Nước Đức vào mùa lễ hội

Thứ Sáu, 17/11/2023, 18:07 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối tháng 11 đầu tháng 12, nước Đức bắt đầu vào đông. Bầu trời ảm đạm, lạnh lẽo nhưng cũng là thời điểm tưng bừng, náo nhiệt nhất bởi mùa lễ hội cuối năm đầy sắc màu bắt đầu.

Lễ hội hóa trang truyền thống tại Đức chính thức khai mạc tại TP.Cologne. Ảnh: DW
Lễ hội hóa trang truyền thống tại Đức chính thức khai mạc tại TP.Cologne. Ảnh: DW

Khởi động lễ hội hóa trang

Đúng 11g11 ngày 11/11/2023 theo giờ địa phương, lễ hội hóa trang truyền thống tại Đức chính thức khai mạc tại TP.Cologne, miền Tây Đức, khởi động cho mùa lễ hội đặc sắc cuối năm. Người Đức gọi lễ hội mang đậm nét văn hóa châu Âu này là “mùa thứ năm”. Lễ hội trải dài trong 3 tháng, cho đến tận tháng 2 năm sau trong các hội đoàn.

Trong ngày khai mạc, hàng nghìn người dân địa phương cùng du khách trong và ngoài nước trong trang phục rực rỡ đã cùng nhau tập trung tại khu vực trung tâm thành phố, hò reo, uống bia và tham gia nhiều hoạt động sự kiện hấp dẫn khác, gồm cả buổi biểu diễn ca nhạc ngoài trời, ném đồ ngọt bánh kẹo và cả hoa tulip vào đám đông náo nhiệt.

Hoạt động này diễn ra trong khoảng một tuần. Sau đó sẽ tạm nghỉ vào dịp Giáng sinh trước khi bắt đầu trở lại vào năm mới theo dương lịch và kéo dài đến ngày thứ Tư Lễ Tro (14/2), đánh dấu vào mùa Chay.

Những chú hề ngộ nghĩnh trong lễ hội hóa trang tại Đức.
Những chú hề ngộ nghĩnh trong lễ hội hóa trang tại Đức.

Mùa Chay kéo dài trong 6 tuần cho đến Lễ Phục Sinh. Vào Mùa Chay, các tín đồ Kitô Giáo không được phép ăn thịt và uống rượu để thể hiện sự ăn năn sám hối với những lỗi lầm đã gây ra. Do vậy, lễ hội hóa trang là dịp để mọi người tận hưởng ăn uống, vui chơi một cách thoải mái trước khi bước vào Mùa Chay. Đỉnh điểm náo nhiệt nhất với các cuộc diễu hành lớn trên đường phố sẽ rơi vào khoảng ngày 10/2 đến trước ngày 14/2.

Tiền thân của lễ hội này xuất hiện từ 5.000 năm trước, được khởi đầu ở Mesopotamia vùng Lưỡng Hà, Ai Cập. Mọi người đều từ quý tộc đến nô lệ không phân biệt đẳng cấp, trong trang phục rực rỡ, tham dự vào buổi diễu hành đầy màu sắc.

Sự kiện chính của chương trình là lễ hội carnival đường phố, trong đó Ngày của phụ nữ sẽ là chương trình khai mạc. Ngày này nhằm ghi nhớ sự việc diễn ra vào năm 1824, khi những người phụ nữ đã phát động phong trào “Ngày không làm việc” và thứ Năm trước khi diễn ra lễ hội để cho mình quyền được hiện diện trong ngày hội mà nam giới áp đảo về số lượng.

Ngoài lễ hội hóa trang, Đức còn có những lễ hội lớn giàu giá trị văn hóa truyền thống khác như: Lễ hội bia Oktoberfest (tháng 9), lễ hội bí ngô ở Ludwigsburg (cuối tháng 10), Lễ hội ánh sáng tại Berlin (giữa tháng 10), Lễ phục sinh Ostern (tháng 4).

Trong ngày này, những người phụ nữ trong trang phục màu đen, đổ xô đến tòa thị chính thành phố để cướp chìa khóa từ tay thị trưởng thành phố. Những người đàn ông trong trang phục những kẻ ngu ngốc đi qua quảng trường chính và những người phụ nữ sẽ dùng kéo cắt đứt cà vạt của bất kỳ gã khờ nào mà họ tóm được. Và những cô gái có quyền hôn bất kỳ ai theo cách họ thích trong ngày của mình.

Trong các ngày tiếp theo, các cuộc diễu hành được tổ chức khắp mọi nơi bởi các câu lạc bộ địa phương. Hàng ngàn người với những bộ trang phục độc đáo, ngộ nghĩnh, đeo những chiếc mặt nạ hóa trang cầu kỳ, vui nhộn đổ xô ra đường, ca hát, nhảy múa, tham gia diễu hành. Hoà vào không khí sôi động đó là tiếng nhạc vang lảnh lót không ngừng trên khắp các nẻo đường tạo ra một bầu không khí vô cùng náo nhiệt và đầy màu sắc. Du khách có thể bắt gặp ở đây những chiếc mặt nạ cầu kỳ như ở lễ hội Carnival Ý và cả những nhân vật hoạt hình, nguyên thủ các quốc gia, những mặt nạ dí dỏm, hài hước vô cùng ngộ nghĩnh… 

Sự kiện thu hút khách du lịch độc đáo

Lễ hội hóa trang truyền thống được tổ chức trong suốt 200 năm qua tại Đức và hiện là một trong những lễ hội hóa trang lớn nhất châu Âu. Trước dịch COVID-19, lễ hội hóa trang được diễn ra tại nhiều thành phố của Đức với sự tham dự của hàng trăm hiệp hội, đoàn khách là chính khách nhiều quốc gia tham dự. Năm 2015, tại TP. Munich đã ghi nhận đoàn diễu hành gồm gần 11.000 người, kéo dài 6,5km, gồm 85 ban nhạc lớn, 350 xe kỵ mã, 70 xe hoa trang trí lộng lẫy, 58 xe kéo với các hình thù sinh động khác nhau.

Các thiếu nữ ăn mặc gợi cảm, đứng trên xe hoa nhảy múa và ném bánh kẹo cho những người xem hai bên đường. Số bánh kẹo ước tính sử dụng trong ngày này lên tới 140 tấn, 700.000 thỏi sô cô la, 220.000 hộp sô cô la, 300.000 bó hoa và hàng nghìn đồ chơi các loại. Tổng chi phí cho việc tổ chức lễ hội lên đến 2,3 triệu euro.

Rực rỡ sắc màu trong mùa lễ hội hóa trang truyền thống ở Đức.
Rực rỡ sắc màu trong mùa lễ hội hóa trang truyền thống ở Đức.

Không chỉ diễn ra trên đường phố, lễ hội còn thu hút trên 20 triệu người qua truyền hình. Trong thời gian lễ hội, các cửa hàng thường đóng cửa để cùng tham gia vui chơi, mọi người không phân biệt già, trẻ, trai gái, tôn giáo, đảng phái, người giàu, nghèo… tất cả đều ngang hàng nhau khi đã hoá trang.

Mọi người được trút bỏ bộ trang phục thường nhật, hóa trang thành bất cứ nhân vật nào mình yêu thích. Các thiếu nữ xinh xắn, rực rỡ trong váy áo tiểu thư thời trung cổ. Thanh niên hóa trang thành cướp biển, cảnh sát, hay anh hề có cái mũi đỏ chót như quả cà chua. Trẻ em vẽ mặt ngộ nghĩnh, mặc xiêm y ấn tượng như người dơi, thủy thủ, ong, bướm...

Thậm chí, trên phố có nhiều nhóm trẻ nghịch ngợm lấy sơn, màu bôi vào mặt, khắp người nếu phát hiện ai đó không hóa trang, vẽ mặt. Các cửa hàng bán áo quần, mũ, mặt nạ, đầu tóc giả, các loại sơn để vẽ mặt đều vô cùng bận rộn phục vụ khách có nhu cầu hoá trang.

Nước Đức từng thống kê, chỉ riêng trong vài ngày diễn ra lễ hội đã có hàng triệu người từ những thành phố khác nhau trên nước Đức và cả du khách nước ngoài đổ về góp mặt và vui chơi. Nước Đức thu nhập hàng tỷ Euro mỗi năm thông qua việc mua sắm quần áo, mặt nạ hóa trang, khách sạn, bia rượu và cả chi tiêu của khách du lịch.

Trở lại với mùa lễ hội hóa 2023, giao thương toàn thế giới đã nối lại hoàn toàn, chắc chắn lễ hội sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách và cộng đồng.

KHÁNH HẰNG (Tổng hợp)

;
.