Vết thương nhỏ, mối nguy lớn
Những vết thương nhỏ tưởng vô hại khiến nhiều người chủ quan không vệ sinh, sát khuẩn sạch sẽ, không tiêm phòng. Đây chính là nguyên nhân để vi khuẩn uốn ván xâm nhập, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, thậm chí cướp đi tính mạng của người bệnh.
![]() |
Phụ nữ có thai, vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập trong lúc sinh nở, gây nguy hiểm cho mẹ lẫn con. Vì vậy, đối tượng này cần phải tiêm vắc xin phòng ngừa uốn ván. Ảnh mang tính minh họa. |
Tử vong do uốn ván
Đầu tháng 4/2025, trên địa bàn tỉnh ghi nhận một nạn nhân tử vong do uốn ván. Đó là ông N.V.H. (51 tuổi, ngụ xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức). Theo người nhà ông H., hơn một tuần trước khi phát bệnh, bệnh nhân đi làm phụ hồ và bị cây sắt đâm vào cẳng chân trái. Cũng giống như những lần bị thương trước, dù được người nhà khuyên bảo, ông vẫn không đi tiêm vắc xin ngừa uốn ván.
Khi thấy ông sốt cao, co giật, gồng cứng người và tay chân, người nhà đưa ông đến Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu. Bàn chân trái của bệnh nhân cũng có vết thương sưng và chảy mủ. Người bệnh được dùng thuốc an thần giãn cơ nhưng không hiệu quả. Tình trạng bệnh diễn tiến nặng, gây khó thở, bác sĩ cho mở khí quản, thở máy và tiếp tục dùng thuốc an thần giãn cơ, chăm sóc dinh dưỡng song vẫn không cứu sống được bệnh nhân. Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa chẩn đoán người bệnh mắc uốn ván toàn thể, lại được đưa vào viện trễ, vi khuẩn uốn ván đã xâm nhập vào nhiều bộ phận cơ thể nên bệnh trở nặng nhanh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phi, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, trung bình mỗi năm khoa tiếp nhận 5-6 ca uốn ván. Hầu hết các trường hợp này có vết thương do tai nạn khi làm việc, tai nạn giao thông. Người bệnh chủ quan, cho rằng các vết thương nhỏ, không gây nguy hại đến sức khỏe. Do vậy, các vết thương không được xử lý, vệ sinh sạch sẽ, không đến khám các cơ sở y tế. Khi thấy dấu hiệu bệnh nặng thì họ mới vào viện. Điều này không chỉ nguy hiểm đến tính mạng mà còn gây tốn kém chi phí và thời gian điều trị. Nếu điều trị khỏi vẫn dễ để lại các di chứng, ảnh hưởng nặng nề sức khỏe người bệnh như suy kiệt các cơ, đi lại khó khăn… Đối với ca bệnh không phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, khả năng tử vong rất cao như trường hợp ông H. nêu trên.
Khi bị vết thương, người dân cần phải sát trùng, vệ sinh nơi khu vực bị thương sạch sẽ, đồng thời đến khám tại bệnh viện để được bác sĩ hướng xử lý kịp thời, chích vắc xin hoặc huyết thanh ngừa uốn ván. Khi về nhà, bệnh nhân cần tiếp tục giữ gìn, chăm sóc vệ sinh vết thương và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người bị thương cần loại bỏ suy nghĩ vết thương nhỏ, cạn thì không cần đi khám, uống thuốc hay chích ngừa. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh cũng cần tiêm vắc xin phòng ngừa uốn ván. Đây đang là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. (Bác sĩ Nguyễn Văn Phi, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bà Rịa) |
Tiêm vắc xin phòng ngừa uốn ván
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phi, uốn ván là một bệnh cấp tính nặng, do độc tố của vi khuẩn uốn ván có tên clostridium tetani gây ra. Đây là trực khuẩn gram dương, kỵ khí bắt buộc, sinh nha bào và gây bệnh bằng ngoại độc tố. Loại vi khuẩn này được tìm thấy chủ yếu trong đất, tồn tại dưới 2 dạng là nha bào khi ở ngoài môi trường và dạng hoạt động khi xâm nhập vào cơ thể thông qua mọi loại vết thương, không phân biệt kích thước, mức độ nặng nhẹ. Ngoại độc tố này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, làm tổn thương não và hệ thần kinh trung ương dẫn đến cứng cơ, có thể gây tử vong.
Uốn ván được chia thành 2 thể. Uốn ván toàn thể là thể bệnh phổ biến nhất. Triệu chứng của uốn ván toàn thể là nhiều cơ bị căng cứng, xuất hiện những cơn co giật trong vòng 7 ngày từ khi vi khuẩn xâm nhập. Các cơ bị ảnh hưởng thường ở hàm, cổ, vai, lưng, bụng trên, tay và đùi, mặt. Người bệnh mắc thể uốn ván này được đánh giá ở mức độ bệnh nặng. Đặc biệt, những đối tượng như người lớn tuổi, có bệnh lý nền nếu mắc uốn ván toàn thể thì nguy cơ tử vong lên đến 90%. Thể thứ hai là uốn ván cục bộ, có triệu chứng xuất hiện ở các cơ gần vết thương. Thể này không phổ biến, tỷ lệ tử vong ở mức thấp. Tuy nhiên, uốn ván cục bộ cũng có thể xem là dấu hiệu cảnh báo trước của uốn ván toàn thể.
Ngoài 2 thể nói trên, còn có uốn ván sơ sinh do quá trình cắt và chăm sóc rốn không bảo đảm vệ sinh. Vì thế, nha bào vi khuẩn xâm nhập qua dây rốn. Đáng lo ngại, tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc uốn ván có khả năng tử vong chiếm tới 99%.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM