Nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử

Thứ Tư, 12/02/2020, 15:25 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 12/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu tỉnh BR-VT.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu tỉnh BR-VT.

Tại điểm cầu tỉnh BR-VT có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh.

Năm 2019, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng gấp đôi. Hệ thống trục liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; cổng dịch vụ công Quốc gia… đã được triển khai, bước đầu phát huy hiệu quả; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện. Từ thời điểm Thủ tướng  Chính phủ nhấn nút khai trương (9/12/2019) đến nay, đã có 47.377 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; có hơn 13,7 triệu lượt truy cập; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái; 9/22 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tại BR-VT, thời gian qua, toàn tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đẩy nhanh việc triển khai chính quyền điện tử, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm gắn kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, lấy người dân, DN làm trung tâm. Công tác triển khai xây dựng chính quyền điện tử theo Nghị quyết 17/NQ-CP đã đạt được một số kết quả tích cực: từng bước hoàn thiện khung pháp lý về xây dựng Chính quyền điện tử; cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 cơ bản đáp ứng theo lộ trình của Chính phủ và của địa phương…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ: Năm 2020, tập trung mọi nguồn lực chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 17, nhất là mục tiêu 30% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, hiện nay mới đạt 10,7%. Việc hoàn thiện thể chế cần đi trước để tạo hành lang pháp lý cho CPĐT, Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2020, phải ban hành được các Nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác định xác thực điện tử, về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Nghị định thay thế về công tác văn thư, Nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân và năm 2020, chuẩn bị các bước để tiến tới sửa luật về giao dịch điện tử và luật về lưu trữ. Phải hoàn thiện các yếu tố nền tảng của CPĐT, Thủ tướng nhấn mạnh 3 mục tiêu cần phấn đấu: 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh, thành có Trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng.

Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng CPĐT phải đi liền với đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. CPĐT phải đi liền với cải cách hành chính, phải giúp giảm biên chế, tiết kiệm chi phí, “không để tình trạng chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin mà bộ máy lại phình ra, thủ tục phức tạp hơn”.

Tin, ảnh: MINH TÂM

;
.