Tháng ăn 0 đồng - Giúp chị em tự lực vươn lên

Thứ Sáu, 04/04/2025, 16:12 [GMT+7]
In bài này
.

Thay vì hàng tháng tặng quà cho hội viên, người già khó khăn, Hội LHPN TT.Đất Đỏ (huyện Long Đất) đã khích lệ họ sử dụng các điều kiện có sẵn trong gia đình để trồng trọt, chăn nuôi. Sau khi thu hoạch, chị em dùng sản phẩm làm ra được đổi các nhu yếu phẩm cần thiết. Đó là cách thức hoạt động của mô hình “Tháng ăn 0 đồng” do Hội LHPN TT. Đất Đỏ thực hiện từ tháng 4/2024 đến nay.

Người khó khăn được đổi các mặt hàng thiết yếu tại “Tháng ăn 0 đồng” vừa được Hội LHPN TT.Đất Đỏ (huyện Long Đất) tổ chức hồi tháng 3/2025.
Người khó khăn được đổi các mặt hàng thiết yếu tại “Tháng ăn 0 đồng” vừa được Hội LHPN TT.Đất Đỏ (huyện Long Đất) tổ chức hồi tháng 3/2025.

Đổi rau trồng lấy nhu yếu phẩm

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (tổ 8, KP. Hiệp Hòa) có tới 6 đứa con. Thu nhập của gia đình hoàn toàn dựa vào nghề làm thợ đá hoa cương của người chồng. Tuy nhiên, thu nhập từ công việc này không đều, bấp bênh. Chị Hiếu lại không có việc làm.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của chị Hiếu, Hội LHPN TT.Đất Đỏ đã động viên chị Hiếu tận dụng mảnh đất trong vườn trồng thêm rau lang, rau cải, mồng tơi, cà tím. Sản phẩm thu hoạch được, chị vừa cải thiện bữa ăn cho gia đình, vừa gửi tham gia mô hình “Tháng ăn 0 đồng”. Qua đó, hàng tháng, chị nhận lại các nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình.

“Tôi tự lao động bằng chính công sức của mình, tạo ra sản phẩm rau xanh nên mỗi khi đem đổi nhu yếu phẩm cũng cảm thấy đỡ ngại. Tôi có động lực, cố gắng trồng nhiều rau hơn để góp phần tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình”, chị Hiếu nói.

Cũng như chị Hiếu, tham gia chương trình “Tháng ăn 0 đồng”, chị em phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn đều đã nhận được nhu yếu phẩm cho gia đình mình bằng việc đổi các sản phẩm mà họ tự trồng trọt, chăn nuôi như: bắp, rau cải, mồng tơi, bầu bí, dưa leo, trứng gà…

Mỗi khi chương trình diễn ra đều giống như một phiên chợ đặc biệt dành cho người yếu thế. Chị em trò chuyện rôm rả, gương mặt tươi vui, phấn khởi bởi công sức lao động đã có thành quả. Những mặt hàng được đổi đều cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của gia đình hội viên.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Theo Hội LHPN TT.Đất Đỏ, trước đây, mô hình “Tháng ăn 0 đồng” chỉ áp dụng cho người lớn. Nhưng từ tháng 3/2024, Hội LHPN TT.Đất Đỏ quyết định mở rộng đối tượng được thụ hưởng đến với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Theo đó, Hội vận động trẻ em tích góp, thu gom phế liệu tại gia đình hoặc trong cộng đồng. Mỗi tháng, các em sẽ dùng phế liệu để đổi các mặt hàng lương thực, thực phẩm, dụng cụ học tập. Đây được đánh giá là giải pháp hỗ trợ trẻ em phù hợp, vừa bảo vệ, làm sạch môi trường, vừa tạo ra giá trị lao động. Qua đó, giúp mỗi trẻ em nghèo vượt khó vươn lên bằng những việc làm nhỏ, phù hợp với khả năng của các em.

Bà Bùi Thị Kim Thủy, Chủ tịch Hội LHPN TT. Đất Đỏ cho biết, qua khảo sát, trên địa bàn có hơn 300 hộ khó khăn có sức khỏe và điều kiện lao động, sản xuất. Ban đầu, Hội chỉ thí điểm 120 gia đình. Phần lớn những hộ tham gia mô hình được Hội hỗ trợ hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật, nhưng phải tự làm đất, trồng và chăm sóc các loại rau trên diện tích đất của gia đình. Trường hợp còn lại không có đất trồng trọt, nhưng cần cù, chịu khó lao động mưu sinh bằng nhiều công việc như: bán vé số, hái lá me, bóc vỏ hạt điều…Thông qua mô hình, giúp chị em phát huy nội lực, tích cực lao động bằng những việc làm phù hợp với khả năng, nguồn lực của chính mình để vươn lên thoát nghèo, tạo sinh kế mới cho gia đình.

Từ khi thực hiện mô hình “Tháng ăn 0 đồng” đến nay, Hội LHPN TT. Đất Đỏ đã hỗ trợ cho hơn 1.430 trường hợp khó khăn, trị giá hơn 900 triệu đồng.

Qua gần một năm triển khai, mô hình “Tháng ăn 0 đồng” đã lan tỏa sâu rộng giá trị vừa trao yêu thương, gắn kết cộng đồng, vừa tạo cơ hội tự lực cánh sinh cho hội viên phụ nữ. Chính nhờ ý nghĩa của mô hình, nên từ khi thực hiện đến nay, Hội LHPN TT.Đất Đỏ đã nhận được sự đồng hành của 40-50 cá nhân, tổ chức ủng hộ các loại lương thực, thực phẩm. Ở những tháng đầu tiên, Hội chỉ giúp đỡ khoảng 90 trường hợp, nhưng đến nay đã nâng lên từ 150-200 người/tháng. Trung bình mỗi tháng, Hội LHPN TT.Đất Đỏ tổ chức 1-2 lần “Tháng ăn 0 đồng”. Dự kiến thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng quy mô của mô hình, tăng số lượng tổ chức “Tháng ăn 0 đồng” lên tuần/lần.

“Chúng tôi thực hiện mô hình này với mong muốn truyền đi thông điệp, dù hoàn cảnh gia đình chị em, hội viên phụ nữ khó khăn nhưng có tính tự giác, chịu khó lao động vẫn có thể vươn lên nghịch cảnh. Khi tạo ra được sản phẩm, giúp chị em tự tin hơn, giảm gánh nặng phụ thuộc vào sự giúp đỡ của cộng đồng”, bà Bùi Thị Kim Thủy chia sẻ thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.