Hai cái tát-đó là hình phạt cô giáo chủ nhiệm dành cho hai đứa trẻ lớp 7 chỉ vì “tội” đổi chỗ trong giờ thực hành. Khi kể lại cho tôi câu chuyện ấy, mẹ của một trong 2 em học sinh vẫn không khỏi nghẹn lời. Làm sao mà không đau đớn khi mà con chị vốn đang phải điều trị tâm lý, khi mà đứa trẻ mới lớn bị sỉ nhục ở nơi công cộng và câu chuyện chả mấy lúc đã loan đi khắp trường.
Cô giáo đã xin lỗi. Nhưng Ban giám hiệu nhà trường vẫn im lặng-như những người ngoài cuộc. Chỉ khi câu chuyện đến tai lãnh đạo ngành giáo dục và nhận được sự chỉ đạo, hiệu trưởng nhà trường mới… hẹn phụ huynh lên gặp. Trong suốt cuộc nói chuyện, người đứng đầu vẫn không một lời nhận trách nhiệm mà chỉ chăm chắm nhắc chị ký vào biên bản làm việc, để nhà trường có căn cứ báo cáo cấp trên rằng, đã giải quyết vụ việc êm xuôi.
Chị từ chối ký, ra về với tâm trạng buồn và thất vọng: “Trong cuộc nói chuyện đó, tôi chỉ cần cô hiệu trưởng nói 3 câu: hỏi thăm tình hình của học sinh; xin lỗi, nhận trách nhiệm với vai trò người quản lý; giải pháp để sự việc tương tự không tiếp diễn với tất cả các lớp trong toàn trường. Thật đáng buồn khi một nhà giáo, cũng là một cán bộ quản lý không biết nhận trách nhiệm và không biết nói lời xin lỗi”.
Câu chuyện của chị khiến tôi nhớ tới “vụ án” 17 ly trà sữa, đã kéo dài từ năm 2023 đến nay và vẫn chưa có hồi kết. Mọi chuyện bắt nguồn từ việc cô giáo gọi điện nhờ phụ huynh mua trà sữa cho học sinh trong đội văn nghệ của lớp với thái độ hách dịch. Ấm ức với thái độ của giáo viên, phụ huynh viết bài đưa lên mạng xã hội. Mâu thuẫn không được hóa giải, giáo viên, phụ huynh làm đơn kiện cáo lẫn nhau. Một mối quan hệ mà lẽ ra phải đối đãi với nhau bằng sự nâng niu, trân trọng hết lòng, nay bỗng rơi xuống vực thẳm. Đôi bên kéo nhau tới chốn pháp đình với những ồn ào không đáng có. Trong khi, câu chuyện lẽ ra có thể khép lại chỉ bằng một lời xin lỗi chân thành.
Lời xin lỗi của người thầy, vì sao khó nói? Phải chăng, do cái tôi cá nhân được đề cao quá mức? Hay việc nói ra lời xin lỗi là hành động cúi đầu làm hạ uy tín, khiến người nói ra lời xin lỗi trở nên yếu thế?
Mới đây, Trưởng Phòng GD-ĐT TP.Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) gửi thư xin lỗi các em cùng phụ huynh vì một câu trong đề kỳ thi đánh giá năng lực học sinh vào lớp 6 Trường THCS Vĩnh Yên có đáp án không chính xác. Hay tại một trường tiểu học ở TP.Hồ Chí Minh, vì nghi oan cho em học sinh lấy trộm 1 triệu đồng của cô giáo, không chỉ GV, mà cả ban giám hiệu nhà trường đã vượt qua sĩ diện cá nhân của mình, công khai nhận trách nhiệm, xin lỗi em học sinh trước sự chứng kiến của toàn trường.
Có những cái cúi đầu khiến con người trở nên hèn hạ. Thế nhưng, cũng có những cái cúi đầu làm cho con người ta trở nên cao cả hơn. Trong trường hợp người thầy biết nhận ra cái sai, nhận thấy trách nhiệm của mình và nói lên lời xin lỗi một cách chân thành, là một cách khiến hình ảnh người thầy trở nên gần gũi, trọn vẹn và cao quý hơn.
Một cô giáo tiểu học từng chia sẻ với tôi rằng, nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi hình bóng, cách ứng xử của người thầy sẽ ghi dấu mãi trong trái tim, trong cuộc đời của các em học sinh. Thiết nghĩ, bản thân người thầy nếu không biết nhận lỗi và xin lỗi khi không may mắc khuyết điểm, vẫn quanh co, lảng tránh, hơn thua ăn miếng trả miếng thì người thầy ấy sẽ “ghi dấu” như thế nào trong lòng các em học sinh của mình?
Trong xã hội ngày nay, biết nói lời xin lỗi, biết nhận lỗi khi làm sai, điều tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại trở nên xa xỉ với nhiều người. Xin lỗi không chỉ là biết lỗi và nhận lỗi, mà còn phải thể hiện trách nhiệm với lời xin lỗi bằng những hành động chân thành. Lời xin lỗi chân thành không làm cho ai đó yếu hèn đi mà ngược lại, đó là một ứng xử văn minh trong xã hội, không ngoại trừ bất cứ ai.
Việc nói lời xin lỗi trong môi trường văn hóa học đường ngày nay càng trở nên có ý nghĩa. Nó tạo nên điều kỳ diệu để phần nào xoa dịu, “chữa lành” những mâu thuẫn, xung đột, góp phần xây dựng văn hóa học đường và môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, văn minh.
KHÁNH CHI