Đàn ông nội trợ, tại sao không?

Thứ Sáu, 28/03/2025, 16:02 [GMT+7]
In bài này
.

Theo quan niệm xưa thì “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, việc đàn ông thôi việc ngoài xã hội, lùi về hậu trường làm nội trợ thay vợ còn vấp phải nhiều định kiến. Tuy nhiên gần đây, xu hướng ở nhà chăm con, làm nội trợ đang được nhiều đấng mày râu ủng hộ, cho thấy sự thay đổi quan điểm rời xa khía cạnh truyền thống trong xã hội.

Vợ hay chồng ở nhà làm nội trợ không quan trọng, mà quan trọng là cách ứng xử  giữa các thành viên trong gia đình.
Vợ hay chồng ở nhà làm nội trợ không quan trọng, mà quan trọng là cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình.

Lựa chọn thực tế

Từng là nhân viên kế toán của một DN bất động sản, anh Phú (phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) quyết định nghỉ việc vào đầu năm 2025 để ở nhà nội trợ, chăm sóc 2 con, nhường cơ hội cho vợ phát triển sự nghiệp.

Mọi người khen anh giỏi, nhưng cũng không ít người cười thầm sau lưng vì cho rằng anh làm “osin” cho vợ. Thậm chí người thân hai bên nội ngoại cũng tỏ vẻ không hài lòng vì chuyện này, song anh Phú vẫn cười cho qua vì anh cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa khi được cùng gánh vác trách nhiệm chăm sóc nhà cửa và nuôi dạy 2 con cùng bạn đời.

Sau hơn 2 tháng làm quen với công việc nội trợ, đến nay anh Phú đã có thể làm bất cứ việc gì mà vợ từng làm. Sáng sớm, đồng hồ reo, anh bật dậy đánh thức 2 con, lo ăn uống, cho con đi học rồi đi chợ để làm cơm cho buổi trưa, chiều. Buổi tối, anh dành thời gian dạy con học. Mỗi bữa cơm trong nhà của anh Phú đều vui và ấm áp. Anh nấu ăn được vợ con khen ngon, con anh vẫn tự hào về cha. Còn vợ anh thì rất tâm lý, dù đi làm về mệt cũng vào phụ anh, thường tâm sự, động viên làm chỗ dựa tinh thần cho anh rất tốt.

Anh Phú nói: “Dù sau này có đi làm trở lại, mỗi ngày tôi cũng sẽ dành thời gian phụ giúp vợ chuyện gia đình. Đàn ông làm nội trợ không có gì không tốt, vợ chồng cùng chia sẻ mọi thứ thì mới hạnh phúc được”.

Tương tự, anh Tài (phường Phú Mỹ, TP.Phú Mỹ) từng là hướng dẫn viên du lịch. Sau tai nạn, đôi chân anh yếu, không còn đáp ứng được công việc di chuyển thường xuyên nên anh quyết định nghỉ việc, ở nhà chăm sóc con.

“Trở thành người nội trợ là sự lựa chọn khó khăn. Thế nhưng, nghĩ thoáng hơn thì tôi thường xuyên được gần con cái, được tự tay chăm sóc vợ con bằng những việc thiết thực. Tôi vẫn có thể tự kiếm tiền bằng công việc tại nhà, dù không nhiều nhưng cơ bản cũng tự lo được cho mình”, anh Tài tâm sự.

Phá bỏ khuôn mẫu

Trong quan niệm lâu đời của nhiều nước Á Đông, người đàn ông luôn gắn liền với hình ảnh mạnh mẽ, nam tính, là trụ cột tài chính trong gia đình. Ngược lại, người phụ nữ sẽ đảm nhận công việc bếp núc, chăm lo cho con cái, cha mẹ già. Bởi vậy, trong nhiều năm, trong khi phụ nữ bị trói buộc với công, dung, ngôn, hạnh, nam giới cũng được kỳ vọng phải làm được những thứ “đao to búa lớn”, mạnh mẽ, đáng tin cậy.

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, tài chính và sự nghiệp là hai vấn đề gây áp lực lớn nhất cho nam giới Việt Nam ở cả nông thôn và thành thị. Gần 1/4 đối tượng tham gia khảo sát thừa nhận họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống. Trong đó, hơn 80% cảm thấy bị áp lực về tình trạng tài chính, gần 70% gặp áp lực về sự nghiệp. Những áp lực này có xu hướng giảm dần theo độ tuổi, song lại gia tăng theo trình độ học vấn và thời gian làm việc.

Với những định kiến ấy, nếu một người đàn ông không ra ngoài kiếm tiền, ở nhà làm nội trợ để vợ lo tài chính thì nhiều khả năng sẽ phải đối mặt không ít áp lực, đặc biệt là sự đánh giá từ người xung quanh.

Tuy nhiên, đó chỉ là trước đây. Ở thời đại ngày nay, vai trò của người vợ, người chồng trong gia đình đang dần thay đổi rõ rệt so với quan niệm truyền thống. Theo đó, phụ nữ cũng có thể kiếm tiền giỏi, giải quyết những việc lớn lao. Ngược lại, đàn ông hoàn toàn có thể làm tốt việc hậu phương, lo việc nội trợ thay vợ. Xu hướng đàn ông ở nhà làm nội trợ không chỉ phổ biến ở các nước phương tây mà còn là xu hướng mới ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia châu Á, nơi mà từ lâu vẫn mặc định nội trợ là công việc chỉ dành cho phụ nữ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Theo Tổ chức Thống kê Hàn Quốc, năm 2023, có tới 16.000 nam giới Hàn Quốc không muốn đi làm và cũng không tìm việc làm để có thể dành toàn thời gian cho việc nuôi dạy con cái. Đây là mức cao nhất kể từ năm 1999. Số lượng nam giới nước này ở nhà nội trợ cũng gia tăng đều đặn, từ 6.000 người vào năm 2013 lên 9.000 vào năm 2019 và đạt 13.000 vào năm 2021.

Mức tăng được đánh giá là xuất phát từ việc chính phủ nước này mở rộng chính sách cho vợ chồng nghỉ khi sinh con và nam giới ngày càng nhận thức được việc chăm sóc con cái là quan trọng. Số lượng đàn ông nội trợ theo nhóm tuổi 40 là khoảng 8.400 người, tiếp theo là nhóm tuổi 30 với 4.600 người.

Khi số đàn ông nội trợ tăng thì số lượng phụ nữ Hàn Quốc không đi làm giảm đi. Năm 2023, có 840.000 phụ nữ Hàn Quốc ở nhà chăm con, giảm 14,7% so với năm 2022 và con số vẫn tiếp tục giảm đi khi nhiều phụ nữ muốn làm việc sau khi sinh con.

Còn tại Nhật Bản, một đất nước đã từng nặng nề tư tưởng phụ nữ phải ở nhà chăm con, đàn ông phải đi làm kiếm tiền thì hiện nay, rất nhiều đàn ông Nhật cũng đã lựa chọn trở thành người chồng ở nhà nội trợ và nuôi dạy con cái. Hình ảnh những người chồng, người cha làm nội trợ, chăm sóc con cái đang được Chính phủ Nhật Bản quảng bá rộng rãi và trở nên phổ biến trong xã hội.

Tại nhiều nước phương Tây như Anh, Mỹ, việc đàn ông làm việc nhà, chăm con, vợ đi làm kiếm tiền trở thành điều bình thường trong những năm qua.

Cũng theo một chuyên gia tại Việt Nam, số nam giới quyết định ở nhà làm nội trợ ở Việt Nam chưa quá nhiều song cũng đang có nhiều tín hiệu tích cực. Hình ảnh người đàn ông xách giỏ đi chợ, đưa đón con đi học hàng ngày hay ở nhà cơm nước cho vợ đi làm không phải hiếm.

Theo các chuyên gia tâm lý, vợ hay chồng ở nhà làm nội trợ không quan trọng, mà quan trọng là cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Người đi làm không được coi thường người ở nhà, và ngược lại, người ở nhà làm nội trợ cũng không nên mặc cảm, tự ti. Gia đình sẽ hạnh phúc khi mọi người cùng chia sẻ, yêu thương, tôn trọng nhau.

NGUYÊN THẢO

 
;
.