BẠN ĐỌC VIẾT:

Chớ để "sập bẫy" tín dụng đen

Thứ Sáu, 10/08/2018, 18:11 [GMT+7]
In bài này
.

Chị H., sống cạnh nhà tôi, lỡ vay 100 triệu đồng của đối tượng cho vay dán quảng cáo trên cột điện. Do tiền lãi quá cao (2%/ngày), nên sau khi trả lãi được một thời gian, chị H. không còn khả năng trả nợ, phải trốn đi nơi khác.

Các tờ bướm chào mời “cho vay trả góp” được dán khắp nơi trên đường phố (ảnh minh họa)
Các tờ bướm chào mời “cho vay trả góp” được dán khắp nơi trên đường phố (ảnh minh họa)

Nhóm người cho vay không tìm được chị H. đã quay sang khủng bố, đòi tiền của gia đình chị. Họ hăm dọa, tạt nước sơn, đổ mắm tôm, nhớt, ném đá vào cửa nhà, khiến các thành viên của gia đình hoảng sợ dù họ không liên quan tới việc vay tiền của chị H.

Thỉnh thoảng, sau những trận khủng bố tinh thần, tôi lại thấy bà mẹ già của chị H., ngày nào cũng đợi nhóm người cho vay đi rồi mới lặng lẽ ra cạo sơn, lau mắm tôm, nhớt... Việc đòi nợ của các đối tượng nói trên còn ảnh hưởng đến tình hình ANTT trong khu dân cư. Quá mệt mỏi vì bị khủng bố, gia đình chị H., bán căn nhà nhỏ để trả nợ thay cho chị H. và chuyển đi nơi khác sinh sống.

Hiện nay, rất nhiều người vì gặp khó khăn về tài chính đã phải vay tiền của các đối tượng cho vay trả góp với lãi suất cắt cổ - theo cách gọi dân dã là “tín dụng đen”. Các đối tượng cho vay tiền “nóng” cũng quảng cáo công khai bằng tờ rơi dán khắp các địa điểm công cộng, mời chào hấp dẫn: Thủ tục đơn giản, giải ngân trong ngày, chỉ cần bản photo CMND, hộ khẩu...

Khi mọi việc thuận lợi (người vay trả gốc và lãi đúng hạn), người cho vay không mấy khi giở trò khủng bố tinh thần người vay. Tuy nhiên với mức lãi suất từ 25-40% tháng, hầu hết người vay chỉ trong một thời gian ngắn đã không thể kham nổi tiền lãi, và đó cũng là lúc người vay bị sập bẫy: xiết xe, xiết nhà, cưỡng đoạt tài sản có giá trị từ các đối tượng cho vay.

Hoạt động cho vay như trên cho thấy có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính, mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất bóc lột của hành vi này thể hiện ở chỗ người cho vay thực hiện cho vay lãi nặng với nhiều người, nhiều lần, lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc cho vay làm nguồn thu nhập chính.

Trong đời sống xã hội, quan hệ vay - cho vay tài sản là chuyện bình thường, phổ biến bằng nhiều hình thức. Nhưng cho vay với lãi suất cao gấp hàng chục, hàng trăm lần so với lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng là vi phạm pháp luật. Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay”. Đây là căn cứ để cơ quan chức năng xử lý nghiêm hoạt động cho vay nặng lãi mang tính bóc lột, chuyên nghiệp khi được người dân trình báo, tố cáo. Những người cho vay rất ngang nhiên khi đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, nên việc phát hiện cũng dễ dàng nếu lực lượng công an phối hợp theo dõi, giám sát chặt chẽ trên từng địa bàn dân cư, tránh tình trạng người dân bị chèn ép, vay ít trả nhiều, sập bẫy tín dụng đen từ dịch vụ cho vay trả góp với lãi suất cắt cổ vẫn đang diễn ra hiện nay.

NGUYỄN VŨ

 

;
.