Phát triển du lịch chất lượng cao - những vấn đề đặt ra - Bài 3: Nghị quyết soi đường, cần hành động ngay

Thứ Sáu, 27/07/2018, 15:22 [GMT+7]
In bài này
.

Làm gì để du lịch BR-VT thu hút đông khách quốc tế, khách có khả năng chi tiêu cao và kéo dài ngày khách lưu trú, qua đó tăng tỷ lệ đóng góp trong cơ cấu kinh tế, phát triển theo hướng chất lượng cao, bền vững là điều mà lãnh đạo tỉnh, DN du lịch và các tầng lớp nhân dân trăn trở trong thời gian qua.

PHÙ HỢP XU THẾ

BR-VT cần có các dự án du lịch giải trí phức hợp để thu hút du khách quốc tế. Trong ảnh: Du khách nước ngoài dạo chợ Hòa Long (TP. Bà Rịa).
BR-VT cần có các dự án du lịch giải trí phức hợp để thu hút du khách quốc tế. Trong ảnh: Du khách nước ngoài dạo chợ Hòa Long (TP. Bà Rịa).

Phát triển du lịch chất lượng cao (DLCLC) là xu thế tất yếu sau một thời gian dài phát triển du lịch chưa có sự chọn lọc, dẫn đến hoạt động du lịch còn manh mún, thiếu đồng bộ, hơn 90% trong tổng lượng khách đến BR-VT những năm qua là khách bình dân, chi tiêu thấp.

Từ việc mổ xẻ những yếu kém nội tại của du lịch địa phương, ngày 27-12-2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển DLCLC tỉnh BR-VT giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nội dung Nghị quyết xác định: Phát triển DLCLC là định hướng chiến lược quan trọng và là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức xã hội, DN du lịch và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Việc phát triển du lịch phải theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; Phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; Phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và quốc tế, trong đó chú trọng thu hút khách cao cấp và khách quốc tế; Phát huy tốt vai trò là trung tâm du lịch của vùng, tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước, với khu vực và quốc tế.

Nghị quyết đặt mục tiêu: Tổng lượt khách đến BR-VT giai đoạn 2017 - 2020 tăng 15%/năm; riêng khách có lưu trú là 12,32 triệu lượt khách (trong đó có 3,1 triệu lượt khách quốc tế), tốc độ tăng trung bình đạt 14%/năm. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch giai đoạn 2017 - 2020 đạt 23.991 tỷ đồng (trong đó doanh thu từ dịch vụ lưu trú đạt 7.516 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 7,25%/năm). Tăng thời gian lưu trú của khách từ 1,5 ngày lên 1,8 ngày và tăng chi tiêu bình quân từ 1,5 triệu đồng/người lên 1,9 triệu đồng/người...

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP

Để phát triển DLCLC theo đúng mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU, các chuyên gia, nhà quản lý, DN du lịch đã có nhiều hiến kế:

BR-VT có 20 khách sạn từ 4 đến 5 sao đủ năng lực phục vụ khách MICE. Trong ảnh: Sự kiện lễ  ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa  Hiệp hội Du lịch tỉnh và Hiệp hội Xúc tiến Du lịch TP.Sacheon, tỉnh Gyeongsangnam-do (Hàn Quốc)  tại khách sạn Malibu TP. Vũng Tàu vào ngày 22-1-2018.
BR-VT có 20 khách sạn từ 4 đến 5 sao đủ năng lực phục vụ khách MICE. Trong ảnh: Sự kiện lễ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch tỉnh và Hiệp hội Xúc tiến Du lịch TP.Sacheon, tỉnh Gyeongsangnam-do (Hàn Quốc) tại khách sạn Malibu TP. Vũng Tàu vào ngày 22-1-2018.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch: Thu hút dự án có dịch vụ mới, lạ

Cái yếu nhất của du lịch vẫn là thiếu khu vui chơi phức hợp và sản phẩm, dịch vụ giải trí độc đáo. Sở Du lịch đã điều tra toàn bộ sản phẩm hiện có, sẽ có trong tương lai gần và nghiên cứu quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 để tính toán lại toàn bộ lượng khách, phân khúc khách đến BR-VT. Ngoài danh mục 18 dự án du lịch mời gọi đầu tư, Sở Du lịch cũng đề xuất UBND tỉnh giữ nguyên vị trí hoặc nhập các dự án nhỏ đã bị thu hồi để kêu gọi đầu tư dịch vụ ngoài ăn, ngủ như: Bảo tàng tranh 3D tại vị trí dự án KDL Bờ Biển Vàng (phường 11, TP. Vũng Tàu); KDL vui chơi giải trí phức hợp cao cấp trên cơ sở gộp dự án Khu biệt thự Sông Lô (45ha) và KDL Biển Bình Châu (43,34ha) lại; KDL Hiền Nga (15,6ha) và KDL Minh Tú (17,65ha) thu hút đầu tư khu dịch vụ vui chơi giải trí thể thao biển. 

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Nên phát triển du lịch MICE

BR-VT có 20 khách sạn 4 và 5 sao, đủ sức đáp ứng nhu cầu của khách MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, khen thưởng) quốc tế. Vấn đề còn lại là BR-VT cần một trung tâm hội nghị quốc tế đủ sức chứa 1.000-2.000 người. Khi có trung tâm hội nghị rồi, mỗi tháng chỉ cần 5 sự kiện lớn, trong đó có 1 sự kiện MICE quốc tế, cộng thêm các dòng khách nghỉ dưỡng, tàu biển thì mục tiêu đón hơn 1 triệu lượt khách về BR-VT/năm có thể đạt được.

Ở khu vực Đông Nam Á, TP. Pattaya (Thái Lan) có lịch sử và thế mạnh du lịch biển tương tự Vũng Tàu, song kết cấu hạ tầng kém xa Vũng Tàu, nhưng mỗi năm Pattaya đón hơn 500 ngàn người đến làm việc, dự sự kiện, hội nghị. BR-VT cần tham khảo cách làm du lịch MICE của Pattaya. Song song đó, BR-VT chủ động tham gia vào Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO). Hiện nay, TPO có 86 thành phố thành viên, hơn 50% khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018 từ các thành viên này. Ngoài ra, BR-VT nên thành lập CLB du lịch MICE kết nối các khách sạn 4-5 sao; quảng bá sự kiện theo năm, mùa vụ, tháng qua website; xây dựng đội ngũ nhân viên giỏi ngoại ngữ, có kỹ năng chuyên về dịch vụ MICE.   

Ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch HHDL: Thành lập tổ hiến kế phát triển du lịch

Để phát triển DLCLC, BR-VT cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, chăm chút bộ mặt đô thị, cảnh quan, mảng xanh, hệ thống vệ sinh công cộng để thu hút khách nội địa có kinh tế khá về nghỉ dưỡng. Các DN du lịch thì không ngừng tái đầu tư, tu bổ cơ sở vật chất, con người, giá cả dịch vụ bình ổn. Còn muốn tăng cơ cấu khách quốc tế, sân bay nếu được xây dựng trên địa bàn sẽ giải được bài toán này. Để huy động trí tuệ vào phát triển DLCLC, UBND tỉnh nên thành lập tổ tư vấn, hiến kế về du lịch. Nhiều hội viên Hiệp hội Du lịch, chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên trên địa bàn sẵn sàng tham gia tổ này không nhận thù lao và mong muốn mỗi tháng 1 lần được trao đổi cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh về du lịch.

Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng: Mong cơ chế ưu đãi và thông thoáng

Chúng tôi đang chuẩn bị đầu tư 6 dự án gồm: Tổ hợp du lịch DIC Star Vũng Tàu tại Mũi Nghinh Phong, Khu phức hợp Cap Saint Jacques - DIC Star, KDL - CLB Bến du thuyền Tiên Sa (88 Trần Phú, TP. Vũng Tàu), Tổ hợp sân golf resort Hồ Tràm, KDL nghỉ dưỡng An Hải - Côn Đảo và Khu công viên chủ đề tại núi Minh Đạm. Đầu tư vào du lịch vốn lớn, rủi ro cao và thu hồi vốn chậm. Do vậy, chúng tôi mong muốn Tỉnh ủy, UBND tỉnh có cơ chế thoáng, tạo động lực cho nhà đầu tư.

Ông Huỳnh Trung Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lạc Việt: Tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao

Để đưa BR-VT trở thành trung tâm DLCLC trong tương lai gần, yếu tố con người và chất lượng nguồn nhân lực du lịch mang tính quyết định. Xác định tầm quan trọng đó, công ty đã đầu tư nghiêm túc cả về cơ sở vật chất và chú trọng đặc biệt đến chất lượng nguồn nhân lực. Mỗi năm, khách sạn Imperial do công ty làm chủ đầu tư đều thuê chuyên gia nước ngoài và mời nhân sự cao cấp thuộc các tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới tham gia vận hành, đào tạo, phát triển nhân sự tại địa phương. Tuy nhiên, việc các khách sạn và resort 4-5 sao ra đời gần đây khiến chúng tôi mất dần nguồn nhân lực cao cấp, có thời điểm thiếu hơn 30% nhân sự chất lượng và phải hạn chế nhận khách để ổn định lại nguồn nhân sự.

Sau 2 năm chuẩn bị và vận hành thử theo mô hình đào tạo chuẩn quốc tế Hotel School (khách sạn trường học) với đối tác Trường ĐH Niagara New York (Mỹ), khách sạn Imperial Vũng Tàu đã sẵn sàng tuyển sinh các khóa học cử nhân thực hành Quản trị khách sạn với thời gian học 2 năm và các lớp nâng cao ngắn hạn về quản lý khách sạn ngay tại khách sạn.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

18 dự án du lịch mời gọi đầu tư

Khu vực từ Vũng Tàu đến Cửa Lấp gồm: KDL Vũng Tàu Paradise (220ha), Trung tâm hội nghị triển lãm Cửa Lấp (60ha), KDL đường 10 - Chí Linh - Cửa Lấp (25ha), KDL nghỉ dưỡng phường 10 - Vũng Tàu (5ha); Khu vực từ Long Điền-Đất Đỏ đến Xuyên Mộc gồm: Vườn thú hoang dã Safari (519ha), KDL sinh thái Bàu Bàng (113ha), KDL sinh thái nghỉ dưỡng Phước Thuận (40ha), Khu biệt thự du lịch Hồ Tràm (2,3ha), KDL sinh thái Hồ Tràm (43,9ha), KDL giải trí và nghỉ dưỡng rừng sinh thái Lộc An (168ha), KDL nghỉ dưỡng Hải Sơn (2,43ha), KDL vui chơi giải trí và thể thao Minh Đạm (20,16ha), KDL Hải Sơn - Phước Hải (2,6ha), KDL biển An Hòa - Lộc An (6,11ha), Khu nghỉ dưỡng sinh thái và nghỉ dưỡng biển Hải Hà - Long Hải (14,4ha); Khu vực TP.Bà Rịa và huyện Châu Đức: KDL Lâm viên Núi Dinh (2.400ha), KDL thác Hòa Bình - Châu Đức (224ha), Khu khách sạn-nhà hàng-trung tâm hội nghị Bàu Phước Thành - Bà Rịa (1,55ha).

 

;
.