Những người hùng thầm lặng bên bờ biển

Thứ Ba, 13/05/2025, 16:19 [GMT+7]
In bài này
.

Chung tay xây dựng hình ảnh du lịch Vũng Tàu an toàn, thân thiện, lực lượng cứu hộ thuộc Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch thành phố đã không ngừng nỗ lực, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, du khách khi vui chơi, tắm biển.

Lực lượng cứu hộ túc trực tại các bãi biển, bảo đảm cho người dân, du khách vui chơi, tắm biển an toàn.
Lực lượng cứu hộ túc trực tại bãi biển, bảo đảm cho người dân, du khách vui chơi, tắm biển an toàn.

Cứu người gặp nạn

18 giờ 11 phút, ngày 1/5, trong khi trực cứu hộ, cứu nạn tại khu vực Bãi Sau, TP.Vũng Tàu, hai cứu hộ viên Huỳnh Lê Thế Vũ, Nguyễn Văn Nhi (thuộc Công ty TNHH Tâm Hoàng Thiên, Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch thành phố) nhận thấy có hai du khách tắm biển bị sóng cuốn xa bờ, có dấu hiệu đuối nước.

Các cứu hộ viên nhanh chóng điều khiển mô tô trượt nước, khẩn trương đến vị trí người bị nạn. Sóng to, gió lớn, tầm nhìn lại hạn chế do trời đã xế chiều, nhưng các anh đã không quản ngại hiểm nguy nhảy xuống biển cứu người. Vượt qua những cơn sóng va đập liên hồi, gió thổi mạnh cùng dòng nước chảy siết, các cứu hộ viên đã đưa người bị nạn vào bờ sơ, cấp cứu kịp thời.

Thở phào sau tình huống nguy kịch, cứu hộ viên Nguyễn Văn Nhi cho biết: Những trường hợp như thế này xảy ra như cơm bữa. Có trường hợp do sóng to, gió lớn cuốn người xa bờ. Cũng có trường hợp bị chuột rút hoặc lọt ao xoáy khi vui chơi, tắm biển… Thời gian vàng để cứu sống người bị nạn chỉ từ 3-5 phút, lượng người tắm biển đông, chúng tôi phải tận dụng từng giây phút quý giá để kịp thời phát hiện và cứu người.

“Khoảnh khắc mỗi du khách, người dân gặp nạn được cứu sống, anh em cứu hộ cảm thấy vui mừng khôn siết như chính người thân của mình vừa thoát khỏi cửa tử vậy”, cứu hộ viên Nguyễn Văn Nhi bày tỏ.

Hàng năm, Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch TP.Vũng Tàu đã tiếp nhận thông tin, cấp cứu thành công hàng trăm trường hợp. Người bị nạn được hỗ trợ y tế đúng lúc, giúp hạn chế tối đa những hậu quả đáng tiếc.

Hạnh phúc khi làm nghề cứu người

Đã có nhiều năm gắn bó với nghề cứu hộ, cứu hộ viên, tài công lái mô tô trượt nước Nguyễn Văn Huyến chia sẻ: Năm 2003 anh vào TP.Vũng Tàu lập nghiệp và gắn bó với công việc cứu hộ đã hơn 20 năm. Cùng với công tác ứng trực 100% quân số tại các bãi tắm, anh em cứu hộ viên còn thể hiện kinh nghiệm của mình thông qua việc nhận biết từng đợt sóng, con nước, dòng chảy, chiều gió… để cắm cờ đen và cảnh báo người dân, du khách tránh xa ao xoáy nguy hiểm.

“Người gắn bó với công việc cứu hộ ít thì 2 đến 5 năm, có người đã hàng chục năm. Khó khăn, vất vả là thế nhưng chúng tôi luôn yêu nghề, cảm thấy vừa là trách nhiệm vừa là vinh dự, hạnh phúc mỗi khi cứu sống được người bị nạn thoát cửa tử”, cứu hộ viên Nguyễn Văn Huyến bày tỏ.

Ông Phạm Khắc Tộ, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch TP.Vũng Tàu cho biết trung tâm có 26 nhân viên cứu hộ. Ngoài phân công 100% nhân viên túc trực tại các bãi tắm, trung tâm còn bố trí phương tiện hiện đại như mô tô trượt nước, thuyền kayak, xuồng cao tốc để sẵn sàng cho các tình huống xấu có thể xảy ra. Đồng thời, trung tâm đã triển khai phương án căng dây phao khoanh vùng, nhắc nhở du khách vui chơi, tắm biển tại khu vực an toàn; chú trọng công tác cứu hộ trên bờ đối với những người cao tuổi, trẻ nhỏ, người gặp sự cố về sức khỏe hay bị lạc người thân khi vui chơi, tắm biển.

“Xác định yếu tố con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác cấp cứu thủy nạn, hàng năm trung tâm tổ chức nhiều lớp huấn luyện nâng cao nghiệp vụ chuyên ngành cấp cứu thủy nạn, huấn luyện thể lực, huấn luyện bơi cho lực lượng cứu hộ. Lực lượng cứu hộ đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, bảo đảm tốt công tác cấp cứu thủy nạn, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, du khách khi đến với thành phố biển Vũng Tàu”, ông Phạm Khắc Tộ nói.

Bài, ảnh: BẢO KHÁNH

;
.