KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890-19/5/2020)

Ngọn đuốc soi đường cho Cách mạng Việt Nam

Thứ Hai, 18/05/2020, 19:58 [GMT+7]
In bài này
.

Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường, dẫn dắt sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong quá trình đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Người là biểu tượng sáng ngời của phong trào giải phóng dân tộc, hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Đoàn Đại biểu Quốc hội Tiệp Khắc  bên ngôi nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, tháng 2/1960. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Đoàn Đại biểu Quốc hội Tiệp Khắc bên ngôi nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, tháng 2/1960. (Ảnh tư liệu)

Với lòng biết ơn sâu sắc, những ngày này, cả nước ta kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu, Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới (19/5/1890-19/5/2020).

SÁNG NGỜI ĐẠO ĐỨC VÀ Ý CHÍ CÁCH MẠNG

Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng cao cả và đẹp đẽ; đó là biểu tượng sáng ngời về đạo đức và ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất; về tinh thần độc lập tự chủ và bản lĩnh sáng tạo; về lòng yêu nước, thương dân tha thiết; về đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và phong cách giản dị, khiêm tốn. 

Người là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa, đẹp đẽ nhất của văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế trong sáng, rạng ngời cốt cách của một bậc vĩ nhân. Người là biểu tượng sáng ngời của phong trào giải phóng dân tộc, hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới. Tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao cả của Người là cội nguồn, gắn liền với bước phát triển và thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Ngay từ thuở thiếu thời, Người đã chọn cho mình con đường suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trên con đường cách mạng, Người đã chấp nhận mọi sự hy sinh, không quản gian nguy, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sáng suốt vạch ra con đường cách mạng đúng đắn để giải phóng dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận rõ : “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” và coi đó là lý tưởng, lẽ sống, là học thuyết chính trị, đạo đức của mình, của dân tộc Việt Nam. Từ đó, Người dấn thân vào thực tiễn đấu tranh cách mạng để mưu cầu tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam và toàn thể nhân loại. Hoài bão, ham muốn, ham muốn tột bậc của Người là làm sao cho nước nhà độc lập, dân ta được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, được học hành tiến bộ, được chăm sóc sức khoẻ, được tự do đi lại, được hưởng quyền dân chủ, có đời sống ấm no hạnh phúc. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác giáo dục lý tưởng, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách. Người căn dặn chúng ta: “Người tốt, việc tốt như hoa nở mùa xuân, nêu gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”; và “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Người đã hiến dâng trọn đời cho độc lập của Tổ quốc, tự do cho dân tộc và cho hạnh phúc của nhân dân, cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thế giới thừa nhận và tôn vinh, bởi đó là sự kết tinh những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại; là sự thống nhất giữa bản chất khoa học và cách mạng, đổi mới và phát triển; thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, dân tộc và thời đại, truyền thống và hiện đại, giữa lời nói và hành động. Tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành di sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá đối với Đảng và dân tộc ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm người dân ở Pác-Bó, Cao Bằng, năm 1961. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm người dân ở Pác-Bó, Cao Bằng, năm 1961. (Ảnh tư liệu)

BIỂU TƯỢNG CAO ĐẸP NHẤT CỦA ĐỨC KHOAN DUNG, NHÂN ÁI

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của đức khoan dung, nhân ái và thực hành lối sống nhân văn. Năm 1923, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng O.Mandemxtam lần đầu tiên tiếp xúc với Người, đã nhận xét: “Qua phong thái thanh cao và trong giọng nói đầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.

Trái tim nhân ái Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân loại: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái mà thôi, tình hữu ái là thật vô sản”. Lòng yêu nước, tình thương yêu con người nung nấu, thôi thúc khát vọng, hoài bão của Người giải phóng dân tộc, giai cấp, con người Việt Nam ra khỏi áp bức, bóc lột, bất công. Người đã làm tất cả những gì có thể cho sự nghiệp vĩ đại đó. Thật hiếm có lãnh tụ nào mà cả cuộc đời “Chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Người chia ngọt sẻ bùi cùng dân, đau với nỗi đau của dân: “Tôi yêu đồng bào ở miền Bắc cũng như yêu đồng bào ở miền Nam… Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.

Người luôn đặt niềm tin vào những giá trị vĩnh hằng chân, thiện, mỹ. Người dặn: “Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ… Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”. 

Lòng độ lượng ở Người rộng lớn chưa từng thấy: “Đối với quan lại cũ, trừ những bọn đại gian, đại ác, Chính phủ Cộng hòa ta cũng tỏ ra một lượng không để tâm moi ra những tội cũ đem làm án mới làm gì”. Người mời các cụ, thức tỉnh lương tri còn sót lại trong họ, ra giúp ích cho nước, cho dân và được đền đáp xứng đáng: Từ vua, khâm sai đại thần, thượng thư, đổng lý, tham tri, tổng đốc… của triều Nguyễn đến những người cầm đầu Việt Quốc, Việt Cách… đều kính phục, cảm ơn, hăng hái theo cách mạng, góp sức vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu thương đồng bào, đồng chí vô bờ, không bỏ sót một ai, ngay với kẻ thù khi biết hối cải, lòng Người còn rộng hơn biển cả. Đức khoan dung, lòng nhân ái Hồ Chí Minh đã quy tụ, kết hợp, phát huy tối đa sức mạnh dân tộc với thời đại, nâng dân tộc ta lên tầm cao mới. Đất nước đang chuyển mình trên con đường thực hiện “dân giàu, nước mạnh” và hướng đến “dân chủ, công bằng, văn minh”. Văn hóa khoan dung, nhân ái của Người là giá đỡ và là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc ta vươn tới mục tiêu cao cả đó.

Hơn nửa thế kỷ Người đã đi xa nhưng tên tuổi, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong lòng chúng ta. Đặc biệt, Người đã để lại cho Đảng, cho dân tộc ta một di sản tư tưởng hết sức quý báu, một tấm gương đạo đức và phong cách cách mạng sáng ngời.

HÀ NGUYỄN - HƯƠNG GIANG

 
;
.