Sự phát triển vượt bậc của công nghệ số và mạng xã hội (MXH) đã giúp cuộc sống con người thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt, giúp việc liên hệ và kết nối ngày càng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi nó len lỏi vào từng gia đình, việc lướt mạng, giao tiếp online trở thành thói quen của nhiều thành viên thì mối quan hệ, tình cảm gia đình trở nên lỏng lẻo, thậm chí bị “ngắt” kết nối.
![]() |
Chỉ khi thật sự dành thời gian cho nhau và luôn có sự đồng cảm, san sẻ thì hạnh phúc gia đình mới gắn kết, bền vững. |
Gia đình thời 4.0
Việc sử dụng MXH đã trở thành thói quen của nhiều người. Ngoài sử dụng MXH phục vụ cho công việc thì không ít người sử dụng MXH để chơi game, tán gẫu. Đáng lo ngại, MXH đã bùng nổ và “tấn công” vào các gia đình, dẫn đến tình trạng phổ biến là nhiều người ăn, ngủ cùng MXH, điều này làm gia tăng các mối quan hệ, hạnh phúc ảo.
Chị Minh Tâm (phường Long Toàn, TP.Bà Rịa) kể, trước đây, sau bữa ăn tối là thời điểm các thành viên của ba thế hệ trong gia đình chị lại quây quần uống nước, xem tivi và kể cho nhau nghe những việc làm, những câu chuyện đã diễn ra trong ngày. Đây là khoảng thời gian quý giá khiến cả nhà cảm thấy hạnh phúc nhất. Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện của nhiều năm về trước. Còn hiện tại, mọi thứ đã đổi thay và khác đi rất nhiều. Hai con của chị cứ về đến nhà là chui vào phòng riêng, ba mẹ không biết là các cháu đang học hay đang chơi. Thi thoảng vào kiểm tra đột xuất thì chúng bảo ba mẹ không tôn trọng quyền riêng tư. Ở cùng nhà mà nhiều khi ba mẹ phải “kết nối” với bọn trẻ bằng tin nhắn, điện thoại thay vì trực tiếp nói chuyện với chúng.
Không riêng gì gia đình chị Tâm, trên thực tế, hầu hết các gia đình hiện đại ngày nay đều đang bị các thiết bị công nghệ chiếm hữu nhiều thời gian. Sau bữa cơm, phần con trẻ thì lao nhanh vào phòng với đủ trò tiêu khiển của mình như nghe nhạc, chơi game, chat với bạn bè, say mê các MXH như Facebook, TikTok. Phần cha mẹ thì cuốn vào guồng mưu sinh, họp hành online, giao tiếp với đối tác, hoặc đọc báo tìm kiếm thông tin, hoặc chìm đắm trong các trang MXH.
Theo báo cáo của Digital Việt Nam 2024, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng internet và MXH. Cụ thể, tính đến đầu năm 2024, có 78,44 triệu người sử dụng internet, tỉ lệ tiếp cận internet đạt 79,1%. Việt Nam cũng là quốc gia có đến 72,70 triệu người sử dụng MXH, tương đương với 73,3% tổng dân số. Trong số đó có 7% thuộc độ tuổi từ 13 đến 17 và gần 10% thuộc độ tuổi từ 18 đến 24.
Sự xuất hiện của internet, thiết bị thông minh trong gia đình có thể tăng sự kết nối giữa các thành viên nhưng cũng có thể khiến sự gắn kết giữa các thành viên trở nên lỏng lẻo, rời rạc.
Cần nhiều hơn sự kết nối
Theo các chuyên gia tâm lý, hiện nay, phần lớn các gia đình đều công nhận việc sử dụng thiết bị công nghệ để truy cập mạng xã hội chiếm khá nhiều thời gian trong ngày. Sự phát triển của công nghệ thông tin với những tính năng ưu việt cũng là thách thức đối với nhiều gia đình. Mỗi nhà mỗi cảnh, đã có không ít gia đình trẻ vì quá lạm dụng mạng xã hội khiến cho mối quan hệ giữa các thành viên thiếu gắn kết, không “xa mặt” nhưng lại “cách lòng”. Muốn giữ hạnh phúc gia đình đòi hỏi các thành viên phải tự ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng tổ ấm, biết cân bằng và sử dụng hiệu quả những tiện ích công nghệ mang lại. Chỉ khi thật sự dành thời gian cho nhau và luôn có sự đồng cảm, san sẻ thì hạnh phúc gia đình mới gắn kết, bền vững.
Để vượt qua những cám dỗ và lệ thuộc vào công nghệ, cả cha mẹ và con cái cần duy trì kỷ luật và xây dựng văn hoá gia đình, cha mẹ luôn phải làm gương cho con cái. Cụ thể, gia đình nên có một bản thoả thuận an toàn mạng giữa cha mẹ và con cái để mỗi thành viên trong gia đình đều có quyền lợi và trách nhiệm trong việc đảm bảo sức khoẻ, sử dụng internet vừa phải, lành mạnh để bảo vệ bản thân, gia đình.
Đặc biệt, gia đình luôn cần dành thời gian chất lượng cho nhau, đây chính là món quà quý giá nhất. Các gia đình dù bận rộn đến đâu cũng nên có bữa ăn cả gia đình, mỗi ngày dành ít nhất 30 phút đến 1 tiếng, cùng trao đổi và chia sẻ các việc trong ngày, tạo nên sự giao tiếp, thấu cảm và tạo niềm tin và sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Cùng với đó, để hàng ngày các thành viên vẫn quây quần, rôm rả trò chuyện trong bữa cơm gia đình, thay vì mỗi người mải miết với chiếc điện thoại thông minh thì trước hết, các ông bố, bà mẹ cần tìm được điểm dung hòa với con trẻ. Đó là cha mẹ vẫn duy trì tình yêu thương, bao dung để bổ khuyết cho đứa trẻ, đồng thời chấp nhận việc phải thay đổi tư duy và nhận thức về con trẻ, về xã hội.
Ngoài ra, các bậc ông bà, cha mẹ cần tạo không khí gia đình thật thoải mái và nhẹ nhàng, từ đó mọi người cởi mở hơn trong việc cùng nhau chia sẻ những vấn đề có thể xảy ra trong cuộc sống. Đồng thời luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau, tạo niềm tin cho nhau. Đây là những việc làm rất có ý nghĩa để tạo ra bầu không khí hạnh phúc và yên lành trong gia đình. Đó cũng là giá trị và nét đẹp văn hoá trong mỗi gia đình Việt Nam.
THẢO NGUYÊN