Kiện đòi quyền sử dụng sau 19 năm mua bán bằng giấy tay

Thứ Ba, 28/05/2019, 19:12 [GMT+7]
In bài này
.

Gửi thư đến Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, bà Nguyễn Thị Cẩm (ấp Tân Hiệp, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) phản ảnh: Đất do vợ chồng bà khai hoang (đã được cấp giấy CNQSD đất) và cho vợ chồng em gái mượn canh tác 20 năm để trừ nợ đã vay. Tuy nhiên, sau 19 năm canh tác trên đất này, người em rể mới khởi kiện bà Cẩm để yêu cầu giao đất đã “mua” của bà.

Trên thửa đất 8.048m2 tranh chấp quyền sử dụng với bà Nguyễn Thị Cẩm, ông Đỗ Ngọc Huân đã trồng cao su và thu hoạch được 5 năm.
Trên thửa đất 8.048m2 tranh chấp quyền sử dụng với bà Nguyễn Thị Cẩm, ông Đỗ Ngọc Huân đã trồng cao su và thu hoạch được 5 năm.

Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Cẩm, trước năm 1999, bà cùng chồng là ông Nguyễn Văn Ly khai phá nhiều diện tích đất tại địa bàn xã Long Tân, huyện Long Đất (nay là huyện Đất Đỏ). Năm 2001, bà Cẩm cùng chồng tiến hành đăng ký quyền sử dụng đất đối với nhiều thửa đất của gia đình bà và được UBND huyện Đất Đỏ cấp giấy CNQSDĐ. Trong đó, có thửa 177 diện tích khoảng hơn 9.000m2 (đo đạc thực tế ghi trong giấy CNQSD đất là 8.048m2) tại ấp Tân Hiệp, xã Long Tân, huyện Long Đất. Năm 2013, vợ chồng bà Cẩm được UBND huyện Đất Đỏ cấp đổi giấy CNQSDĐ, đồng thời tiến hành tách thửa lô đất 177 nêu trên.

Trước đó năm 1997, thấy vợ chồng người em gái là bà Nguyễn Thị Thạnh và ông Đỗ Ngọc Huân chưa có nhà ở, nên vợ chồng bà Cẩm cho vào ở chung nhà. Từ năm 1997-1999, bà Cẩm đã nhiều lần vay tiền của vợ chồng bà Thạnh, ông Huân với tổng số tiền vay mượn lên tới 20 triệu đồng. Do đó, vợ chồng bà Cẩm cho vợ chồng em gái thuê đất canh tác và thu hoạch hoa lợi tại thửa đất 177 để trừ nợ trong vòng 20 năm, giá thuê đất 1 triệu đồng/năm. Theo thỏa thuận, sau 20 năm, vợ chồng ông Huân phải trả lại đất cho bà Cẩm. Do là anh em thân thiết trong gia đình, nên việc cho thuê đất trừ nợ này không lập biên bản mà chỉ là thỏa thuận miệng với nhau. Lúc cho thuê đất, bà Cẩm chưa được cấp giấy CNQSD đất.

Biên bản bán đất ngày 28-8-1999 chỉ có chữ ký của ông Đỗ Ngọc Huân và bà Nguyễn Thị Cẩm, không có chữ ký của chồng bà Cẩm là ông Nguyễn Văn Ly.
Biên bản bán đất ngày 28-8-1999 chỉ có chữ ký của ông Đỗ Ngọc Huân và bà Nguyễn Thị Cẩm, không có chữ ký của chồng bà Cẩm là ông Nguyễn Văn Ly.

Đến khuya 28-8-1999, sau khi đi làm ở cây xăng về, ông Huân có đưa cho bà Cẩm một biên bản do ông Huân viết tay, nói rằng giấy cho thuê đất trừ nợ và yêu cầu bà Cẩm ký tên vào. Do tin tưởng em rể, đồng thời do trời tối vì thời điểm đó khu vực này chưa có đèn điện, nét chữ nhỏ, giấy và mực lem nhem nên bà Cẩm đã ký tên vào mà không tự mình đọc nội dung văn bản (chỉ nghe ông Huân đọc). Sau này xảy ra tranh chấp, bà Cẩm mới biết đó là biên bản bán đất chứ không phải giấy thuê đất trừ nợ. Đáng chú ý, trong biên bản này có đóng con dấu của Cửa hàng xăng dầu số 3, thuộc Công ty Dịch vụ vật tư và sơn Vũng Tàu là nơi ông Huân làm việc. “Việc bán đất cho ông Huân là không hề có. Nếu đã bán đất, tại sao trong thời gian vợ chồng tôi làm thủ tục kê khai và đứng tên quyền sử dụng đất, vợ chồng ông Huân không hề đòi sang tên đổi chủ như nội dung mua bán ngày 28-8-1999, mà phải đợi đến khi chồng tôi mất vào tháng 4-2015 thì ông Huân mới khởi kiện ra tòa?”, bà Cẩm đặt vấn đề.

Liên quan tới vụ án này, luật sư Đào Đức Ngũ (TP.Bà Rịa) - người bảo vệ quyền lợi của bà Nguyễn Thị Cẩm, cho rằng: Quá trình cấp và cấp đổi giấy CNQSD đất cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Ly và bà Nguyễn Thị Cẩm đã được cơ quan chức năng thẩm tra, đo đạc, xem xét kỹ theo đúng quy định pháp luật. Biên bản bán đất do ông Huân viết tay năm 1999 chỉ có chữ ký của bà Cẩm, không có chữ ký của chồng bà là ông Nguyễn Văn Ly; ông Huân đã sử dụng con dấu của doanh nghiệp để đóng tên mình vào tờ biên bản bán đất và dùng giấy này làm căn cứ khởi kiện là không phù hợp pháp luật. Trong biên bản bán đất ngày 28-8-1999, ông Huân ghi là sẽ trả 40 chỉ vàng 24k cho bà Cẩm để mua đất, nhưng trong quá trình tố tụng thì ông Huân, bà Thạnh không xuất trình được giấy tờ chứng minh ông Ly, bà Cẩm đã nhận số vàng này. Ông Huân chỉ khởi kiện sau khi ông Ly chết, các con bà Cẩm đã chuyển quyền sử dụng dụng đất cho riêng bà Cẩm là biểu hiện cơ hội. Yêu cầu của ông Huân cùng các chứng cứ ông Huân trình bày trong quá trình giải quyết tranh chấp đều trái với các quy định pháp luật của Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình cả ở thời điểm năm 1999 và hiện nay.


Theo trình bày của ông Đỗ Ngọc Huân: Năm 1997, vợ chồng ông có nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Nguyễn Văn Ly và bà Nguyễn Thị Cẩm diện tích đất 9.200m2 tại ấp Tân Hiệp, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ với giá 40 chỉ vàng 24k. Giữa 2 bên tự giao đất và không lập giấy mua bán. Đến ngày 28-8-1999, 2 bên làm biên bản bán đất, không có chứng thực chỉ có chữ ký của bên bán là bà Nguyễn Thị Cẩm và bên mua là ông Đỗ Ngọc Huân. Sau khi vợ chồng bà Cẩm được cấp giấy CNQSD đất, ông Huân nhiều lần yêu cầu bà Cẩm đưa giấy CNQSD đất để sang tên cho mình, nhưng bà Cẩm cứ hẹn mà không thực hiện. Vì vậy, ông Huân đã khởi kiện bà Cẩm đến TAND để yêu cầu giải quyết “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

Tại Bản án sơ thẩm số 23/2018/DS-ST ngày 20-11-2018 của TAND huyện Đất Đỏ và Bản án phúc thẩm số 37/2019/DS-PT ngày 24-4-2019 của TAND tỉnh BR-VT đều tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu của ông Đỗ Ngọc Huân và vợ là bà Nguyễn Thị Thạnh được quyền sử dụng diện tích đất 8.048m2 tại thửa 177, tờ bản đồ số 6, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ do bà Nguyễn Thị Cẩm hiện đang đứng tên trong giấy CNQSD đất; buộc bà Cẩm bàn giao giấy CNQSD đất của thửa đất trên cho ông Đỗ Ngọc Huân và bà Nguyễn Thị Thạnh để làm thủ tục về quyền sử dụng đất theo quy định.

Cho rằng TAND 2 cấp chưa xem xét thấu đáo hết các chứng cứ, tình tiết, lời khai nhân chứng của vụ án nên đưa ra phán quyết bất lợi cho mình, bà Nguyễn Thị Cẩm đã làm đơn kháng cáo Bản án phúc thẩm số 37/2019/DS-PT của TAND tỉnh BR-VT theo thủ tục giám đốc thẩm. Đơn kháng cáo đã được VKSND Cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh tiếp nhận ngày 14-5-2019 và đang xử lý theo quy định pháp luật.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

;
.