Tháng Tư, ngoài hòa chung niềm vui lớn của dân tộc, Côn Đảo còn vui mừng Kỷ niệm 40 năm ngày được Chính phủ đặc cách công nhận Khu di tích lịch sử cấp quốc gia (ngày 29-4-1979). Đến Côn Đảo những ngày này, trên các ngả đường trung tâm, trong di tích nhà tù, Nghĩa trang Hàng Dương… rất đông du khách về dâng hương, tưởng niệm, ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của các thế hệ cha ông.
Những hình ảnh tái hiện lao động khổ sai của người tù dưới sự tra tấn của cai ngục tại Nhà tù Côn Đảo. |
HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN CỘI
Chúng tôi đến Côn Đảo bằng đường biển vào một ngày giữa tháng Tư. Chuyến tàu cao tốc Côn Đảo Express 36 cập cảng Bến Đầm đúng 12 giờ. Trên tàu chủ yếu là du khách nội địa từ nhiều tỉnh, thành cả nước như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, TP.Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai… Chúng tôi cũng hòa vào dòng người hối hả, rồi bắt đầu hành trình về nguồn. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng chục ngàn chiến sĩ cách mạng. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” mà tôi và rất nhiều du khách ghé khi đặt chân đến Côn Đảo bằng tấm lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đoàn viên thanh niên dâng hương, viếng Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: ĐĂNG KHOA |
Sau khi dâng hương ở lễ đài chính và thắp hương cho các phần mộ trong nghĩa trang, tôi có dịp trò chuyện với bà Nguyễn Thanh Hoa (đến từ Hà Nội). Bà Hoa cho biết, năm nào bà cũng đến Côn Đảo du lịch. Đặt chân đến Côn Đảo, bà luôn đến Nghĩa trang Hàng Dương. Bà nói: “Trong tâm thức của tôi, những anh hùng liệt sĩ, nhà yêu nước, chiến sĩ cộng sản đang yên nghỉ tại đây chính là chủ nhân của vùng đất này. Dâng hương, lễ vật như một cách chào hỏi chủ nhà”.
Du khách tham quan và nghe thuyết minh về chuồng cọp Pháp trong Trại Phú Tường. |
Đúng như lời bà Nguyễn Thanh Hoa, không biết từ bao giờ, trong thói quen của du khách và cả người dân địa phương trước mỗi chuyến biển hay mỗi lần đi xa về, Nghĩa trang Hàng Dương trở thành điểm đến tâm linh ý nghĩa, tiếp thêm niềm tin, vượt qua những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống. “Tôi thấy tâm bình an, gặp may mắn trong công việc và cuộc sống mỗi khi đến Côn Đảo thăm viếng các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này”, chị Huỳnh Thanh Nhạn (du khách đến từ Bắc Giang) nói.
TỰ HÀO TRUYỀN THỐNG
Sau nghĩa trang Hàng Dương, một trong những địa điểm du khách thường ghé thăm khi đến Côn Đảo là hệ thống nhà tù. Hiện BQL Di tích Côn Đảo đang tổ chức tour cho khách tham quan các điểm: Trại Phú Hải, Trại Phú Tường (Chuồng Cọp Pháp), Trại Phú Bình (Chuồng Cọp Mỹ), Nhà Chúa Đảo, Cầu Tàu 914, Chuồng Bò, Cầu Ma Thiên Lãnh, An Sơn Miếu (Miếu Bà Phi Yến), Chùa Núi Một. Trong đó, 3 di tích nhà tù điển hình cho tội ác của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và ngụy quyền đối với những chiến sĩ cách mạng là: Trại Phú Hải, Trại Phú Tường và Trại Phú Bình.
Khu di tích Nhà tù Côn Đảo đã phát huy giá trị trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng cho nhiều đối tượng khác nhau như: thanh niên, học sinh, sinh viên, các Cựu tù chính trị Côn Đảo, gia đình thân nhân các liệt sĩ, các tổ chức, người dân, du khách… Những năm 2000 trở về trước, lượng khách tham quan trung bình khoảng 5.000 lượt khách/năm. Từ năm 2000-2015, lượng khách tăng cao, trung bình 60.000 lượt khách/năm. Đặc biệt, từ 2015 đến nay, lượng khách tham quan tăng đột biến, với hơn 150.000 lượt khách/năm. Trong 40 năm qua, Nhà tù Côn Đảo đã phục vụ hơn 1,5 tỷ lượt khách. (Bà Phạm Thị Tám, Trưởng BQL Di tích Côn Đảo) |
Đến Côn Đảo, có tận mắt nhìn thấy những phòng biệt giam, những mô hình được dựng lại và lời kể đanh thép của thuyết minh viên, mới cảm nhận được cái gọi là “địa ngục trần gian”. Nhiều người không khỏi thốt lên, không cầm được nước mắt khi nghe về tội ác của địch đối với những chiến sĩ cách mạng yêu nước.
Ông Trần Văn Kệ (thôn Hữu Ái, xã Thanh Sơn, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) cho biết, ông đến Côn Đảo lần đầu tiên. Qua sách báo, tivi, ông có nghe nói về các phòng biệt giam, phòng tra tấn và các “chuồng cọp” kiểu Pháp, kiểu Mỹ gây kinh hãi với những đòn tra tấn hiểm ác nhất như: lột trần, rắc vôi bột, phơi nắng, phơi sương cho đến chết… “Thế nhưng, khi tận mắt chứng kiến hệ thống nhà tù, trong không gian linh thiêng, nghe kể lại đủ mọi kiểu tra tấn tàn độc, khiến người tù đau đớn, chết dần, chết mòn, tôi càng cảm phục ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Côn Đảo đúng là trường học lớn cho các thế hệ mai sau về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc”, ông Trần Văn Kệ nói.
Thời thực dân Pháp, nhà tù Côn Đảo có 4 trại giam chính gồm: Banh I, Banh II, Banh III và Banh IV. Ngoài ra, còn có hệ thống các Sở vừa là nơi giam giữ vừa là nơi lao dịch khổ sai: Sở Tiêu, Sở Chi Tồn, Sở Lưới, Sở Muối... Sang thời Mỹ - ngụy, nhà tù mở rộng thêm 4 trại giam. Như vậy, hệ thống nhà tù Côn Đảo có 8 trại giam chính với 127 phòng giam, 44 xà lim; riêng hệ thống biệt lập “Chuồng Cọp Pháp” và “Chuồng Cọp Mỹ” có 504 phòng. Bất chấp chế độ lao tù và sự đàn áp dã man của địch, các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước Việt Nam đã kiên cường, giữ vững khí tiết. Nhiều đồng chí đã trở thành lãnh tụ và cán bộ xuất sắc của Đảng ta như: Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh,… Với những giá trị lịch sử đặc biệt ấy, ngày 29-4-1979, Bộ VHTTDL đã ra quyết định đặc cách công nhận Khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là khu Di tích Nhà tù Côn Đảo là Di tích Quốc gia đặc biệt, với tổng diện tích bảo vệ là 110,69ha. (Theo báo cáo của BQL Di tích Côn Đảo) |
Trong đoàn tham quan hôm ấy có rất nhiều du khách trẻ. Sau khi nghe kể về cuộc sống lao tù khổ ải, những trận tra tấn, nhục hình dã man, thừa sống thiếu chết của các chiến sĩ cách mạng, nhiều bạn trẻ thầm hứa soi rọi lại mình, cố gắng học tập, làm việc chăm chỉ để không phụ công sức của các thế hệ cha anh. Em Phùng Ngọc Quang, du khách đến từ Hà Nội xúc động nói: “Trong hoàn cảnh cái chết cận kề nhưng các tù nhân chính trị vẫn giữ được khí tiết kiên trung của người chiến sĩ cộng sản khiến em rất cảm phục. Em thấy bản thân mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, học hành chăm chỉ, thành tài, sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình để không phụ lòng các chiến sĩ cách mạng đã dũng cảm đấu tranh và hy sinh để đất nước được hòa bình, độc lập và thống nhất như ngày hôm nay”.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA, THI PHONG
-------------