TÔN VINH CÁC LỰC LƯỢNG THAM GIA PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19

Chiến sĩ áo trắng ngày, đêm "chiến đấu" với COVID-19

Chủ Nhật, 01/05/2022, 17:02 [GMT+7]
In bài này
.

Trong đợt dịch COVID-19, toàn tỉnh có 966 y bác sĩ tham gia công tác điều trị COVID-19. Phải chấp nhận xa gia đình, làm việc trong môi trường đầy áp lực, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, nhưng những "chiến sĩ áo trắng" vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả - chữa bệnh cứu người.

Các y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu, Cơ sở 4 - BV Vũng Tàu. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG
Các y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu, Cơ sở 4 - BV Vũng Tàu. Ảnh: BẢO KHÁNH

 Trải lòng chuyện chưa kể

Giai đoạn cao điểm của dịch bệnh COVID-19, công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 được phân làm 3 tầng từ mức độ nhẹ, trung bình, nặng; đồng thời thành lập Trung tâm hồi sức cấp cứu (TTHSCC) để cứu chữa bệnh nhân nguy kịch.  Mỗi môi trường làm việc đều có mức độ áp lực và những khó khăn khác nhau, nhưng ở TTHSCC là nơi bác sĩ phải chịu nhiều áp lực nhất khi hằng ngày, từng phút, từng giây đối diện với “lằn ranh sinh tử” của bệnh nhân.

Trong cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19, y bác sĩ hồi sức cấp cứu đã làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí là trắng đêm không ngủ. Bác sĩ Ngô Quang Tú, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện (BV) Bà Rịa là một trong số đó. Từ tháng 7/2021, bác sĩ đã tham gia điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch tại các cơ sở điều trị COVID-19 từ TTYT huyện Long Điền cho đến cơ sở 4 BV Vũng Tàu. “Chúng tôi phải thay nhau theo dõi bệnh nhân liên tục 24/24 giờ. Khi bệnh nhân có những cải thiện về chỉ số oxy trong máu, cả ê kíp chúng tôi mới vơi bớt phần nào sự lo âu, căng thẳng”, bác sĩ Tú chia sẻ.

Nhớ lại những ngày đầu đầy gian nan khi điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch, bác sĩ Ngô Quang Tú cho hay, lúc đó TTYT Long Điền không có phòng hồi sức. Do đó, mọi thứ đều phải chuẩn bị gấp rút để tổ chức ngay một phòng hồi sức. Từ giường bệnh, máy móc, thiết bị y tế cho đến thuốc men đều được nhanh chóng vận chuyển từ BV Bà Rịa qua. 2 bệnh nhân nặng đầu tiên đã được hồi sức thành công và được chuyển về tầng theo dõi bệnh thường. Sau đó, tiếp tục xuất hiện 4 trường hợp chuyển biến rất nặng. Cả ê kíp tiếp tục lao vào làm việc không ngừng nghỉ...

“Dù thường xuyên phải cấp cứu những ca bệnh nguy kịch nhưng với COVID-19, mọi thứ còn quá mới mẻ! Thời gian đầu, chúng tôi chưa có kinh nghiệm nhất là bệnh lại diễn tiến quá nhanh, những quyết định điều trị phải được đưa ra nhanh chóng, kịp thời. Vì vậy, chúng tôi khá áp lực, đầu óc luôn trong trạng thái “căng như dây đàn”. Dưới sự trợ giúp của bác sĩ BV tuyến trên, hội chẩn của khoa, chúng tôi đã có những quyết định điều trị đúng và kịp thời”, bác sĩ Tú nói.

Bác sĩ Ngô Thanh Trà, BV Vũng Tàu vừa ra trường được 2 năm thì cô được phân công nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 từ những ngày đầu cơ sở 4 điều trị COVID-19- BV Vũng Tàu mới đi vào hoạt động. Giữa thời điểm dịch bệnh đang nóng bỏng, Trà đã miệt mài cống hiến sức mình để chăm sóc, cứu chữa cho những bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại đây. Trà thổ lộ: “Mỗi khi có bệnh nhân trở nặng là lúc tôi cảm thấy nhiều áp lực nhất bởi bệnh COVID-19 chuyển biến rất nhanh và nguy hiểm. Cả ngày lẫn đêm tôi cùng các đồng nghiệp phải liên tục theo sát các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân”.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho một trường hợp trẻ sơ sinh nhiễm COVID-19 điều trị tại Cơ sở 4 - BV Vũng Tàu
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho một trường hợp trẻ sơ sinh nhiễm COVID-19 điều trị tại Cơ sở 4 - BV Vũng Tàu. Ảnh: BẢO KHÁNH

Bác sĩ Trần Thị Hồng Huệ, từng tham gia công tác điều trị COVID-19 tại cơ sở 4- BV Vũng Tàu nhớ lại ngày đầu tiên tiếp nhận điều trị cho 1 trường hợp bé sơ sinh bị nhiễm COVID-19: “Ngày bé nhập viện, sốt rất cao, dương tính với SARS-CoV-2. Chúng tôi thực sự vô cùng lo lắng. Ngày thứ 2 sau khi nhập viện, bé sốt liên tục. Ngày thứ 5, bé suy hô hấp, nhiễm trùng máu. Áp lực đè nặng với ê kíp vì cháu bé có thể ra đi bất cứ lúc nào”.

“Chúng tôi gấp rút hội chẩn để đưa ra quyết định điều trị. Lúc đó là nửa đêm. Mọi thứ phải rất khẩn trương. Máy móc, thiết bị cần thiết nhanh chóng được vận chuyển từ BV Vũng Tàu qua. Việc hỗ trợ thở máy được áp dụng. Chúng tôi cũng quyết định sử dụng kháng sinh, kháng viêm, và truyền máu. Việc lấy ven cho bé thật sự khó khăn. Sau khi lấy ven thành công, phải dùng kim luồn truyền dịch cho trẻ sơ sinh. Chúng tôi đã làm tất cả, với một suy nghĩ duy nhất là tìm mọi cách để cứu sống bé…”, bác sĩ Huệ nhớ lại.

Mỗi bệnh nhân khỏe lên là niềm vui, động lực

Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Cơ sở 4 - BV Vũng Tàu xuất viện lên xe trở về nhà.
Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Cơ sở 4 - BV Vũng Tàu xuất viện lên xe trở về nhà. Ảnh: NGUYỄN THI

Vượt qua những khó khăn ban đầu đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế đã nỗ lực hết mình thực hiện tốt công tác điều trị, đồng thời là chỗ dựa cho bệnh nhân. Chia sẻ về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng ở cơ sở 4- BV Vũng Tàu, bác sĩ Lâm Tuấn Tú, Phó Giám đốc BV Vũng Tàu cho hay: “Những ca bệnh nặng phải thở máy xâm lấn, thường có tỷ lệ tử vong rất cao, trên 50%, có những trường hợp lên tới 90%. Khi chúng tôi điều trị thành công cho những ca này thực sự là thành quả quan trọng mà các bác sĩ đã nỗ lực đạt được, là niềm vui, niềm động viên rất lớn cho chúng tôi. Thế nhưng, cũng không tránh khỏi có những trường hợp trở nặng hơn, bệnh nhân không qua khỏi khiến chúng tôi cảm thấy buồn và trăn trở”.

Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, toàn tỉnh có 30 cơ sở điều trị COVID-19, huy động 966 y bác sĩ tham gia trực tiếp tại khu điều trị.

Là một trong những đơn vị lao vào mọi mặt trận điều trị, truy vết, tiêm vắc xin, chi viện cơ sở điều trị COVID-19 trong những ngày dịch nóng bỏng, bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc BV Bà Rịa chia sẻ: “Áp lực trong điều trị với đội ngũ y bác sĩ rất lớn nhưng tất cả đều nỗ lực vượt qua để cứu chữa bệnh nhân với mong muốn là được nhìn thấy họ khỏe mạnh xuất viện. Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế của chúng tôi đã cùng vượt qua được đoạn khắc nghiệt, đỉnh điểm của dịch bệnh”.

MINH THIÊN

;
.