Tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động

Thứ Ba, 13/05/2025, 16:51 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 13/5, hội thảo "Công đoàn tham gia nhận diện, đánh giá nguy cơ, rủi ro và chủ động đề xuất các giải pháp bảo vệ an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ)" đã được Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (CSPL và QHLĐ) - Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo.
Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Thách thức lớn về an toàn lao động

Phát biểu tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến công tác ATVSLĐ. Trong đó, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Tổng LĐLĐ Việt Nam - với vai trò là tổ chức đại diện lớn nhất của người lao động đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và cải thiện điều kiện ATVSLĐ tại các DN, cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, tình hình ATVSLĐ ở nhiều nơi vẫn còn diễn biến phức tạp.

“Tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người vẫn xảy ra, bệnh nghề nghiệp vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn; gây ra những tổn thất to lớn về người và của, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và an sinh xã hội. Nguyên nhân chủ yếu đến từ ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động còn hạn chế, điều kiện làm việc tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại. Đặc biệt là sự lơ là, thiếu chủ động, năng lực hạn chế trong việc nhận diện, đánh giá và phòng ngừa rủi ro tại cơ sở”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Theo ông ông Ngọ Duy Hiểu, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, lực lượng lao động ngày càng lớn mạnh. Đi kèm với sự phát triển đó là những thách thức không nhỏ về môi trường làm việc, nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Thực tế này đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt và những hành động quyết liệt, đồng bộ từ tất cả các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng trong công tác ATVSLĐ nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của hàng triệu người lao động Việt Nam.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2025 đến nay số vụ, số người bị thương, số người chết đều tăng so với so với năm 2024. Cụ thể, số người bị tai nạn tăng 1.062 người, số người chết tăng 54 người...

Theo ông Hà Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ Việt Nam, đây là cảnh báo đỏ mà mỗi cơ quan, cá nhân chúng ta đều phải đau lòng và suy nghĩ để tìm ra nguyên nhân, giải pháp để ngăn ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp.

Công đoàn tìm giải pháp để nhận diện rủi ro, xây dựng môi trường làm việc an toàn. Trong ảnh: Công nhân một DN may tại KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu trong giờ sản xuất.
Công đoàn tìm giải pháp để nhận diện rủi ro, xây dựng môi trường làm việc an toàn. Trong ảnh: Công nhân một DN may tại KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu trong giờ sản xuất.

Loại bỏ các nguy cơ để xây dựng môi trường làm việc an toàn hơn

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào khía cạnh then chốt trong công tác ATVSLĐ là “nhận diện, đánh giá nguy cơ, rủi ro và chủ động đề xuất các giải pháp”. Đây là bước nền tảng quan trọng để xây dựng một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh.

“Nếu không thể nhận diện đầy đủ và đánh giá chính xác các nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn, chúng ta sẽ không thể có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Mỗi cán bộ Công đoàn, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, nhạy bén, sáng tạo trong công việc, nâng cao vai trò trách nhiệm của tổ chức công đoàn các cấp trong công tác nhận diện, đánh giá nguy cơ, rủi ro, tạo thành bức tường thành vững chắc bảo vệ sức khỏe, tính mạng NLĐ”, ông Ngọ Duy Hiểu nói thêm.

Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng ban Nghiệp vụ LĐLĐ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng không thể bỏ qua vai trò của từng người lao động trong hoạt động ATVSLĐ tại DN, bởi đây là đối tượng làm việc trực tiếp, đối diện trực tiếp với các nguy cơ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Và cho rằng, nếu đánh giá tốt sẽ xác định được các nguyên nhân xảy ra TNLĐ, và nếu không có nguyên nhân sẽ không xảy ra tai nạn. “Chẳng hạn, nếu không khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, có khả năng sẽ bố trí NLĐ làm việc không phù hợp với sức khỏe, từ đó cũng có khả năng làm xảy ra TNLĐ”, ông Ngạn nêu ví dụ.

Đại diện Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp (LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh) cho biết, qua theo dõi đánh giá, nhận thấy TNLĐ thường xảy ra ở các DN nhỏ nhiều hơn so với ở các DN lớn có trên 1.000 lao động. Kiểm tra thực tiễn cho thấy, nguyên nhân chủ yếu một số DN, nhất là DN vừa và nhỏ, còn xem nhẹ công tác ATVSLĐ và còn đối phó hồ sơ khi có đoàn kiểm tra. Nguồn lực của CĐCS còn hạn chế, cán bộ CĐCS chỉ kiêm nhiệm, còn nặng về hoạt động chuyên môn, chưa đủ kỹ năng chuyên sâu để nhận diện và đánh giá đầy đủ các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, từ đó không thể giám sát chặt chẽ được công tác an toàn tại đơn vị...

“Qua đó, chúng tôi nhận thấy ở các DN dưới 100 lao động, công tác ATVSLĐ thường khá lỏng lẻo, chủ yếu là giao cho công nhân có kinh nghiệm hướng dẫn. Đồng thời, kỹ năng sơ cấp cứu tại chỗ khi có TNLĐ của đội ngũ an toàn vệ sinh viên còn khá yếu; ít thực hành kỹ năng thường xuyên... nên cần phải tăng cường đào tạo trong thời gian tới”, đại diện Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp góp ý.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.