Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Sớm hoàn thiện thể chế, các văn bản thực thi CPTPP

Thứ Năm, 06/06/2019, 18:02 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 6/6, sau khi trình bày báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng và giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến các nội dung: ngoại giao văn hóa góp phần quảng bá du lịch; giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển bền vững; hành động của Việt Nam trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung; phát huy các cơ hội trong triển khai các hiệp định thương mại tự do...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về thái độ ứng xử và hành động của Việt Nam trước việc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung ngày một khắc nghiệt, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá, nếu cuộc chiến này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu (đang tăng từ 3,5% xuống còn 3,2%). Đối với một nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam, bất cứ một tác động nào của kinh tế, thương mại thế giới cũng sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, thành lập Ban Chỉ đạo để ứng phó với vấn đề này.

Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) về giải pháp phát huy hiệu quả từ các cơ hội to lớn của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để bảo vệ quyền, lợi ích dân tộc, đất nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Việt Nam tham gia Hiệp định cùng với 11 thành viên. Ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam ngày 14/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định để thực hiện CPTPP, trong đó xác định nhiệm vụ triển khai các cam kết hiệp định này và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định. 

“Đến nay, 21 bộ, ngành và 54 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện CPTPP. Chính phủ đang xây dựng, sửa đổi bổ sung 8 luật có liên quan đến việc thực hiện của chúng ta trong cam kết Hiệp định CPTPP, 4 nghị định quy định chi tiết việc thực hiện một số điều của Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Quản lý ngoại thương và an toàn thực phẩm. Bước đầu, trong 4-5 tháng việc thực hiện CPTPP, thương mại của chúng ta với một số nước là thành viên của CPTPP đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái. Ví dụ, với Canada tăng trên 70%, Mexico trên 80%...”, Phó Thủ tướng cho biết. 

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ một số vướng mắc trong thực hiện các FTA. Trước hết, do đây là FTA thế hệ mới, có các tiêu chuẩn cao; ngay cả trong lĩnh vực dệt may - lĩnh vực Việt Nam có nhiều thế mạnh thì cũng có quy định rất chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa. Muốn tận dụng về thuế giảm về không hoặc thấp của ngành dệt may, Việt Nam phải bảo đảm xuất xứ hàng hóa. Đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Phó Thủ tướng nhận định, Việt Nam đang phải đối phó với hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ để hưởng các ưu đãi của các FTA, trong đó có CPTPP. Cùng với đó, tranh chấp về đầu tư trong các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP, có những điều khoản cho phép doanh nghiệp đầu tư khởi kiện Chính phủ. Đây là một thách thức, đòi hỏi phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Trong điều kiện đó, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, các văn bản thực thi CPTPP. Khi CPTPP có hiệu lực, khoảng 66 mặt hàng của Việt Nam có mức thuế giảm xuống còn 0%. Đây cũng là thách thức khi hàng hóa nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Điều này đòi hỏi việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. 

Tại phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng... đã tham gia giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu.

Phát biểu bế mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: Mặc dù thời gian chất vấn và trả lời chất vấn có giảm hơn so với các kỳ họp trước (hai ngày rưỡi) nhưng số lượng các đại biểu Quốc hội tham gia và khối lượng câu hỏi chất vấn lại tăng lên. Điều đó cho thấy, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tiếp tục được cải tiến và vẫn luôn là một nội dung trọng tâm của kỳ họp, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. 

Nhận định về kết quả phiên chất vấn tại kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Các nội dung chất vấn rất trúng và đúng những vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội mà nhân dân và cử tri cả nước cũng như các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Nhiều đại biểu Quốc hội đã tranh luận, làm rõ thêm vấn đề quan tâm, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế với mong muốn Chính phủ các bộ, ngành tiếp tục có những giải pháp phù hợp để khắc phục. 

“Trên cơ sở chất vấn và trả lời của các thành viên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu chuẩn bị nghị quyết để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri và nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

THU PHƯƠNG

 
;
.