Bà Rịa-Vũng Tàu đang tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân cách thức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (phân loại rác tại nguồn) nhằm từng bước nâng cao ý thức, thay đổi thói quen cho người dân.
![]() |
Người dân phường 7 (TP.Vũng Tàu) thực hiện phân loại rác nguy hại ngay tại nguồn. |
Nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn
Ông Phạm Quốc Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn bắt buộc thực hiện đồng bộ trên cả nước từ ngày 1/1/2025. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ngoài tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, nhiều địa phương cũng triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn.
Đơn cử, tại TP.Bà Rịa, UBND thành phố đã trang bị thùng chứa chất thải rắn sinh hoạt (6 cái/phường, xã); thực hiện mô hình ngôi nhà xanh, ngôi nhà pin, phát hành tờ rơi, pano, áp phích, triển khai lễ phát động tuyên truyền thực hiện… Ngoài ra, để chuẩn bị cho lộ trình tiến đến phân loại rác tại nguồn toàn dân, thành phố đã thí điểm thu gom rác vô cơ vào thứ Bảy hàng tuần tại phường Phước Trung.
“Thành phố sẽ tiếp tục đánh giá lại quá trình thực hiện để có phương án thực hiện quyết liệt với các tuyến đường đã và đang triển khai thí điểm với mục tiêu phân loại rác tại nguồn phải đi vào thực tế, hiệu quả từ đó làm cơ sở nhân rộng khắp địa bàn”, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa cho biết.
Tính đến hết tháng 3/2025, kết quả thực hiện phân loại rác tại nguồn trong toàn tỉnh đạt tỷ lệ khoảng 46%. Riêng huyện Long Đất đạt tỷ lệ khoảng 80% (cao nhất toàn tỉnh). |
Trong khi đó, các địa phương khác như: Long Đất, Châu Đức, Xuyên Mộc, TP.Vũng Tàu, TP.Phú Mỹ… cũng thực hiện nhiều giải pháp để giúp người dân biết cách phân loại rác tại nguồn. Ông Phạm Quốc Huy, Phó Phòng TN-MT TP.Vũng Tàu cho biết, thành phố đã thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn từ năm 2020 tại 2 trường tiểu học và thôn 1, xã Long Sơn, sau đó nhân rộng đến nhiều địa bàn khác.
Đến nay, người dân, HS tại một số trường học, trung tâm thương mại và siêu thị đã tham gia hưởng ứng tích cực. Một bộ phận người dân đã hiểu và thực hiện khi được tiếp cận kiến thức tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn. Nhiều phường, xã có tỷ lệ phân loại rác tại nguồn rất cao như phường 7 đạt 71,19%, phường Thắng Tam đạt 73%. Ngoài ra, TP.Vũng Tàu còn thực hiện thành công nhiều mô hình hay về phân loại rác tại nguồn.
![]() |
Huyện Côn Đảo đã thực hiện thu gom rác sau khi phân loại theo từng ngày. |
Cần giải pháp thiết thực hơn
Ông Phạm Quốc Đăng cho biết, hiện nay, mạng lưới thu gom chất thải tái chế do chương trình phân loại rác tại nguồn còn gặp nhiều vướng mắc. Do đó, để thực hiện thành công, hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn, cần có những biện pháp quyết liệt để huy động mọi nguồn lực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền, tác động về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn và nguy cơ xảy ra nếu không phân loại để người dân hiểu cũng như thực hiện.
Ông Đăng cho rằng cần quản lý hiệu quả từ đơn vị thu gom, vận chuyển cho đến xử lý. Cụ thể, yêu cầu đơn vị thu gom bố trí lịch thu gom rác nên chia ngày thu gom trong tuần theo từng loại rác để thuận tiện cho đơn vị thu gom, nhất là những đơn vị chưa trang bị phương tiện thu gom đúng chuẩn. Bộ phận thu gom rác có quyền từ chối thu gom nếu người dân, lực lượng rác dân lập không được phân loại và chuyển giao đúng loại rác theo lịch trình quy định. “Cách làm này mới tránh được tình trạng tuyên truyền phân loại nhưng khi thu gom thì lại trộn chung rác, gây mất lòng tin đối với người dân”, ông Đăng nói.
Song song đó, tỉnh cũng đang tiếp tục đồng bộ hạ tầng tiếp nhận rác phân loại; đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác công nghệ cao, đốt và phát điện. “Khi việc phân loại rác đã đi vào nề nếp, hạ tầng thu gom và xử lý rác đã ổn định thì phân loại rác tại nguồn sẽ trở nên dễ dàng, thuận tiện và triệt để hơn”, ông Đăng khẳng định.
Bài, ảnh: QUANG VŨ