Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Đại biểu đồng tình với việc phát hành hộ chiếu điện tử

Thứ Tư, 12/06/2019, 17:04 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 12/6, Quốc hội làm việc tại hội trường. Các đại biểu nghe báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao, bỏ phiếu kín phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao; thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. 

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu ý kiến về dự án Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Ảnh: DOÃN TẤN
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu ý kiến về dự án Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Ảnh: DOÃN TẤN

Đánh giá cao dự thảo Luật đã có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) đóng góp ý kiến về vấn đề giải thích khái niệm hộ chiếu có gắn chíp điện tử. Theo đại biểu, hộ chiếu có gắn chíp điện tử là dạng hộ chiếu truyền thống có gắn chíp điện tử. Chíp điện tử ngoài lưu trữ thông tin cá nhân như họ tên, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, giới tính… còn lưu trữ thông tin sinh trắc học để xác nhận danh tính của người sử dụng hộ chiếu như nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng dấu vân tay. Đại biểu Vũ Thị Nguyệt đề nghị bổ sung Điều 2 trong dự thảo Luật, giải thích, làm rõ cụm từ “hộ chiếu có gắn chíp điện tử”, bởi đây là khái niệm mới chưa được quy định trong văn bản pháp luật hiện hành. 

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng, hiện nay đã có trên 120 quốc gia sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử. Tại khu vực Đông Nam Á chỉ còn Việt Nam và Myanmar chưa sản xuất và sử dụng hộ chiếu điện tử. Khẳng định sử dụng hộ chiếu điện tử là xu thế toàn cầu được Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế khuyến khích, đại biểu Hà Thị Lan nhấn mạnh, nội dung quy định về hộ chiếu điện tử và kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động trong dự thảo Luật là cần thiết, góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc sản xuất, phát hành loại hộ chiếu này, đồng thời nâng tầm giá trị của cuốn hộ chiếu Việt Nam và áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc kiểm soát xuất nhập cảnh. Ngoài ra, việc phát hành hộ chiếu điện tử là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm tăng cường, bảo đảm an ninh, an toàn; có thể sử dụng thay thế giấy tờ tùy thân. 

Về nội dung cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, Tờ trình của Chính phủ nêu 2 nhóm ý kiến gắn với 2 phương án trong dự thảo Luật, gồm: Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị quy định mang tính nguyên tắc chung cho cả đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và giao Chính phủ quy định chi tiết. Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị quy định cụ thể, tách bạch đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và cơ quan, người có thẩm quyền cử, cho phép, quyết định.

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đã được quy định cụ thể bởi Nghị định của Chính phủ và được thực hiện ổn định trong thời gian qua, đủ điều kiện để đưa vào quy định cụ thể trong Luật. Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với nhóm ý kiến thứ hai gắn với Phương án 1 của dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị rà soát kỹ lưỡng Phương án 1 để quy định bảo đảm đầy đủ, sát thực tiễn, chặt chẽ về kỹ thuật văn bản, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình với nhóm ý kiến thứ hai gắn với Phương án 1 của dự thảo Luật. 

Tại phiên thảo luận về dự án dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã tham gia giải trình, làm rõ thêm ý kiến đại biểu Quốc hội nêu. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành là sự cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam trong những năm qua. Dự án Luật này được xây dựng theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng mong muốn thời gian tới, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan và nhân dân tiếp tục quan tâm, cho ý kiến với dự án Luật. 

HIỀN HẠNH 

;
.