Các ý kiến thảo luận Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa VI

Thứ Năm, 30/07/2020, 20:48 [GMT+7]
In bài này
.

Trước Kỳ họp thứ 17 (dự kiến diễn ra vào ngày 4 và 5/8/2020) các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh 6 tháng đầu năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020; thảo luận về các Tờ trình, dự thảo nghị quyết, báo cáo trình bày tại Kỳ họp thứ 17.

Đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó một số nội dung đã được trình bày trong Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh chọn lọc 44 vấn đề tập trung vào 06 nhóm lĩnh vực được các đại biểu phát biểu thảo luận, cụ thể như sau:

Chăm sóc dưa lưới được trồng áp dụng công nghệ cao tại Công ty CP Xây dựng  và phát triển đô thị tỉnh BR-VT.
Chăm sóc dưa lưới được trồng áp dụng công nghệ cao tại Công ty CP Xây dựng và phát triển đô thị tỉnh BR-VT.

I. Về nội dung của Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020

1. Một số nội dung trong báo cáo chưa được đề cập hoặc chưa cụ thể về số liệu như đánh giá việc thực hiện quy hoạch, tình hình thực thi pháp luật, xử lý các cơ sở chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, kết quả thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán… Đề nghị UBND tỉnh bổ sung thêm các nội dung đánh giá trên, đồng thời bổ sung các phụ lục kèm theo và các biểu mẫu để thuyết minh thêm.

II. Nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế

1. Theo báo cáo số 209/BC-UBND ngày 08/7/2020 của UBND tỉnh, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh 6 tháng đầu năm chỉ đạt 22,56% tổng kế hoạch vốn năm 2020, thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2019 (29,5%) và tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (33,9%). Đề nghị UBND tỉnh xác định rõ các nguyên nhân, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan, đồng thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ một cách hiệu quả để có thể hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 theo kế hoạch đã đề ra.

2. Trong thời gian qua, việc chậm ban hành các chính sách khi có thay đổi từ Trung ương đã ảnh hưởng đến việc chỉ đạo điều hành và thực hiện không kịp thời các chính sách mới; các khoản chi ngân sách do chưa kịp thời ban hành chính sách mới đã bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện, yêu cầu thu hồi. Đề nghị UBND tỉnh rút kinh nghiệm sâu sắc và tăng cường chỉ đạo các Sở, ban, ngành kịp thời tham mưu UBND tỉnh dự thảo các quy định hướng dẫn thực hiện trên địa bàn tỉnh để trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết làm cơ sở pháp lý thực hiện.

3. Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc khai thác thủy hải sản gần bờ, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, các giải pháp trên vẫn chưa được triển khai thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh sớm tổ chức sơ kết việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/07/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc hỗ trợ ngư dân hoán đổi, nâng cấp, đóng mới tàu cá, chuyển đổi ngành nghề, bảo đảm việc khai thác nguồn lợi thủy sản được hiệu quả.

4. Đề án 04-ĐA/TU ngày 28/7/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được ban hành 03 năm nhưng ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đến nay vẫn chưa có sản phẩm cụ thể, chưa có giải pháp thực hiện hiệu quả, các nhà đầu tư tư nhân vẫn chưa nhận được hỗ trợ của Nhà nước. Đề nghị UBND tỉnh cần rà soát, xác định rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của người đứng đầu các ngành được giao nhiệm vụ nhưng chưa thực hiện tốt, đồng thời tập trung tăng cường hơn nữa giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của đề án.

5. Hiện nay, việc khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khai thác đá và cát tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, còn nhiều trường hợp khai thác không phép, trái phép, sai thiết kế và nằm ngoài diện tích khai thác được cấp phép. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trên.

6. Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất chưa tốt và chưa kịp thời cập nhật, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất gây khó khăn cho người dân. Đặc biệt là việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư các cơ sở giáo dục ở những địa điểm quy hoạch không thuận lợi, không thu hút được nhà đầu tư, sau đó lại đề xuất chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách ở địa điểm quy hoạch khác thuận lợi hơn. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp khắc phục để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. 

7. Việc tổ chức đấu giá các trụ sở, các lô đất công để tạo nguồn thu ngân sách phục vụ đầu tư phát triển của tỉnh còn khá chậm, gây lãng phí trong việc sử dụng, quản lý đất đai. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành đẩy nhanh tiến độ đấu giá các khu đất công theo quy định của pháp luật, qua đó khai thác hiệu quả quỹ đất công và tạo nguồn thu cho ngân sách.

8. Hiện nay, việc quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Nhiều diện tích đất công bị người dân lấn chiếm, sử dụng bất hợp pháp nhưng không được chính quyền địa phương xử lý kịp thời, hoặc chậm xử lý. Đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện rà soát quỹ đất công hiện tại; xử lý và kiên quyết thu hồi các trường hợp lấn chiếm đất công, đồng thời xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác hiệu quả quỹ đất công trên địa bàn tỉnh.

9. Khu đất có diện tích 10,5ha thuộc xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc được UBND tỉnh giao cho huyện Xuyên Mộc quản lý thực hiện dự án Bãi tắm biển công cộng cho người dân. Tuy nhiên, trong giữa khu đất này còn 1,5ha đất (trận địa pháo Hồ Tràm) đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh sớm thống nhất với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 về việc thu hồi diện tích đất này và giao cho huyện Xuyên Mộc quản lý để sớm triển khai thực hiện dự án.

10. Cụm công nghiệp Phước Tân tại xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc đã được quy hoạch và có nhà đầu tư đăng ký thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay dự án này chưa thể triển khai do đang vướng quy định về thủ tục giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đầu tư 2014 (Luật Đất đai quy định thực hiện dự án này phải thực hiện đấu giá đất, trong khi Luật Đầu tư thì quy định là giao đất). Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc này, để dự án sớm được triển khai nhằm giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn huyện.

11. Hiện nay, việc giải quyết các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các khu đất có sự chồng lấn với đất tôn giáo, đất rừng phòng hộ, di tích văn hóa lịch sử còn chậm. Có nhiều trường hợp người dân sử dụng đất trồng rừng theo Chương trình 327 sai mục đích, sang nhượng, xây dựng trái phép…, dẫn đến phát sinh tranh chấp, khiếu nại kéo dài. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với các Sở, ngành, địa phương rà soát, thống kê, cắm mốc và thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm hoặc thu hồi các trường hợp hộ dân thực hiện không đúng việc quản lý đất trồng rừng được giao.

12. Theo phản ánh của người dân, hóa đơn tiền điện trong những tháng vừa qua tăng đột biến, mặc dù các thiết bị và thời gian sử dụng không thay đổi. Đề nghị Điện lực tỉnh chỉ đạo điện lực các địa phương công khai minh bạch việc thu tiền điện (biểu giá, điện năng tiêu thụ) để người dân có thể kiểm soát việc sử dụng điện của mình.

13. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp để khắc phục tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm tại một số nút giao thông tại TP. Vũng Tàu như vòng xoay Dầu khí; ngã ba Lê Hồng Phong-Thống Nhất mới; vòng xoay ngã năm Lê Hồng Phong-Trương Công Định-Ba Cu; ngã ba Đông Xuyên.

14. Đề nghị UBND tỉnh triển khai, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt theo lộ trình của Chính phủ, trước mắt tập trung vào lĩnh vực y tế (thanh toán viện phí) và giáo dục (thanh toán học phí).

15. Người dân trên địa bàn huyện Châu Đức kiến nghị rất nhiều về một số đường giao thông trong các ngõ xóm kết nối với đường giao thông nông thôn đã được nhà nước đầu tư, trong khi các hộ dân trong trong ngõ, xóm thường khó khăn nên rất khó vân động để làm đường. Những đoạn giao thông liên xã, liên thôn đã được đầu tư không có mương thoát nước hoặc đoạn có, đoạn không; những nơi không có mương thường nằm ở vị trí trũng, thấp; nước mưa không có mương thoát tràn vào nhà dân gây khó khăn cho đời sống người dân. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sớm xử lý, giải quyết tình trạng trên.

(Còn nữa)
;
.