Bệnh viện Bà Rịa cứu sống bệnh nhân ngưng tim do điện giật
Ngày 21/4, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, các bác sĩ của bệnh viện đã cứu sống bệnh nhân ngưng tim bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Đây là kỹ thuật cao vừa được Bệnh viện Bà Rịa đưa vào hoạt động.
![]() |
Các bác sĩ Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc (Bệnh viện Bà Rịa) đã nỗ lực cứu sống bệnh nhân K. |
Cách đây khoảng 3 tuần, khi đang làm việc, anh N.V.K., (18 tuổi, ở phường Mỹ Xuân, TP. Phú Mỹ) bị điện giật, dẫn đến ngưng tim. Người bệnh được đưa vào Trung tâm Y tế TP. Phú Mỹ. Tại đây, bệnh nhân được hồi sức tích cực, có nhịp tim trở lại.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bà Rịa trong tình trạng hôn mê sâu, co giật, toan máu rối loạn chuyển hóa, suy thận cấp. Anh K. được bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Bà Rịa) cho thở máy, điều trị nội khoa, dùng thuốc vận mạch, thuốc chống co giật, bù dịch, điện giải.
Trước tình trạng nguy cấp của người bệnh, bác sĩ Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc hội chẩn với Ban giám đốc Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não cho bệnh nhân.
Tuy nhiên lúc này, Bệnh viện Bà Rịa chưa có máy hạ thân nhiệt chỉ huy. Để giải quyết tình thế, bác sĩ Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc đã lập tức liên hệ với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trường Thủy (TP.Hồ Chí Minh) để mượn máy.
![]() |
Bệnh nhân bắt đầu tiếp xúc được với người thân. |
Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của doanh nghiệp này, bác sĩ dùng máy hạ nhiệt độ cơ thể người bệnh xuống 33 độ C trong vòng 24 giờ, sau đó tăng dần lên nhiệt độ ở mức bình thường. Song song đó, bệnh nhân vẫn được tiếp tục điều trị hồi sức nội khoa.
Sau 7 ngày điều trị, người bệnh ổn, cai thở máy, rút ống nội khí quản, cải thiện nhiều về thần kinh và nhận thức. Đến nay, anh K. đã tỉnh; các rối loạn ngưng tim, điện giật, chức năng gan, thận, tim trở về trạng thái bình thường, tiếp xúc được nhưng còn chậm.
Dự kiến sau 2 tuần nữa, bệnh nhân này sẽ phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng.
Bác sĩ Trần Thanh Đạt, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc cho biết, kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy được bệnh viện đưa vào thực hiện từ đầu tháng 4/2025. Đây là ca bệnh đầu tiên được cứu sống ngoạn mục mà không để lại di chứng.
“Bệnh nhân này còn trẻ tuổi, vào viện trong giờ “vàng” và được sử dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy kịp thời nên đã cứu sống được nạn nhân”, bác sĩ Đạt nói thêm.
Tin, ảnh: HỒNG PHƯƠNG