Phát triển du lịch chất lượng cao - những vấn đề đặt ra - Bài 2: Vì sao chưa thu hút được khách cao cấp?

Thứ Năm, 26/07/2018, 18:02 [GMT+7]
In bài này
.

Sản phẩm, dịch vụ đơn điệu; nhiều dự án du lịch chất lượng cao chậm triển khai; trong khi đó tỉnh vẫn loay hoay chưa tạo được sức hấp dẫn nhà đầu tư vào dự án giải trí lớn… Những yếu tố đó khiến du lịch BR-VT chưa thu hút được dòng khách cao cấp, lưu trú dài ngày.

Hàng năm, trong tổng số khoảng 15-16 triệu lượt khách đến BR-VT, chỉ có khoảng 600 ngàn lượt khách nước ngoài. Trong ảnh: Một nhóm du khách nước ngoài dạo chơi trong công viên Bãi Trước.
Hàng năm, trong tổng số khoảng 15-16 triệu lượt khách đến BR-VT, chỉ có khoảng 600 ngàn lượt khách nước ngoài.
Trong ảnh: Một nhóm du khách nước ngoài dạo chơi trong công viên Bãi Trước.

THIẾU DỰ ÁN GIẢI TRÍ

Với lợi thế về địa hình tự nhiên để phát triển du lịch và chính sách cởi mở, năng động trong thu hút đầu tư, giai đoạn cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, BR-VT bắt đầu thu hút nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Trong giai đoạn này, các dự án du lịch đã lấp đầy hầu hết các khu quy hoạch du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều dự án có quy mô và diện tích nhỏ, chủ yếu tập trung khai thác loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển và thiếu các dự án phức hợp, mang tính giải trí, trải nghiệm quy mô lớn.

Trên thực tế, tỉnh cũng thu hút được nhiều dự án du lịch phức hợp, có diện tích hàng trăm ha, với tổng vốn đăng ký hàng tỷ USD như: KDL Vũng Tàu Paradise, Khu nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel, Vườn thú hoang dã Safari, Công viên thế giới kỳ diệu, Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế Vũng Tàu Dragon Sea… Khi được cấp phép đầu tư, các dự án này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá, đưa BR-VT lên vị trí trung tâm du lịch của Đông Nam bộ và cả nước nhưng đến nay hoặc là dự án đã bị thu hồi chủ trương đầu tư hoặc là chưa triển khai xây dựng.

Có nhiều nguyên nhân khiến các dự án “khủng” kể trên không hoặc chưa triển khai thực hiện như: Nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính, sự thay đổi trong chính sách đất đai, giá thuê đất tăng cao cộng với công tác đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho nhà đầu tư chậm đã vô tình tạo cho nhà đầu tư thêm lý do hợp lý để kéo dài thời gian thực hiện dự án. Dự án Saigon Atlantis Hotel là một ví dụ. Dự án do Công ty TNHH Winvest Investment làm chủ đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu từ năm 2006 với tổng vốn đăng ký 4,1 tỷ USD tại TP.Vũng Tàu. Dự án có tổng diện tích đất 307ha, dự kiến xây dựng nhiều hạng mục: Khách sạn, biệt thự, khu trò chơi có thưởng (casino), nhà hàng ăn uống, sân golf, bến du thuyền, bãi tắm và các công trình phụ trợ, trung tâm hội nghị quốc tế, nhà hát, rạp chiếu phim, khu hội chợ, triển lãm, trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp… Sau khi được cấp phép, chủ đầu tư đã tạm ứng 98 tỷ đồng tiền thuê đất để hỗ trợ tỉnh chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Đến tháng 11-2012, UBND tỉnh đã bàn giao cho nhà đầu tư 87ha đất sạch. Khi Nghị định số 69/2009/NĐ-CP có hiệu lực, giá thuê đất tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng, gấp 7 lần dự tính ban đầu. Nhà đầu tư viện lý do số tiền thuê đất quá lớn, phá vỡ kế hoạch tài chính dự định ban đầu và chưa nhận đủ diện tích đất sạch nên chưa triển khai dự án. Do đó, đã hàng chục năm trôi qua kể từ khi được cấp phép, dự án vẫn chỉ là khu đất trống.

Một nguyên nhân nữa là nhà đầu tư không có thực lực tài chính nên không thể đầu tư, khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất được giao, điển hình như dự án Paradise. Theo giấy phép đầu tư do Bộ KH-ĐT cấp cho Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise vào năm 1991, liên doanh này đầu tư KDL Vũng Tàu Paradise trên diện tích 220ha đất tọa lạc ở vị trí đắc địa ngay cửa ngõ vào TP.Vũng Tàu (giới hạn bởi đường Nguyễn An Ninh và 3-2) với tổng vốn 97,2 triệu USD, thời hạn dự án 25 năm. Mục tiêu dự án nhằm xây dựng khách sạn 1.500 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế 3 sao và các công trình dịch vụ tạo thành “thiên đường văn hóa, giải trí” cho du lịch Vũng Tàu như: Làng dân tộc thiểu số Việt Nam, nhà hát ca múa nhạc dân tộc, khu vui chơi trẻ em, vườn mang phong cách châu Âu, sân golf 27 lỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu thể thao dưới nước… Tuy nhiên, sau 25 năm hoạt động, chủ đầu tư mới xây dựng được sân golf 27 lỗ, khu nhà rông 54 căn với 60 phòng, công viên nước, khách sạn 38 phòng. Các hạng mục khách sạn 1.500 phòng (mới xong phần móng khu 500 phòng vào năm 1995), khu thể thao dưới nước, công viên giải trí và các công trình dịch vụ dự kiến xây dựng còn lại đã không được triển khai do thiếu vốn.

Năm 2016 dự án này hết hiệu lực hoạt động. Với mong muốn tìm nhà đầu tư có năng lực thực sự để xây dựng một dự án du lịch xứng tầm tạo điểm nhấn cho TP.Vũng Tàu nói riêng và BR-VT nói chung, từ cuối năm 2016, tỉnh BR-VT bắt tay xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào khu đất Vũng Tàu Paradise. Đến tháng 4-2018, bộ tiêu chí đã được ban hành. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào khu đất vàng này.

Bên cạnh đó, tình trạng nhà đầu tư không có năng lực nhưng giữ đất chờ thời, trong khi quy trình thủ tục, chế tài thu hồi và xử lý sau thu hồi chậm đã làm mất cơ hội cho những nhà đầu tư có năng lực đến sau, cũng là nguyên nhân khiến BR-VT vẫn chưa có được những dự án du lịch tầm cỡ như mong muốn.

Ông Lê Viết Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group (bìa phải) trong một lần khảo sát KDL Núi Dinh.
Ông Lê Viết Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group (bìa phải) trong một lần khảo sát KDL Núi Dinh.

NGƯỢC TUYẾN DU LỊCH QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM

Theo một số chuyên gia ngành du lịch, BR-VT dù có bờ biển dài nhưng chủ yếu là khai thác dịch vụ tắm biển và tổ chức các môn vận động trên cát. Nước biển luôn đục do ảnh hưởng từ các cửa sông Đồng Nai, Sài Gòn, trong khi tài nguyên từ biển để khai thác du lịch không có. Trong khi đó, vùng biển Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên có nhiều đảo nhỏ, nước trong xanh, hệ sinh thái dưới biển khai thác được dịch vụ lặn biển, ngắm san hô, du thuyền. Đi từ Hà Nội vào hay từ TP.Hồ Chí Minh ra, các tỉnh này đều nằm trên “Con đường di sản miền Trung” với nhiều danh thắng: Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình); Quần thể di tích Cố đô Huế; Thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An (Quảng Nam), rất đáng để du khách chiêm ngắm, lưu lại nghỉ dưỡng, tham quan. “BR-VT nằm ở vị trí ngã rẽ của tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung”, tài nguyên lại kém sức hút nên dù chúng tôi đã tổ chức nhiều đoàn lữ hành Nga đến khảo sát nhằm bán tour đưa khách về BR-VT trú đông, nhưng ít khách mặn mà”, ông Alper Kaya, Giám đốc quản lý hợp đồng khu vực miền Nam Pegas Touristik Việt Nam, đơn vị mỗi năm đưa hơn 500 ngàn lượt khách Nga đến Việt Nam nhận xét.

Khách quốc tế, khách có khả năng chi tiêu cao không đến, du lịch địa phương vẫn mãi quẩn quanh với khách bình dân nên không tạo động lực để thu hút nhà đầu tư, thương hiệu du lịch nổi tiếng. Thực tế đã minh chứng điều này. Một số tập đoàn lớn như: Sun Group, Vin Group, Tuần Châu, FLC… đã làm việc với tỉnh, khảo sát một số khu vực như: Bãi Trước, Bãi Dâu, Núi Dinh để tìm hiểu những khu vực có thể đầu tư dự án du lịch kết hợp bất động sản nghỉ dưỡng nhưng đến nay vẫn chỉ dừng lại ở ý tưởng mà chưa có kết quả cụ thể.

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, môi trường du lịch của BR-VT đã cải thiện nhưng thi thoảng tai tiếng làm ăn chụp giựt, hiện tượng chênh lệch giá cả ngày thường-lễ, Tết vẫn còn, khiến du khách quốc tế cảm giác không an toàn. “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao. Nếu nhận thức về ngành kinh tế du lịch chưa đầy đủ, thiếu chính sách phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; sự phối hợp liên ngành, liên vùng để phát triển du lịch còn thấp thì BR-VT sẽ mãi không có khách quốc tế, khách chi tiêu cao mà vẫn quẩn quanh với du lịch bình dân”, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhận định tại Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch vào BR-VT, được tổ chức hôm 12-7 vừa qua.

Nhiều dự án ở những vị trí đẹp chậm đầu tư trong khi DN có năng lực muốn đầu tư thì không còn quỹ đất. Gần đây, tỉnh đã thu hồi nhiều dự án chậm triển khai nhưng khâu giải quyết quyền lợi và trách nhiệm giữa nhà đầu tư cũ và mới cũng là thách thức, đòi hỏi các sở, ngành, địa phương phải nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh giải pháp xử lý hài hòa nhằm sớm đưa các quỹ đất tiềm năng vào khai thác.

(Ông Nguyễn Thiện Tuấn,
Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng) 

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA


Phát triển du lịch chất lượng cao - những vấn đề đặt ra - Bài 1: Có khởi sắc nhưng chưa tương xứng tiềm năng

Phát triển du lịch chất lượng cao - những vấn đề đặt ra - Bài 2: Vì sao chưa thu hút được khách cao cấp?

(Còn nữa)

;
.