.

Trang bị sách giáo khoa cho học sinh sử dụng tại trường: Nhiều phụ huynh vẫn muốn mua thêm

Cập nhật: 16:50, 20/04/2025 (GMT+7)

Mới đây, Sở GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến về việc trang bị SGK cho HS các trường TH, trường khuyết tật, trường phổ thông có cấp TH công lập để mượn sử dụng tại trường. Điều đáng chú ý, dù được trang bị sách tại lớp, hơn 50% phụ huynh vẫn cho biết sẽ mua thêm một bộ SGK cho HS sử dụng tại nhà. Đề xuất này cũng đang nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận.

Sở GD-ĐT đề xuất chủ trương trang bị SGK sử dụng tại trường cho HS TH công lập.
Sở GD-ĐT đề xuất chủ trương trang bị SGK sử dụng tại trường cho HS TH công lập.

Được cho mượn sách nhưng vẫn mua thêm

Theo kết quả khảo sát của Sở GD-ĐT đối với trên 33.200 phụ huynh HS tiểu học trên địa bàn tỉnh, có tới 94,7% phụ huynh đồng tình với việc trang bị SGK để HS mượn dùng tại trường. Tuy nhiên, 94,4% phụ huynh vẫn muốn có SGK cho HS sử dụng tại nhà. Trong đó, 50,5% chọn mua thêm một bộ sách, 21,8% chọn dùng SGK điện tử và 22,1% cho biết sẽ mượn SGK từ thư viện trường.

Chị Nguyễn Thị Chuyên, phụ huynh HS Trường TH Bùi Thị Xuân (TP.Vũng Tàu), chia sẻ: “Nếu SGK chỉ được dùng ở trường, khi về nhà các con sẽ không có sách để xem lại kiến thức đã học, cũng như chuẩn bị cho bài học mới. Phụ huynh cũng khó theo sát nội dung học của con”. Chị Chuyên cho rằng, mua thêm một bộ SGK để dùng ở nhà là thuận tiện nhất, nhưng cũng là phương án gây lãng phí. Mượn từ thư viện thì phải đăng ký, giữ gìn cẩn thận nên tạo cảm giác không thoải mái khi sử dụng. Còn sách điện tử, gia đình chị hạn chế cho con sử dụng điện thoại, máy tính nên không chọn phương án này.

Cô Đặng Thị Kim Nam, GV Trường TH Lê Thành Duy (TP.Bà Rịa) nhận định, đề xuất này giúp HS không còn phải mang theo những chiếc cặp nặng trĩu đến trường và về nhà. Đồng thời, HS cũng tránh được tình trạng quên SGK khi đi học. Đặc biệt, những gia đình khó khăn cũng giảm gánh nặng chi phí đầu năm học.

Tuy nhiên, từ thực tế giảng dạy, cô Kim Nam cho rằng đề xuất cũng có mặt trái. GV không giao bài tập về nhà, nhưng nhu cầu sử dụng SGK tại nhà là có thật. Điều này khiến nhiều phụ huynh vẫn phải mua thêm sách. Ngoài ra, GV chủ nhiệm sẽ phải đảm nhận thêm công việc quản lý SGK suốt năm học. SGK có nhiều bài tập làm trực tiếp trong sách nên GV sẽ phải in phiếu làm bài thay thế để HS không viết vào sách.

Liệu có cần thiết?

Ông Nguyễn Đình Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Nguyễn Trung Trực (huyện Châu Đức) cho rằng: “Chủ trương cho HS mượn là rất nhân văn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân. Tuy nhiên, mọi chính sách cần phải thực tế và khả thi, tránh lãng phí mà không hiệu quả”.

Nhiều năm qua, HS dân tộc thiểu số và các em có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ SGK từ nhà nước và nhà hảo tâm. Ngoài ra, phong trào quyên góp SGK cũ vẫn được duy trì hàng năm, góp phần bảo đảm 100% HS có SGK để học tập. “Tôi thường quyên góp SGK cũ để tặng HS, nhưng chỉ một số ít em có nhu cầu”, ông Hùng cho biết thêm.

Theo ông Hùng, nếu chỉ cho mượn SGK sử dụng tại trường, phụ huynh vẫn phải mua sách cho con học tại nhà, điều này gây lãng phí. Phương án SGK điện tử thì không phù hợp với tất cả gia đình, chưa kể ảnh hưởng tới thị lực HS nếu sử dụng trong thời gian dài. Nếu cho HS mượn mang sách về nhà thì nhà trường lại phải bố trí thêm nhân sự phụ trách quản lý sách.

Ngoài ra, SGK cho mượn chỉ dùng được khoảng hai năm là hư hỏng. Khi đó, HS dùng sách cũ sẽ cảm thấy không thoải mái, còn GV khó ứng xử. Nếu sách bị mất, hư hỏng, việc xử lý ra sao? 

“Tôi cho rằng chỉ nên trang bị SGK cho HS có hoàn cảnh khó khăn, thực sự có nhu cầu. Việc trang bị đại trà cho 100% HS là không khả thi, dễ gây lãng phí. Thay vào đó, kinh phí có thể dành để đầu tư cho mỗi trường ít nhất 1 phòng học thông minh, để GV và HS làm quen với môi trường học tập hiện đại, góp phần vào chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục”, ông Hùng đề xuất.

Kinh phí trang bị SGK khoảng 25,5 tỷ đồng

Theo đề xuất của Sở GD-ĐT, kinh phí trang bị SGK sử dụng tại trường cho năm học 2025-2026 là khoảng 25,5 tỷ đồng cho 111.556 HS, từ nguồn ngân sách tỉnh.

Quan điểm của Sở GD-ĐT cho rằng, trang bị SGK cho HS sử dụng chung tại lớp học phù hợp với xu thế phát triển xã hội và phù hợp với định hướng giáo dục bắt buộc đối với TH, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Điều này giúp HS giảm áp lực khi phải mang theo nhiều sách vở đến trường, tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn cho xã hội, cho mỗi gia đình. Đồng thời, đây cũng là cách dạy cho trẻ biết cách bảo quản tài sản chung và dạy cho trẻ đức tính tiết kiệm, tránh lãng phí ngay từ khi còn nhỏ.

Ngoài ra, đề xuất này còn giúp phụ huynh không mua nhầm sách giả, giúp HS được học đúng sách của các nhà xuất bản, bảo đảm chất lượng về nội dung, hình ảnh.

UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp và Sở Tài chính rà soát, cho ý kiến cụ thể đối với Tờ trình số 1797/TTr-SGDĐT ngày 11/4/2025 của Sở GD-ĐT về chủ trương xây dựng Nghị quyết trang bị SGK tại trường cho HS TH.

HẢI BÌNH

.
.
.