Nên hoàn thiện chính sách để xã hội hóa y tế hiệu quả

Thứ Ba, 27/08/2019, 18:02 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ Y tế vừa có buổi gặp mặt báo chí nhằm cung cấp thông tin về việc ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập. Ở thông tư này, mức giá giường bệnh có thể được xây dựng lên tới 4 triệu đồng/ngày. Đây không phải chủ trương mới, tuy nhiên hiện nhiều chính sách liên quan vẫn chưa được hoàn thiện dẫn đến dịch vụ này còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai. 

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Thông tư hướng dẫn Giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, KCB theo yêu cầu. Đây không phải là Thông tư ban hành, quy định mức giá mà chỉ hướng dẫn xây dựng giá. Các đơn vị phải tự xây dựng, ban hành nhiều mức giá theo khả năng cung cấp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Người có thẻ BHYT đi KCB theo quy định của pháp luật về BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ KCB theo yêu cầu thì thực hiện mức giá do Bộ Y tế quy định trong thanh toán BHYT và mức giá do UBND cấp tỉnh quy định.

Trên thực tế, từ nhiều năm qua, trước thực trạng ngân sách dành cho y tế bị cắt giảm, bệnh viện quá tải, chính phủ mở cửa cho các bệnh viện bằng chủ trương cho phép thực hiện xã hội hóa (XHH) và mô hình y tế công tư kết hợp. Mô hình này bước đầu được ghi nhận là có hiệu quả, đáp ứng phần nào nhu cầu của một bộ phận người dân. Nhiều người muốn nhanh chóng, tiện lợi trong KCB đã đăng ký dịch vụ này mỗi khi có nhu cầu. 

Đánh giá về vai trò của XHH, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế khẳng định, cái lợi đầu tiên của công tác XHH là cho phép thu hút các nguồn lực từ ngoài nhà nước tham gia vận hành, quản lý và duy trì hoạt động của hệ thống y tế công. Đặc biệt, trong sự tham gia này, chủ yếu là nguồn lực của tư nhân. Hình thức tư nhân đặt máy, bệnh viện “chi” phòng ốc đang hiện hữu ở các bệnh viện hiện nay. 

Bên cạnh những lợi điểm của XHH bệnh viện công, nhiều ý kiến cho rằng, cũng không ít bất cập, khi chủ trương này có thể tạo ra sự không công bằng, phân biệt ngay trong môi trường bệnh viện đối với bệnh nhân đăng ký KCB dịch vụ và không dịch vụ. Có thể tạo sự lạm dụng kỹ thuật nhằm trục lợi khiến cho bệnh nhân phải chịu gánh nặng về chi phí. Chưa kể, tâm lý phục vụ của nhân viên y tế cũng khác nhau giữa công và tư, dẫn đến những tác động không tốt về mặt y đức, thái độ phục vụ. 

Ở BR-VT, chủ trương XHH y tế đã được thực hiện từ lâu nay, tuy nhiên, chỉ ở mức độ cơ bản, ban đầu, với việc tổ chức khu dịch vụ giường bệnh cho bệnh nhân và thân nhân (Bệnh viện Lê Lợi và Bệnh viện Bà Rịa); kêu gọi đầu tư các máy móc, thiết bị kỹ thuật cao vào bệnh viện, triển khai bàn khám theo yêu cầu… Tuy mới bước đầu nhưng đã phần nào giúp nâng cao chất lượng, giảm tải ở một số bộ phận và tạo điều kiện cho bệnh viện triển khai một số kỹ thuật mà nếu chờ sự đầu tư của nhà nước sẽ mất rất nhiều thời gian. Qua sự đầu tư XHH, nhân viên y tế còn được cải thiện phần nào thu nhập. 

Phải thừa nhận rằng, chủ trương XHH y tế công là đúng đắn, là xu hướng tất yếu để các bệnh viện phát triển trong điều kiện ngân sách khó khăn. Nhưng, để XHH y tế không nửa vời và giảm thiểu các hạn chế, bất cập, rất cần có các giải pháp và góc nhìn thực tế hơn về dịch vụ KCB theo yêu cầu. Cần phải coi y tế là một dịch vụ mà ở đó người sử dụng dịch vụ y tế được quyền trả tiền để hưởng thụ đúng chất lượng của dịch vụ đó, chứ không hạn hẹp ở dịch vụ theo yêu cầu. Ở đây bệnh nhân thực sự là “khách hàng”, bệnh viện là chủ thể cung cấp “món hàng” KCB và các dịch vụ khác có liên quan trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy, bệnh nhân được quyền biết rõ chất lượng của món hàng đó có ngang bằng với số tiền mình bỏ ra hay không. Bộ Y tế, các cơ quan chủ quản cần điều chỉnh để có chính sách quản lý phù hợp, không để xảy ra tình trạng “trục lợi” từ chủ trương XHH và không tạo sự chênh lệch quá lớn trong hưởng thụ dịch vụ y tế đối với cộng đồng ngay trong một môi trường bệnh viện. Cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động liên doanh, liên kết theo hình thức đối tác công tư bởi đến thời điểm này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chủ quản. Việc hoàn thiện chính sách nhằm bảo đảm dù hoạt động theo hình thức nào thì bệnh viện công vẫn phải đảm nhiệm chức năng điều trị dự phòng, phục vụ người nghèo, người có BHYT, người được hưởng các chế độ chăm sóc y tế… 

THẢO TRẦN

 
;
.