Sáng tạo ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động Đội

Thứ Ba, 04/02/2025, 17:02 [GMT+7]
In bài này
.

Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Đội, Hội đồng Đội các địa phương cùng liên đội trường học đã sáng tạo, đa dạng các mô hình ứng dụng chuyển đổi số thiết thực, phù hợp với nhu cầu của đội viên, thiếu nhi.

Học sinh Trường THCS Đất Đỏ cùng nhau tham gia mô hình sinh hoạt Đội số.
Học sinh Trường THCS Đất Đỏ cùng nhau tham gia mô hình sinh hoạt Đội số.

Sáng tạo để vừa học vừa chơi

Tại Trường THCS Đất Đỏ (TT.Đất Đỏ, huyện Long Đất), hơn 2 năm qua, mô hình sinh hoạt đội số đã được triển khai thực hiện. Đội viên không chỉ bám sát được các chương trình, hoạt động của tổ chức Đội trong từng chủ điểm, chủ đề mà còn sáng tạo thêm nhiều hình thức thực hiện phong phú.

Cô Phạm Thị Thu Huyền, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Đất Đỏ cho biết, thực hiện theo định hướng của Hội đồng Đội Trung ương và hướng dẫn của Hội đồng Đội tỉnh, mô hình sinh hoạt Đội số được liên đội trường phổ biến trong đội viên. Đó là việc cung cấp cho mỗi em 1 tài khoản và mật khẩu để vào sinh hoạt Ðội số cấp chi đội. Tại đây các em vừa học vừa chơi bằng việc tham gia trả lời các câu hỏi trắc nghiệm tìm hiểu kiến thức về tổ chức Ðội, xem sách kể chuyện về 5 người đội viên đầu tiên, được tham gia, hóa thân vào 1 trong 5 nhân vật thực hiện thông tin liên lạc… từ đó mang đến cho các em trải nghiệm, khơi gợi sự tìm tòi khám phá lịch sử Ðội, giúp các em dễ nhớ kiến thức về tổ chức Đội hơn.

Em Mai Thị Hồng Lý, HS Trường THCS Đất Đỏ chia sẻ: “Từ ngày Liên đội trường triển khai mô hình này, thời gian rảnh con cùng các bạn lên phòng máy của nhà trường để truy cập vào tài liệu sinh hoạt Đội, cùng nhau trả lời các câu hỏi xem ai có nhiều câu trả lời đúng. Ở nhà con cũng có thể truy cập được để hóa thân vào các nhân vật và khoe thành tích bản thân đã vượt qua cho bố mẹ mình biết. Con có được nhiều kiến thức hơn”.

Còn tại Trường TH Cao Văn Ngọc (huyện Long Đất), để đáp ứng nhu cầu theo dõi và đọc báo Đội, thay vì mua Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng đưa về văn phòng Đội để phổ biến cho HS. Năm học 2023-2024, liên đội trường đã thực hiện mô hình đọc và làm theo báo Đội trên nền tảng số. Theo đó, liên đội trường xây dựng ứng dụng dưới dạng đường link liên kết trên nền tảng của ứng dụng Zalo. HS sau khi truy cập vào đường link, trang chủ được mở ra với các mục như: Cẩm nang cho em, em yêu lịch sử, góc sưu tầm, góc giải trí…Từ đây, các em thỏa sức khám phá thế giới của đội viên trên các lĩnh vực.

Nền tảng số còn được liên đội Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP.Vũng Tàu) ứng dụng tạo game show mini cho HS chơi trong khoảng thời gian truy bài 15 phút trước khi vào tiết học. Mô hình đã tạo được sự phấn khởi, vui tươi, giảm sự căng thẳng cho HS khi đến lớp hơn 1 năm qua.

Khơi gợi niềm yêu thích hoạt động Đội

Bắt đầu triển khai từ năm 2021, ngoài các chương trình, ứng dụng do Hội đồng Đội Trung ương phát động, toàn tỉnh ghi nhận khoảng 150 mô hình, hoạt động sáng tạo ứng dụng chuyển đổi số đang được thực hiện ở liên đội các trường TH, THCS.

Điểm nổi bật ở các mô hình là không chỉ vận sáng tạo, đưa những tài liệu sinh hoạt, kiến thức đội thiếu tiền phong đến gần hơn với các em mà còn tích hợp được sở thích, khả năng sáng tạo của thiếu nhi. 

“Báo giấy HS chỉ đọc được ở trường và cũng khó để bảo đảm số lượng báo cho tất cả HS. Khi đọc trên nền tảng số, HS chỉ cần có điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc tới phòng máy của nhà trường sẽ tiếp cận được với báo Đội, kiến thức về Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Việc tạo ra ứng dụng vừa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức của các em và đưa việc chuyển đổi số trở nên gần gũi, thiết thực hơn trong từng hoạt động Đội”, cô Nguyễn Thị Cẩm Nhung, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường TH Cao Văn Ngọc cho hay.

Anh Thôi Đại Việt, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh nhận định, hàng năm, công tác tập huấn, chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong chuyển đổi số các hoạt động Đội luôn được Hội đồng Đội tỉnh và các cấp tăng cường triển khai thực hiện. Qua đó, liên đội các trường đã chủ động, sáng tạo khai thác trên nền tảng công nghệ, truyền thông, mạng xã hội để xây dựng các mô hình, giải pháp nâng cao năng lực số cho thiếu nhi. Trong đó, chú trọng vào mục tiêu giúp các em học cách tra cứu, tìm kiếm thông tin học tập, góp phần tạo môi trường chuyển đổi số trong giáo dục, rèn luyện và vui chơi, giải trí cho thiếu nhi, đội viên.

“Tôi đánh giá cao việc ứng dụng chuyển đổi số trong triển khai các công tác hoạt động Đội của Hội đồng Đội, liên đội các trường. Việc khai thác tối đa nền tảng số giúp HS, đội viên tiếp cận rộng hơn, sâu hơn kiến thức về tổ chức Đội. Khi biết có đầu mối thông tin, biết cách truy cập đúng, HS nắm vững kiến thức về tổ chức Đội, ý nghĩa của ngày truyền thống, về từng nhân vật lịch sử…Từ đó giúp HS yêu thích, gắn bó với tổ chức Đoàn-Hội-Đội”.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

;
.