo nguyên, đồi núi, sa mạc và khí hậu vô cùng khắc nghiệt.

Sa mạc Gobi được mệnh danh là “trái tim” của đất nước Mông Cổ. Gobi trong tiếng Mông Cổ nghĩa là “vùng đất không có nước”. Cái tên đã mô tả phần nào sự khắc nghiệt của vùng đất này. Khi mùa hè thời tiết lên đến 400C, còn mùa đông thì hoàn toàn trái ngược, âm 400C.

Nhưng trong quá khứ, Mông Cổ từng là một quốc gia hùng mạnh bậc nhất thế giới. Vó ngựa Mông Cổ đã chinh phạt khắp châu Á và châu Âu vào thế kỉ 13. Đây chính là nét hấp dẫn cuốn hút du khách đến Mông Cổ.

Thế kỷ 21, Mông Cổ đẩy mạnh giao thương và du lịch. Nằm giữa hai thị trường lớn đang mở rộng là Trung Quốc và Nga, Mông Cổ cũng trở thành đối tác thương mại, kinh tế và địa điểm du lịch thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Du khách đến Mông Cổ không chỉ choáng ngợp bởi thiên nhiên hoang sơ chưa có bàn tay con người chạm đến, mà còn ấn tượng với nhiều công trình kiến trúc để đời.

Trên khắp đất nước Mông Cổ đâu đâu cũng có tượng đài tưởng nhớ Thành Cát Tư Hãn, vị vua khai sinh ra đế chế Mông Cổ, người khởi đầu cho quá trình chinh phạt khắp châu Á lẫn châu Âu vào thế kỷ thứ 13-14.

Tại thủ đô Ulan Bator, tượng Thành Cát Tư Hãn ở khắp mọi nơi, từ những vị trí trang nghiêm đến những nơi bình dị, trong nhà lều và đặc biệt luôn hiện diện trong các món đồ trang trí sinh hoạt của nhiều người du mục.

Khí hậu khắc nghiệt nhưng mang đến cho Mông Cổ cảnh sắc thiên nhiên 4 mùa đa dạng.
Khí hậu khắc nghiệt nhưng mang đến cho Mông Cổ cảnh sắc thiên nhiên 4 mùa đa dạng.

Đất nước còn nghèo nhưng Mông Cổ dám bỏ ra trên 4 triệu USD để đầu tư khu tượng đài kết hợp bảo tàng hoành tráng. Tượng Thành Cát Tư Hãn cao khoảng 40m, mang gương mặt uy nghiêm, quyền lực cưỡi trên lưng ngựa dáng đầy oai vệ hướng mặt về phía Đông là nơi ông sinh ra.

Trong khu phức hợp này còn có nhiều phòng trưng bày cổ vật và phục dựng lại sa bàn về đời sống của người dân Mông Cổ. Từ những đoàn người du mục đến các nhà lều, vật nuôi (như cừu, bò, lạc đà, chó săn), thức ăn đồ uống, tác phong lao động đặc thù của người dân xứ này. Mặc y phục truyền thống Mông Cổ, cưỡi lạc đà, cưỡi ngựa, bắn cung, uống sữa dê nóng, tham quan các nhà lều (có khoảng 200 nhà lều xung quanh khu phức hợp) giữa tiết trời rét buốt cũng là những trải nghiệm “rất Mông Cổ” tại khu phức hợp rộng hàng trăm hecta này.

Thủ đô Ulan Bator còn tập trung rất nhiều viện bảo tàng nổi tiếng (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Zanabazar, Cung điện Mùa Đông Bogd Khaan), các tu viện lộng lẫy (Choijin Lama, Gandan Khiid), hay quảng trường Sukhbaatar hoành tráng rộng hơn 3 hecta… đều mở cửa phục vụ du lịch.

Mông Cổ cũng đưa văn hóa, lễ hội, sinh hoạt truyền thống vào thu hút khách du lịch. Lễ hội Naadam tôn vinh các môn thể thao truyền thống của Mông Cổ như bắn cung, đua ngựa, đấu vật được tổ chức trên khắp đất nước. Trải nghiệm qua đêm trong những túp lều du mục, cưỡi ngựa săn bắn trên thảo nguyên, trekking lạc đà trong sa mạc Gobi, thưởng thức những món ăn truyền thống, đặc biệt trò chuyện với người bản xứ cũng là dân du mục kiêm hướng dẫn viên du lịch giúp du khách tạm quên đi phần thế giới bận rộn, thảnh thơi tận hưởng sự bao la phóng khoáng đêm sa mạc.

Trước dịch COVID-19, Mông Cổ từng đón 577.000 du khách quốc tế năm 2019, đem lại nguồn thu 605 triệu USD. Cùng với đà phục hồi du lịch chung trên thế giới thời hậu COVID-19, năm 2022 số du khách quốc tế đến Mông Cổ tăng trở lại đạt 290.400 lượt người, đem lại nguồn thu 350 triệu USD. Những tháng đầu năm 2023, du lịch Mông Cổ cũng tiếp tục thu hút khách quốc tế đa quốc tịch trải nghiệm văn hóa du mục. Chính phủ Mông Cổ đặt mục tiêu từ năm 2023 đến năm 2025 đón ít nhất 1 triệu du khách quốc tế, thu về khoảng 1 tỉ USD từ du lịch.

KHÁNH HẰNG (Tổng hợp)

;
.