Có một Bà Rịa - Vũng Tàu khác lạ!

Thứ Sáu, 26/06/2020, 22:07 [GMT+7]
In bài này
.

Đến với Bà Rịa - Vũng Tàu, ngoài tắm biển du khách có thể làm gì? Câu trả lời là có rất nhiều nơi đã đến là không muốn về! Giữa nắng hè gay gắt, còn gì bằng một chuyến du ngoạn sông nước bằng ca nô chiêm ngưỡng và săn những tấm “ảnh độc” giữa rừng ngập mặn hay khám phá Nhà Lớn Long Sơn hoặc băng rừng Bình Châu - Phước Bửu, leo núi, tắm suối…

Bến du thuyền Vũng Tàu Marina thơ mộng bên vịnh sông Dinh.
Bến du thuyền Vũng Tàu Marina thơ mộng bên vịnh sông Dinh.

LEO NÚI, TẮM SUỐI…

Nếu là dân phượt, chắc hẳn những địa danh như núi Dinh, núi Thị Vải, rừng Bình Châu-Phước Bửu… không xa lạ với du khách. Những địa danh này nằm xa khu dân cư, ít người lui tới, chưa bị tác động bởi con người nên vẫn còn nguyên nét tự nhiên, mộc mạc. Những năm gần đây, hạ tầng giao thông tại BR-VT được đầu tư đồng bộ, thông suốt dẫn vào các thắng cảnh trên giúp du khách từ khu vực Đông Nam bộ dễ dàng tìm về khám phá thiên nhiên.

Ngọn núi chúng tôi khám phá vào sáng Chủ nhật vừa qua là núi Dinh. Từ TX.Phú Mỹ, du khách có thể lên núi Dinh từ đường Hội Bài - Tóc Tiên theo lối chỉ dẫn lên Khu căn cứ Núi Dinh (thuộc xã Tân Hòa) băng đường rừng để đi. Còn từ Bà Rịa, theo Quốc lộ 51 hướng về TP. Hồ Chí Minh đến phường Kim Dinh thấy bảng chỉ dẫn chùa Phật Quang thì rẽ phải.

Du khách vào tham quan Nhà Lớn Long Sơn.
Du khách vào tham quan Nhà Lớn Long Sơn.

Để kịp tận hưởng không khí mát mẻ của núi rừng, đúng 5 giờ, chúng tôi đã có mặt dưới chân núi. Con đường dẫn từ chân núi lên đỉnh trải nhựa phẳng lì, mặt đường khô ráo, uốn lượn và nhiều đoạn dốc cao. Suốt hành trình từ chân lên đỉnh núi Dinh là cảnh sắc thiên nhiên bốn mùa đa dạng. Hai bên đường rừng tre trúc xào xạc, những cây keo thay lá non màu đỏ tía, hàng giá tỵ vươn những mầm non trắng xóa, cây ngũ gia bì thân đan chằng chịt, hàng sao mạnh mẽ vươn ngọn cao vút, bằng lăng hoa tím e ấp… Thanh âm tươi vui của tiếng chim hót, gà rừng gáy sáng, sóc chuyền cành giúp bước chân chúng tôi như nhẹ nhõm hơn dù đường càng lên cao càng dốc.

Độ cao núi Dinh khoảng 500m. Từ đây hình thành nhiều con suối nhỏ chảy qua các khe đá đến lưng chừng núi hợp thành Suối Tiên, Suối Đá với thác nước và những hồ rộng trong lành, mát lạnh. Núi Dinh còn là căn cứ cách mạng của quân dân BR-VT. Quanh triền núi, còn nhiều địa danh như: Hang Mai, Hang Bí, chùa Diệu Linh… là nơi ôn lại truyền thống cách mạng rất đáng để khám phá.

Thảm thực vật, cây rừng trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu- Phước Bửu là địa điểm chụp ảnh yêu thích của nhiều du khách.
Thảm thực vật, cây rừng trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu- Phước Bửu là địa điểm chụp ảnh yêu thích của nhiều du khách.

Một ngọn núi khác có độ cao tương tự núi Dinh, cũng rất thích hợp để vận động vào dịp cuối tuần là núi Thị Vải thuộc TX. Phú Mỹ. Gần 2/3 quãng đường lên núi Thị Vải dạng bậc tam cấp được lát đá bằng phẳng dễ đi. Quanh triền núi có nhiều ngôi chùa. Tiếng chuông chùa vọng ngân buổi sáng mang đến cảm giác ngày mới bình yên.

Muốn trải nghiệm cảm giác ngủ giữa sương lạnh núi rừng, bạn có thể dựng lều cắm trại qua đêm hoặc ghé các nhà chùa trên núi xin cơm chay và tá túc qua đêm. Sáng hôm sau dậy sớm đón bình minh, ngắm toàn cảnh khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải, dòng sông Thị Vải mềm mại uốn lượn và dải rừng đước xanh mướt ven sông.

Theo đường ven biển về hướng Đất Đỏ, núi Minh Đạm cũng là điểm khám phá thú vị. Ngày xưa, núi Minh Đạm là căn cứ địa cách mạng. Ngày nay, cảnh quan nơi đây được tôn tạo với đền thờ liệt sĩ, phòng trưng bày hiện vật nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ. Đến Minh Đạm, sau khi tìm hiểu về quá trình đấu tranh hào hùng của quân dân BR-VT, du khách đừng quên chinh phục núi Minh Đạm để ngắm toàn cảnh khu vực đồng bằng bên dưới. Điểm cao nhất của dãy Minh Đạm - Hòn Đá Chẻ (cách mặt biển 355m) có 2 tảng đá to, bằng phẳng là điểm check in, hóng gió lý tưởng.

Tiếp tục theo đường ven biển về hướng Xuyên Mộc, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu- Phước Bửu sẽ là địa điểm không thể bỏ qua với những người yêu thiên nhiên. Hiện nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu- Phước Bửu chỉ mở cửa khoảng 2ha vườn sưu tập cây gỗ rừng đón khách tham quan. Dù vậy một lần đặt chân đến du khách sẽ mê mải không chán trước bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của thảm thực vật tràm nước, dầu, bình linh, giáng hương, kơ-nia, dương xỉ xanh thẳm tựa thác đổ… Tại đây cũng có 4 bungalow với sức chứa 20 khách, căn tin, chòi vọng cảnh, nhà vệ sinh, sân cắm trại phục vụ du khách cắm trại, dã ngoại, nghiên cứu…

NGẮM GIÀN KHOAN VÀ HỆ SINH THÁI NGẬP MẶN

Ngược về TP.Vũng Tàu, có một điểm du lịch nằm ở phía tây, đó là Vũng Tàu Marina với dịch vụ ngồi du thuyền ngắm vịnh sông Dinh, chụp ảnh, cà phê ngắm cảnh, khám phá thiên nhiên ngập mặn ở Gò Găng và cù lao Bãi Ngựa. Những ngày cuối tuần, Vũng Tàu Marina luôn đông vui, tấp nập khách vui chơi, chụp ảnh bên những chiếc thuyền buồm đủ sắc màu. Tại đây cũng cung cấp tour ca nô hành trình từ sông ra biển tham quan những bến cảng, nhà máy đóng tàu, đóng chân đế giàn khoan. Trên hành trình, du khách được tận mắt ngắm những chân đế giàn khoan, tàu dịch vụ dầu khí nhiều kiểu dáng- điều chỉ thấy qua những thước phim hay ảnh tư liệu.

Điểm cuối của hành trình là đảo Gò Găng và cù lao Bãi Ngựa. Với những chiếc thuyền gỗ, mái chèo và mảnh lưới, du khách len lỏi giữa rừng đước buông câu hay chài lưới bắt cá tôm, sau đó, thưởng thức tiệc hải sản nướng với những món ăn tươi ngon, đậm đà và trò chuyện với người dân sống trên đảo.

Tiếp tục trải nghiệm sông nước, văn hóa bản địa là hành trình về Long Sơn. Trong đó, Nhà Lớn Long Sơn với những câu chuyện kể về ông Trần, nhiều phong tục kỳ bí và nếp sinh hoạt chân chất của cư dân Nhà Lớn. Long Sơn cũng là thủ phủ nuôi hàu của BR-VT. Kết thúc hành trình, du khách ngồi lênh đênh sông nước, hít thở không khí trong lành, hòa mình vào bức tranh thiên nhiên hữu tình và nhịp sống thư thả, bình dị của một làng biển, trải nghiệm công việc thu hoạch hàu, lưới cá, mò cua, bắt ốc… của cư dân địa phương và thưởng thức hải sản ở các nhà hàng nổi trên sông Chà Và hoặc gà núi, cá trê nướng ở khu Bến Điệp.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

;
.