Năm 2025 trùng với chu kỳ của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). Do đó, số ca mắc bắt đầu gia tăng từ những tháng đầu năm và tiếp tục diễn biến phức tạp vào mùa mưa. Các địa phương đang tăng cường các biện pháp ngăn chặn sự lây lan, bùng phát SXH trong cộng đồng.
![]() |
Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Châu Đức giám sát công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại từng hộ gia đình. |
Nhiều giải pháp phòng, chống
Từ đầu năm đến giữa tháng 5/2025, toàn tỉnh có gần 600 ca mắc SXH. Huyện Châu Đức trở thành “điểm nóng” của tỉnh, dẫn đầu về số ca mắc, với 180 trường hợp, trong đó có 1 ca tử vong do SXH. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do trên địa bàn có một số khu vực cây cối rậm rạp; nhiều lô cao su; công tác bảo vệ môi trường ở khu dân cư chưa bảo đảm. Đây chính là những yếu tố thuận lợi giúp muỗi sinh sôi, phát triển và gây bệnh cho người dân.
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh SXH, Trung tâm Y tế huyện Châu Đức tăng cường công tác giám sát, điều tra chỉ số côn trùng, lăng quăng. Qua đó, đánh giá tình hình bệnh SXH một cách kịp thời, để có biện pháp phòng chống hiệu quả. Trung tâm còn tổ chức phun hóa chất, xử lý ổ dịch. Ngành y tế huyện Châu Đức phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể ở xã và thôn, ấp đẩy mạnh tuyên truyền người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Nhờ đó, ý thức của người dân được nâng lên. Nhà chị Nguyễn Thị Nhi (KP.Kim Giao, TT.Ngãi Giao) ở sát lô cao su. Muỗi hay bay vào nhà vào buổi chiều tối. Nhà có 2 con nhỏ nên chị lo ngại muỗi đốt các con, gây bệnh SXH. “Tôi biết sự nguy hiểm của bệnh SXH. Vì thế, gia đình tôi nuôi cá diệt lăng quăng, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, ban đêm ngủ mùng, bôi kem chống muỗi để phòng bệnh SXH”, chị Nhi cho hay.
Ông Đỗ Chí Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức nhận định, thời điểm này đã bước vào mùa mưa, khả năng dịch bệnh SXH sẽ lây lan nhanh và có nhiều ổ dịch trong cộng đồng. Huyện giao ngành y tế thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh, tham mưu UBND huyện triển khai các biện pháp phòng, chống SXH kịp thời. Đồng thời giao trách nhiệm cho từng ban, ngành, đoàn thể và từng khu phố, thôn, ấp tham gia vào công tác phòng, chống SXH, không để dịch bệnh bùng phát tại địa bàn.
Số ca mắc SXH trong gần 5 tháng qua tăng hơn 92% so với cùng kỳ năm 2024. Năm 2025 trùng vào chu kỳ của dịch. Đây là một yếu tố nguy cơ, cảnh báo về khả năng dịch bệnh SXH lan rộng. |
Trách nhiệm của cộng đồng
Cùng với huyện Châu Đức, TP.Phú Mỹ (hơn 120 ca) và TP.Vũng Tàu (hơn 165 ca) là 2 địa bàn có số ca mắc SXH tăng cao. 2 địa phương này cũng đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh SXH. Trong ngày 20/5, các xã, phường trên địa bàn đã huy động nhiều lực lượng như đoàn viên, thanh viên, hội phụ nữ, lực lượng vũ trang, khu phố, thôn ấp và người dân tham gia dọn vệ sinh, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh, bảo vệ môi trường tại các khu dân cư.
Nhân viên các trạm y tế, cùng các khu phố, thôn, ấp đến từng hộ gia đình tuyên truyền, phát tờ rơi, hướng dẫn người dân phòng, chống SXH, loại bỏ vật dụng phế thải có thể chứa nước; cọ rửa sạch sẽ các dụng cụ chứa nước, lật úp những vật dụng không còn sử dụng, không cần thiết; đậy kín chum vại, thả cá vào bể cá cảnh, thay nước bình hoa thường xuyên. Đây là những việc đơn giản nhưng mang giúp ngăn ngừa muỗi sinh sôi, hạn chế mắc bệnh SXH.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, SXH lây lan qua muỗi vằn. Trong khi muỗi vằn được sinh sôi từ những con lăng quăng. Vì vậy, để tiêu diệt mầm mống gây bệnh, phải thường xuyên dịệt lăng quăng. Thời gian qua, công tác phòng, chống SXH được các cấp, các ngành và người dân nỗ lực triển khai, nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lưu hành quanh năm. Song bệnh thường xuất hiện chủ yếu vào mùa mưa, khoảng thời gian từ tháng 5-11 hàng năm. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, gây biến chứng khó lường, đe dọa sức khỏe người dân. Vì thế, công tác phòng, chống SXH không chỉ riêng của ngành y tế, mà cần sự chung tay của mỗi gia đình, người dân và cộng đồng.
Mỗi tuần, mỗi người dân chỉ cần dành 15 phút để làm sạch nhà cửa, thu gom phế thải, tạo môi trường sống trong lành, không cho muỗi trú ngụ… là những giải pháp đơn giản, nhưng mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH. “Người dân tự giác thực hiện việc phòng chống sẽ góp phần xây dựng môi trường sống không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có SXH”, bác sĩ Nguyễn Văn Thái nói thêm.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG