Màu xanh trên đảo Trường Sa

Thứ Sáu, 07/06/2019, 08:22 [GMT+7]
In bài này
.

Sau những giờ huấn luyện, làm nhiệm vụ canh gác đảo, các chiến sĩ ở Trường Sa lại tích cực tăng gia: trồng rau, nuôi heo, gà… Hoạt động tăng gia không chỉ nhằm cải thiện bữa ăn nơi đầu sóng ngọn gió mà còn giúp các chiến sĩ có thêm niềm vui, vơi bớt nỗi nhớ đất liền.

Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng (trái), Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân thăm vườn rau ở đảo Tiên Nữ.
Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng (trái), Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân thăm vườn rau ở đảo Tiên Nữ.

Vượt qua những bãi đá ngầm, san hô, chúng tôi đến đảo Len Đao - đảo cực Tây của quần đảo Trường Sa vào một ngày trung tuần tháng 5. Cái nắng trưa hè giữa biển khơi như dịu hơn khi có bóng mấy cây bàng trên đảo. Đặc biệt hơn, các thành viên trong Đoàn đều tỏ vẻ ngạc nhiên, thích thú trước những vườn rau xanh mát mắt.  

Rau trên đảo Len Đao được trồng trong khay nhựa, sắp xếp gọn gàng. Bên này, những khay rau cải đang đến ngày thu hoạch. Bên kia, những khay rau muống trưởng thành xen giữa những khay rau mới nhú mầm còn non, khay mùng tơi xanh mướt… Thượng úy Lê Văn Anh, Chính trị viên đảo cho biết, Len Đao có 5 vườn rau, tổng diện tích khoảng 50m2, nếu “gói ghém” thì cũng đủ cung cấp rau xanh cho chiến sĩ mỗi ngày. “Thời tiết ở Len Đao nói riêng và các đảo trên quần đảo Trường Sa nói chung rất khắc nghiệt. Hàng năm, các đảo phải hứng chịu nhiều cơn bão và hơi mặn từ biển táp vào. Vì vậy, để có được vườn rau xanh tốt, cán bộ, chiến sĩ phải làm khung sắt, che gió; đồng thời ủ lá cây, gốc rau làm phân; nâng niu rau như con trẻ…”, Thượng úy Lê Văn Anh nói vui. Len Đao cũng giống như các đảo chìm khác thuộc quần đảo Trường Sa là không gian chật hẹp. Vì vậy, để các vườn rau phát triển tốt là sự cố gắng, chăm chút mỗi ngày của các chiến sĩ. 

Để rau phát triển, các chiến sĩ làm mái che nắng và tưới nước vào buổi sáng. Trong ảnh: Chiến sĩ Huỳnh Tấn Tài, công tác tại đảo Len Đao chăm sóc vườn rau.
Để rau phát triển, các chiến sĩ làm mái che nắng và tưới nước vào buổi sáng. Trong ảnh: Chiến sĩ Huỳnh Tấn Tài, công tác tại đảo Len Đao chăm sóc vườn rau.

Trong suốt chuyến đi, đến đảo nào, Đoàn công tác cũng bắt gặp những vườn rau. Điều thú vị ở chỗ, có những đảo, dù điều kiện thời tiết và khí hậu khắc nghiệt hơn đất liền nhưng lại có những vườn rau xanh tốt. Như trên đảo Tiên Nữ, những lá rau mùng tơi to hơn 2 bàn tay người lớn và mơn mởn đọt. 

Theo Thượng úy Lê Văn Anh, đất, cây giống được đưa từ đất liền ra đảo. Sau mỗi lần thu hoạch, các chiến sĩ lại cải tạo đất bằng cách phơi, xới, bón phân… rồi mới trồng lứa rau mới. Việc chăm sóc rau trên đảo được tiến hành rất công phu. Khi mưa gió to, cán bộ, chiến sĩ phải che đậy cẩn thận, không để nước muối từ biển theo nước mưa gây cháy lá, chết cây. Ban ngày, rau được che nắng từ 9 giờ đến 15 giờ bằng lưới rồi tháo ra, đêm xuống lại được che đậy để tránh hơi sương muối. Nước tưới rau là tận dụng từ nước sinh hoạt hằng ngày của bộ đội. 

Thiếu tá Nguyễn Văn Trung, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông chia sẻ: “Ngoài việc chăm sóc công phu theo quy trình trồng rau trên đảo, hàng năm cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông phải di chuyển vườn tăng gia từ 2 đến 3 lần theo mùa để tránh gió, tránh hơi nước biển. Bữa nào anh em không để ý, chỉ cần gặp chút hơi nước biển là rau hư ngay”.

20 năm trước, đến các đảo, điểm đảo của Trường Sa, chỉ thấy cát trắng và sỏi đá. Khi đó, đảo Trường Sa Lớn cũng chỉ có những cây phong ba mọc quanh triền đảo đã già cỗi khiến cái nắng, cái gió càng thêm khắc nghiệt. Ngày nay, Trường Sa đã đổi thay rất nhiều. Đời sống của chiến sĩ ngày càng được cải thiện, đảo ngày càng xanh mát hơn, đầy đủ hơn. Các chiến sĩ ở đảo tự tăng gia sản xuất, có rau xanh, có heo, gà, vịt… cải thiện bữa ăn, đồng thời cũng là động lực thi đua của mỗi chiến sĩ.

(Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng, Phó Tư lệnh Hải quân) 

Không chỉ trồng rau, chiến sĩ trên các đảo còn nuôi gia súc, gia cầm để có thêm thực phẩm tươi trong các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm. Trồng rau đã khó, nuôi gia cầm, gia súc trên đảo càng khó hơn, bởi chỉ cần bị “dính” hơi gió biển là đàn gia súc, gia cầm sẽ mắc bệnh và chết. Các chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm phải kín gió, nhưng vẫn bảo đảm sạch sẽ. Số lượng đàn gia súc, gia cầm phụ thuộc vào sự “mát tay” của các chiến sĩ. Có đảo, chiến sĩ chỉ nuôi được 5-10 con vịt, không thể nuôi gà, nhưng có đảo nuôi cả 3-4 con heo. Thức ăn cho vật nuôi chủ yếu là cơm thừa của bộ đội. 

Đại úy Phạm Minh Đức, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát dẫn chúng tôi tham quan chuồng nuôi có 3 con heo, 9 con vịt và gần 30 con gà. Điều đặc biệt là khi vào thăm chuồng, chúng tôi không hề thấy mùi hôi, chứng tỏ các chiến sĩ dọn vệ sinh chuồng nuôi rất sạch. 

Việc tăng gia trên đảo tuy vất vả nhưng vui, như một cách để các cán bộ, chiến sĩ giải trí, quên đi nỗi nhớ nhà. Hơn nữa, bữa ăn của bộ đội còn có thêm miếng thịt, đĩa trứng chiên và rau xanh. “Vui nhất là giữa trời nước mênh mông, tiếng gà thi nhau gáy báo thức trước bình minh khiến chúng tôi có cảm giác thân thuộc như ở làng quê trong đất liền. Nhìn những chậu rau xanh, con gà, con vịt mỗi ngày một lớn, tinh thần chúng tôi cũng chộn rộn”, Trung úy Nguyễn Văn Hòa, ở đảo Đá Lát vừa nhặt trứng gà vào rổ, vừa tâm sự.  

Bài, ảnh: MINH THANH

;
.